Câu chuyện EU và Hy Lạp ở thời điểm hiện tại cũng như vậy, khi người chủ EU vừa không thể bắn chết con sư tử Hy Lạp, lại vừa không muốn để nó tự do, vậy thì cách tốt nhất là phải sử dụng sức mạnh để trấn áp.
Muốn giữ Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng tiền chung Eurozone, EU cần phải nghiền nát nó trước.
Hy Lạp ở thời điểm hiện tại không khác gì một cái gân gà đối với EU, ăn thì dai mà bỏ đi thì tiếc.
Tình trạng kinh tế ảm đạm và đang nợ đầm đìa của Hy Lạp sẽ phải mất khá nhiều thời gian nữa mới đạt được mức tăng trưởng trung bình khá, và EU sẽ vẫn phải cưu mang nền kinh tế đang trong tình trạng ốm yếu này bằng các khoản cho vay, và phải xiết chặt để đề phòng một vụ khủng hoảng nợ công khác diễn ra tại đất nước Nam Âu này – nơi người dân và chính phủ luôn có thói quen chi tiêu phóng tay mà ít suy nghĩ đến hậu quả.
Nhưng mặt khác, EU cũng không muốn loại Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung.
Đó sẽ là một tổn thất lớn đối với các chủ nợ của Hy Lạp mà phần lớn lại là các nước thành viên EU, đồng thời đó cũng sẽ là một tác động xấu đến hình ảnh của Liên minh Châu Âu khi đã chứng tỏ nó không thể kiểm soát các thành viên của mình.
Thế nhưng, dù gân gà dai và nhạt nhẽo thì cũng ít ai muốn vứt nó đi. EU cũng đang ở trong tình thế đó, nên khi chính phủ mới ở Hy Lạp đe dọa sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung nếu như không được giảm nợ và nới lỏng, EU đã chọn giải pháp thể hiện sự cứng rắn cao độ.
Tất cả các đề nghị của Athens về việc giảm nợ đều bị từ chối thẳng thừng, hầu hết các nước mà chuyến công du vòng quanh Châu Âu của tân thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đều tỏ ra lạnh nhạt.
Sự cứng rắn của EU, với sự đứng sau lưng giật dây của Đức, đã khiến Hy Lạp bực tức đến mức thủ tướng Tsipras đã hô hào tinh thần dân tộc trong một bài phát biểu tại Quốc hội ngay sau đó, với giọng điệu cứ như một bài diễn thuyết kêu gọi sự sẵn sàng của người dân để chống lại một cuộc xâm lược từ ngoại bang.
Thậm chí, Tsipras đã lớn tiếng đòi Đức thanh toán khoản bồi thường từ tận thế chiến thứ hai, với một sự ám chỉ không cần che giấu rằng cái cách mà Đức đang ép Hy Lạp thô bạo không khác gì nước Đức Phát xít của Hitler đã làm trong thế chiến hai.
Sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Hy Lạp và phần còn lại của EU vì thế đang đạt đến đỉnh điểm.
Với chỉnh phủ mới ở Athens, phần còn lại của EU giống như những kẻ trọc phú tham lam đang ăn trên ngồi trốc kiếm tiền bằng sự khốn cùng của người dân Hy Lạp; còn với phần còn lại của Châu Âu, chính phủ mới của Hy Lạp chỉ là những kẻ cơ hội lợi dụng sự bất bình của người dân để leo lên nắm quyền, và dựa vào sự tức giận mù quáng của người dân để đưa ra những yêu sách ngạo mạn với Liên minh Châu Âu.
Một sự nhượng bộ từ phía Liên minh Châu Âu sẽ đồng nghĩa với việc nâng cao uy tín của tân chính phủ Hy Lạp là đảng cánh tả Syriza đối với người dân Hy Lạp, và vì thế gần như chắc chắn sẽ khơi mào cho những đòi hỏi tiếp theo.
Để đánh quỵ Hy Lạp, EU đang tìm cách đánh quỵ uy tín của tân thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trước.
Vì thế, không có gì bất ngờ khi cuộc hội đàm mấu chốt bàn về giải pháp đối với trường hợp Hy Lạp cách đây vài ngày đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào.
Cả đại diện của EU lẫn Hy Lạp đều ra về với một bộ mặt không lấy gì làm thân thiện.
Một số chuyên gia thậm chí đã cho rằng, sở dĩ thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande nhanh chóng chấp thuận điều khoản ngừng bắn ở Ukraine với tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị Minsk là vì muốn nhanh chóng tập trung vào vấn đề Hy Lạp.
Những động thái mới nhất ở đất nước Nam Âu này đang cho thấy một vấn đề mới nghiêm trọng hơn việc giảm nợ rất nhiều, đó là việc trỗi dậy của các đảng phái cánh tả dân túy, đưa ra các chính sách dễ chịu để đổi lấy sự ủng hộ từ phía người dân như một cách thức hữu hiệu để lên nắm quyền.
Việc một đảng cánh tả thắng cử ở Hy Lạp và đang gây ra những phiền phức với Liên minh Châu Âu có thể châm ngòi cho điều tương tự diễn ra ở hàng loạt các nước khác, như Tây Ban Nha hay Italia.
Sở dĩ EU có thể sử dụng biện pháp cứng rắn ở thời điểm hiện tại với Hy Lạp, là vì đang nắm con bài chủ trong tay: khả năng Hy Lạp có thể rời khỏi EU là rất thấp.
Chính phủ mới ở Hy Lạp đã sử dụng kịch bản này như một biện pháp đe dọa EU phải giảm thuế cho nước này nếu như không muốn lâm vào cảnh “Trạng chết, chúa cũng băng hà”, việc Hy Lạp rời EU sẽ mang lại những rắc rối cho cả hai bên và để tránh điều này cả hai bên đều phải xuống thang.
Nhưng trên thực tế, phần thiệt trong canh bạc này thuộc về phía Hy Lạp nhiều hơn.
Một cuộc chia tách khỏi EU đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải quay lại tình trạng một nền kinh tế độc lập với một đồng tiền riêng, và vận hành nền kinh tế một cách độc lập như trong quá khứ, đó sẽ là một công việc phức tạp và đồ sộ mà tân chính phủ của nước này gần như không có đủ năng lực thực hiện.
Nói cách khác, chính phủ mới của Hy Lạp đã bị hớ trong vấn đề đưa ra kịch bản nước này rời khỏi khu vực đồng tiền chung để ép EU giảm nợ.
Một nguyên tắc đàm phán cơ bản là anh không thể mặc cả với cái mà anh không có hoặc không thể làm được. Chính phủ Hy Lạp đã gần như không thể đưa nước này rời khỏi EU, thì sẽ không thể đem nó ra để ép EU được.
Thậm chí, lợi thế có được sự ủng hộ từ phía người dân cũng đang dần trở thành một gánh nặng với tân chính phủ ở Athens.
Người dân bỏ phiếu cho đảng Syriza vì muốn thấy sự thay đổi, điều này sẽ nhanh chóng trở thành áp lực đối với chính phủ của thủ tướng Tsipras nếu như không đạt được tiến triển trong việc đàm phán với EU.
Nó sẽ dễ dẫn đến tình trạng chính phủ Hy Lạp sẽ chấp nhận thỏa hiệp với EU để nhận lấy một vài tiến triển trong quá trình đàm phán để tiếp tục giữ được dự ủng hộ từ phía người dân.
Đè bẹp và nghiền nát Hy Lạp ở thời điểm hiện nay vì thế là điều cần thiết hơn bao giờ hết, để giữ nước này tiếp tục ở lại EU.