Phái viên của Iraq Mohamed Ali Alhakim ngày 10/12 đã gửi thư lên Phái viên Mỹ ở LHQ Samantha Power, hiện đang là chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, "đề nghị Hội đồng Bảo an yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay lập tức... và không vi phạm chủ quyền Iraq lần nữa".
Trong thư, ông Alhakim nhắc lại quan điểm của Iraq rằng, hành động của Ankara là "vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Iraq và chủ quyền quốc gia nước này".
Thư kiến nghị từ Iraq cũng nêu rõ, các nỗ lực ngoại giao song phương nhằm giải quyết vấn đề đã thất bại.
Không lâu sau đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Al Jazeera, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đáp trả: "Họ có thể nhờ tới Hội đồng Bảo an LHQ, đó là quyền tự nhiên, không thể chối cãi của họ, nhưng đó là bước đi không trung thực.
Và chúng tôi tin rằng các động thái của Iraq liên quan tới những diễn biến mới nhất trong khu vực, và rằng, đó là các bước đi của Nga và Iran".
Trước đó, chính Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi đã chỉ thị cho ông Alhakim tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Hội đồng Bảo an, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết không rút quân khỏi lãnh thổ nước này, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Baghdad.
Thậm chí, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn đổ lỗi cho Iraq vì đã không thể bảo vệ biên giới khỏi mối đe dọa từ IS.
"Bởi vì Iraq là nơi mà các tổ chức khủng bố, đặc biệt là IS đang lộng hành... những tổ chức khủng bố đó là mối đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu chính quyền trung ương Iraq không có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa có thể có đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thì chúng tôi phải tự mình làm điều đó".
Trên Twitter của mình, ông Abadi cũng thề sẽ tiến hành tất cả các biện pháp, sử dụng "tất cả các công cụ pháp lý" để bảo vệ Iraq.
Iraq từng có nhiều kiềm chế với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề một cách song phương. Mới đây, một phái đoàn cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm của Giám đốc tình báo Hakan Fidan đã tới Iraq để bàn thảo về vấn đề này.