Gia nhập EU, Serbia có “phản bội” Nga?

Đào Cảnh |

Nếu như các cuộc đàm phán được tổ chức thành công, nhiều khả năng Serbia sẽ chính thức trở thành thành viên EU trong khoảng thời gian 2019-2020. Trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Nga vẫn căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nếu như các cuộc đàm phán được tổ chức thành công, nhiều khả năng Serbia sẽ chính thức trở thành thành viên EU trong khoảng thời gian 2019-2020.

Trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Nga vẫn căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, một câu hỏi được đặt ra là liệu Serbia có “phản bội” Nga hay không?

Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng nếu nói Belgarde “phản bội Nga” như những gì các phương tiện truyền thông đăng tải thời gian qua sẽ là không công bằng.

Chỉ có thể kết tội Belgrade “phản bội Nga” nếu như Serbia còn có sự lựa chọn khác như trường hợp của Ukraine mới đây. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài EU, Serbia gần như không có sự lựa chọn nào khác.

Không có lối thoát

Thủ tướng Serbia Aleksandr Vuchich trong một cuộc họp báo tại Brussels đã nhấn mạnh: “Mục đích chiến lược của chúng tôi là gia nhập EU và chúng tôi đang chứng tỏ sự nhất quán, quyết tâm và trung thành với con đường này.

Mặt khác, chúng tôi vẫn muốn giữ quan hệ truyền thống với Nga.

Chúng tôi hiểu rằng trong tương lai chúng tôi sẽ trở thành thành viên EU. Nếu không thành công trong năm 2016, 2017, chúng tôi sẽ vẫn phải đạt được mục đích này thời gian sau đó”.

Ngoài ra, Thủ tướng Serbia cũng bác bỏ các thông tin của Cao ủy châu Âu về vấn đề mở rộng liên minh và chính sách láng giềng hữu nghị Johannes Hahn cho rằng Serbia gia nhập EU vì các mục đích kinh tế.

“Cao ủy châu Âu Hahn cho rằng điều đó (gia nhập EU) là rất quan trọng đối với Serbia về vấn đề kinh tế. Tuy nhiên tôi lại đặt các lợi ích kinh tế xuống vị trí thứ hai hoặc thứ ba.

Mục đích lớn nhất của Serbia là mô hình liên minh mà Serbia muốn gia nhập”- ông Vuchich khẳng định.

Theo ông Vuchich, việc lựa chọn con đường gia nhập EU là sự lựa chọn của người dân Serbia và Thủ tướng Serbia rất hạnh phúc vì EU “muốn thấy Serbia trong liên minh dân chủ của mình”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Thủ tướng Vuchich cho rằng các vấn đề về kinh tế khi nước này gia nhập EU chỉ đứng thứ ba trong hàng ưu tiên của nước này là không thực lòng.

Các nước láng giềng của Serbia, hoặc là đã gia nhập EU, hoặc đang là ứng cử viên gia nhập liên minh này, hoặc là các khu vực lãnh thổ đã bị EU kiểm soát hoàn toàn dưới dạng các nước Nam Tư cũ hoặc các khu vực tự trị.

Trong bối cảnh này, việc gia nhập EU là phương án duy nhất có thể thực hiện để phát triển nếu Belgrade không muốn sớm hay muộn sẽ bị cô lập về kinh tế.

Xét về thực chất, Serbia đang rơi vào tình cảnh không có lối thoát và việc đòi hỏi nước này phải chống lại EU một cách “anh hùng” khi hoàn toàn bị bao vây bởi EU là điều bất hợp lý.

Belgrade đã từ chối tham gia các lệnh cấm vận chống Nga và vẫn tạo điều kiện cho các công ty của Nga làm ăn tại Serbia.

Do đó, các chuyên gia cho rằng nếu nói Belgarde “phản bội lại Nga” như những gì các phương tiện truyền thông đăng tải thời gian qua sẽ là hơi quá lời.

Chỉ có thể kết tội Belgrade “phản bội Nga” nếu như Serbia còn có sự lựa chọn khác như trường hợp của Ukraine mới đây.

Theo tờ Quan điểm, bất chấp bất đồng, Nga vẫn có mong muốn phát triển và củng cố mối quan hệ với EU và cho rằng tình trạng đối đầu như hiện nay chỉ là tạm thời.

Nếu châu Âu ngày càng có nhiều đồng minh với Nga thì quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai bên sẽ càng diễn ra nhanh hơn. Xét về mặt địa lý, châu Âu và Nga sẽ không thể rời bỏ nhau.

Vẫn vướng vấn đề Kosovo

Mới đây, các quốc gia thành viên EU đã bỏ phiếu nhất trí cho phép Belgrade tiến hành các cuộc thảo luận 2 trong số 35 điều khoản nền tảng để trở thành thành viên EU.

Hai điều khoản sẽ được đàm phán là điều khoản số 32 và điều khoản số 35 (là các điều khoản liên quan đến vấn đề kiểm soát tài chính và bình thường hóa quan hệ với Kosovo).

Gia nhập EU, Serbia có phản bội Nga?
Gia nhập EU, Serbia có phản bội Nga?

Ngoài hai điều khoản trên, EU và Serbia sẽ tiếp tục thảo luận thêm hai điều khoản mới về cải cách hệ thống pháp luật và an ninh, vấn đề di cư và cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức… trong tháng 1/2016.

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm chính vẫn liên quan đến quy chế dành cho Kosovo. Serbia sẽ chỉ có thể gia nhập EU nếu như chấp nhận để Kosovo độc lập.

Về thực chất, hiện phần lớn người dân Serbia đang muốn đưa nước này trở thành thành viên EU. Do đó, họ hiện đang hy vọng rằng bằng cách nào đó để vấn đề này “không bị đụng đến”, hoặc sẽ phải chấp nhận mất đi phần lãnh thổ của mình.

Một khả năng khác cũng có thể xảy ra là một bộ phận người dân Serbia sẽ cho rằng trong khuôn khổ của EU, Kosovo là một phần của Serbia hay là một phần của EU đều sẽ không quan trọng.

Serbia mới đây đã thực hiện một loạt bước đi để cải thiện quan hệ với chính quyền Kosovo. Đến đầu tháng 12/2015, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc cùng kiểm soát, điều hành các trạm kiểm soát hải quan ở biên giới hai bên.

Trước đó, Thủ tướng Đức Merkel đã đưa ra các tuyên bố cho rằng Belgarde chưa sẵn sàng trở thành thành viên EU vì những hành vi cư xử của người Serbia ở Kosovo là không phù hợp (Người Serbia xung đột với lực lượng của NATO đóng quân ở Kosovo).

Ngoài vấn đề Kosovo, Serbia còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác.

Trước hết, tính đến năm 2020, EU hoàn toàn có thể khác xa so với thời điểm hiện tại. Vương quốc Anh đang cân nhắc khả năng sẽ rút khỏi EU khi vẫn quyết định tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.

Theo giới phân tích, khả năng dân Anh ủng hộ quyết định rút khỏi EU vẫn nhiều hơn so với số phản đối.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa thấy có cơ sở nào để khẳng định rằng cuộc khủng hoảng nhập cư sẽ được giải quyết triệt để mà ngược lại, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Ở Ba Lan hiện còn đang tiềm tàng các nhân tố bê bối liên quan đến Tòa án hiến pháp.

Theo cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa, “tình hình có thể dẫn đến cuộc nội chiến”, còn chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng tuyên bố rằng các sự kiện ở Ba Lan “mang tính chất của một cuộc đảo chính”.

Chính các sự kiện trên có thể sẽ là rào cản đối với quá trình đàm phán gia nhập EU của Serbia.

Tuy nhiên, sớm hay muộn các cuộc đàm phán này sẽ đi đến hồi kết.

Dù vẫn tin tưởng vào sự “chung thủy” của Serbia, giới chuyên gia thận trọng cảnh báo chính quyền Nga, giới doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn sàng khi luật chơi ở Serbia thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại