Tháng 9 năm ngoái, trong một cuộc họp báo ở Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã xác nhận có người Nga chiến đấu ở miền Đông Ukraine. Đó là những người lính tình nguyện.
Trước đó vài ngày, các kênh truyền hình lớn của Nga là Rossiya, Channel One và NTV cũng phát đi hình ảnh đám tang một lính tình nguyện Nga tử trận ở Ukraine, khi đang chiến đấu trong hàng ngũ phe ly khai.
Báo điện tử Nga Gazeta.ru cho hay, việc lính tình nguyện Nga tham gia vào các hành động quân sự tại miền Đông Ukraine đã trở thành vấn đề đối với thân nhân của họ, khi gia đình những người này không thể tìm và chôn cất thi thể người thân đã hy sinh.
Một số người đã nhờ các tổ chức bảo vệ nhân quyền Ukraine giúp đỡ công bố danh sách những lính tình nguyện Nga hy sinh, số khác lại đi tìm với sự giúp đỡ của các đội tìm kiếm họ thuê từ Nga.
Gazeta.ru đã tìm hiểu hành trình tìm kiếm thi thể lính tình nguyện Nga tại Donbass của người thân và những vấn đề mà họ gặp phải trong hành trình này.
Trong giai đoạn cuộc xung đột Ukraine diễn ra ác liệt nhất vào mùa hè năm 2014, có nhiều quan tài kẽm và xe lạnh chở thi thể lính tình nguyện Nga đi qua cửa khẩu biên giới tại tỉnh Rostov, Liên bang Nga.
Vì sự hỗn loạn và thiếu tổ chức ở những cơ quan của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk tự xưng (DPR và LPR), nên người thân của lính tình nguyện Nga thường không thể tìm được xác của họ.
Nhóm tìm kiếm mang tên “Medved” (Gấu) đã chia sẻ với phóng viên Gazeta.ru về đặc thù công việc tìm kiếm tại Donbass.
Chuyên gia phân tích của nhóm Dmitri nói rằng trước khi đi tìm thi thể, các nhân viên tìm kiếm phải thu thập thông tin, truy tìm và hỏi thăm các nhân chứng.
Người thân của các lính tình nguyện hy sinh tại Donbass thường cố gắng tìm họ qua các thông tin mở trên mạng internet.
Những tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga cũng có con số thống kê của mình – đó là tổ chức “Mẹ của lính” và Hội đồng nhân quyền trực thuộc Tổng thống Nga.
Ông Sergei Krivenko - Thành viên của Hội đồng nhân quyền trực thuộc Tổng thống Nga, điều phối viên tổ chức “Công dân và Quân đội” - nói rằng các tổ chức nhân quyền Nga thường cố gắng dựa vào thông tin từ những người thân và các tổ chức đối tác.
Bởi theo ông Krivenko, những thông tin từ phía Ukraine rất khó có thể kiểm chứng được về tính chính xác.
Tại Donbass, những nhân viên tìm kiếm cũng gặp phải các vấn đề trong việc phối hợp với ly khai Ukraine.
“Có một trường hợp cụ thể: Tìm thấy thi thể của lính tình nguyện tên là N tại nhà xác.
Theo lời các đồng đội, đó đúng là N. Khi yêu cầu họ (ly khai) chụp ảnh và gửi cho chúng tôi – họ không đồng ý và nói: Các anh đến đây và nhận xác mang về.
Vấn đề ở chỗ cô con gái của N lại có con nhỏ, cô không có tiền. Đó là những lý do dễ hiểu vì sao cô ấy không thể tới Donbass được.
N từng cầm súng chiến đấu trong đội Slavyan (tên gọi không chính thức của nhóm bính lính do cựu chỉ huy ly khai Igor Strelkov cầm đầu, chịu trách nhiệm bảo vệ thành phố Slavyansk), nếu sĩ quan chỉ huy có tiền thì tại sao không gửi?
Những người có trách nhiệm lại không hề giúp đỡ” - Dmitri chia sẻ.
100.000 rúp để tìm một người
Alexei Penza, một thành viên khác của “Medved” từng phải bỏ tiền túi của mình ra để đưa thi thể những người lính tình nguyện Nga về nước vì anh không thể quyên góp được quá 20.000 rúp qua mạng.
Theo Penza, để tìm một người phải chi mất 50.000-100.000 rúp, bao gồm chi phí đi lại (xăng, xe ôtô, vé máy bay); phân tích ADN mất 18.000-25.000 rúp; quan tài, quần áo, thùng kẽm - 20.000-25.000 rúp.
"Người ta (ly khai Ukraine) kêu gọi lính tình nguyện và nói: 'Chúng tôi nghèo lắm, chúng tôi cần sự giúp đỡ của anh'.
Vậy là lính tình nguyện lên đường, bỏ tiền túi để mua đồ ăn và quần áo để mặc. Còn khi anh ta hy sinh thì chẳng ai cần anh ta.
Chính cái sân bay đó (điểm trung chuyển giao thông của Donetsk – một trong những nơi xảy ra các trận chiến khốc liệt nhất), chúng tôi không thể nhận được phần còn lại của thi thể một thanh niên bị xe tăng nghiền nát.
Tôi đề nghị chuyển phần còn lại của cái xác về chôn cất. Nhưng không, chẳng có ai cần quan tâm cả.
Theo thông tin mà tôi có được, sĩ quan chỉ huy nhận được 20.000-25.000 hryvnia (đơn vị tiền Ukraine) cho mỗi thi thể. Nhưng số tiền này biến mất tăm” - Alexei Penza phàn nàn.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ liên quan tới những sĩ quan chỉ huy vô lương tâm, mà còn đến từ một số nhóm tìm kiếm khác.
Theo thông tin của Gazeta.ru, những người thân của lính tình nguyện than phiền rằng người ta còn giả vờ đã giám định ADN và giao thi thể của người khác cho họ.
Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào thì vấn đề nhận dạng thi thể luôn gặp khó khăn.
Đại tá về hưu Cục “A” thuộc Trung tâm đặc nhiệm Tổng Cục an ninh liên bang (FSB) và cựu chiến binh Chechnya Sergei Militzky chia sẻ với Gazeta.ru về kinh nghiệm lịch sử trong việc nhận dạng thi thể.
“Trong chiến dịch quân sự đầu tiên tại Chechnya, có nhiều đoàn tàu chở xác những binh lính Nga hy sinh được đỗ tại Rostov. Có nhiều người bị cháy đen thui, họ được kéo ra từ những chiếc xe bọc thép bị bốc cháy. Khó có thể nhận dạng được họ.
Mẹ của một chiến sĩ cùng học trung cấp với tôi đã đến đó và lấy phôi và trám răng để mang đi xét nghiệm nhằm nhận dạng con trai của mình.
Quân đội cố gắng không để thi thể tại Chechnya, đơn vị của tôi không để xác của ai lại đó.
Từ thời Chiến tranh Vệ quốc, để có thể nhận dạng, người ta sử dụng một miếng vải nhỏ đính vào túi áo khoác ngực có ghi họ tên. Những nhóm tìm kiếm cho đến nay vẫn dùng cách này nhận dạng các chiến sĩ hy sinh từ thời Chiến tranh Vệ quốc.
Cho đến nay, tôi vẫn đeo chiếc thẻ sắt có dòng chữ SSSR và mã số cá nhân mà được ghi trong tất cả các hồ sơ lưu trữ.
Thẻ sắt là phòng để khi nào họ giết anh, họ cho thẻ sắt đó vào mồm và chôn anh cùng với nó để sau này có thể nhận dạng được.
Tại cuộc chiến đầu tiên ở Chechnya người ta tìm theo các mẫu răng, còn từ năm 1995 người ta tìm theo mẫu ADN” - ông Militzky chia sẻ.
“Số phận của thi thể trước tiên phụ thuộc vào người thân”
Thành viên của tiểu ban các vấn đề về tù binh thuộc Bộ Quốc phòng DPR Andrei Ragulin nói rằng, về cơ bản, “không ai quan tâm đến số phận của những người lính tình nguyện”.
“Họ tự dâng hiến mình. Nó giống như những lính tình nguyện tại Serbia. Số phận thi thể của họ phụ thuộc trước tiên vào chính những người thân, tiếp đó là sĩ quan chỉ huy”.
Cả Ragulin lẫn Oleg Melnikov - chỉ huy chiến trường quân ly khai DPR - không thể xác nhận những gì Alexei Penza nói về việc các sĩ quan chỉ huy được cấp tiền để chuyển xác về cho người thân ở Nga và không biết rằng có những chỉ đạo tương tự từ lãnh đạo ly khai.
Theo chia sẻ của thành viên khác của Tiểu ban Các vấn đề tù binh của DPR, bà Lidia Radionova, cả những người thân bên phía Ukraine cũng đi tìm thi thể tại Donetsk. Bà Radionova thường xuyên nhận được thư yêu cầu của những người dân phía Ukraine.
"Cách đây không lâu, phát hiện được ngôi mộ tập thể binh lính Ukraine, tiểu ban đã tiến hành kiểm tra, khai quật, bàn giao cho phía Ukraine, còn nhà xác của thành phố Donetsk đã chuyển thông tin đề giám định ADN" - bà Radionova chia sẻ.
Bà lên tiếng phàn nàn xung quanh vấn đề bàn giao thi thể: Phía Ukraine dừng chuyển thi thể và ly khai trả đũa bằng việc tẩy chay.
“Các thi thể nằm tại khu thị trấn Spartak, tỉnh Donetsk, từ tháng 1/2015 đến nay. Cũng đành phải chấp nhận dù điều này không đúng với lương tâm.
Nhưng cá nhân tôi quan tâm nhiều đến lính tình nguyện Nga hơn, dù người thân của họ tại Nga biết rất ít về chúng tôi. Nếu cần thiết, tôi sẽ lên xe và đi với họ, chúng tôi có thể đến những nơi tiền tuyến mà dân thường không thể đến được.
Dưới sự kiểm soát của tôi người ta sẽ khai quật và nhận thi thể. Còn sang phía Ukraine là điều gần như không thể làm được” - bà Radionova nói.
Bà nhớ lại một trường hợp liên quan tới một thanh niên 21 tuổi đến từ làng Logvinovo, tỉnh Donetsk. Cậu đã kéo xác người đồng đội 19 tuổi của mình ra khỏi chiếc xe tăng bị phá hủy trong giao tranh.
Cậu chôn người đồng đội trong một cái hố, cắm một cây thập tự và đặt chiếc mũ lên trên rồi khắc tên đồng đội. Cuối cùng những người thân của người lính xe tăng 19 tuổi từ Nga này đã tìm được ngôi mộ.
“Có những trường hợp, vì không có khả năng chốn cất tử tế, các thi thể được vùi xuống đất một cách vội vàng để không bị động vật đến bới và lôi đi”.
Bà Radionova không thể nói chính xác có bao nhiều thi thể của lính tình nguyện được tiểu ban tìm thấy bởi vì không có con số thống kê.
Cựu chiến binh Sergei Militzky nhấn mạnh, không thể so sánh cuộc chiến tại Chechnya với cuộc chiến tại Donbass vì đây là cuộc nội chiến và có nhiều những đơn vị vũ trang tự thành lập từ phía ly khai cũng như Kiev.
Trong bất cứ trường hợp nào, các đơn vị chính quy cũng coi trọng việc chôn cất đồng đội hơn.
“Nói một cách thật lòng, tôi nghĩ rằng người Ukraine quan tâm nhiều tới việc đưa binh lính của mình trở về vì đó là quân chuyên nghiệp hơn là những lính tình nguyện không phải dân địa phương.
Nếu có cơ hội thì họ đưa thi thể về, nếu không thì đành thôi. Mặt khác, người bản địa có lẽ cố gắng đưa thi thể người thân về chôn cất.
Còn quân đội Ukraine là quân đội chuyên nghiệp nên họ cần phải chứng tỏ trước lính của mình” - Militzky nói.
Tiểu ban các vấn đề tù binh DPR hy vọng Hội Chữ thập đỏ tại Moscow trong thời gian tới sẽ quan tâm tới việc chuyển thi thể của những lính tình nguyện Nga cho người thân của họ một cách có hệ thống, vì chính quyền ly khai không có đủ lực để làm điều đó.
Tuy nhiên, thư ký báo chí Hội chữ thập đỏ Nga Tatyana Klenitzkaya nói rằng tổ chức này không bao giờ thực hiện những công việc này và nó thuộc thẩm quyền của Bộ Các tình trạng khẩn cấp.
Thi thể lính tình nguyện được hồi hương như thế nào?
Theo ông Oleg Melnikov, trong những tháng gần đây, chế độ qua lại biên giới được tăng cường thắt chặt. Tuy nhiên, khác so với các lô hàng viện trợ và những lô hàng khác thì việc chuyển thi thể không gặp vấn đề khó khăn.
Các giấy chứng tử được lập, sau đó đưa vào hòm kẽm và chính thức chuyển qua biên giới đến sân bay Rostov rồi sau đó chuyển tới nơi cần thiết.
Lãnh đạo câu lạc bộ “Lính lê dương” Denis Gariev cho biết những vấn đề liên quan tới việc chuyển xác qua biên giới có thể xảy ra nếu như thiếu giấy tờ tùy thân - “Chúng tôi chưa gặp phải những vấn đề kiểu này, tất cả những thi thể chúng tôi chuyển về đều có giấy tờ.
Bây giờ còn phát sinh vấn đề kiểm soát chặt chẽ: Họ mở quan tài, kiểm tra bên trong. Cũng có vấn đề như: Hòm kẽm sản xuất tại Donetsk không đúng tiêu chuẩn tại Nga.
Ban đầu chúng tôi phải mua hòm kẽm ở chỗ nọ chỗ kia. Điều này gây khó khăn cho công tác vận chuyển bằng máy bay và tàu hỏa”.
Trước đó, Melnikov nói với Gazeta.ru rằng những lính tình nguyện Nga hy sinh sẽ được chôn tại Donbass nếu như đơn vị của họ bị bao vây hoặc không có nguồn lực để đưa thi thể qua biên giới, cũng như không tìm được hoặc họ không có người thân.
Trong các trường hợp còn lại, ly khai sẽ cố gắng chuyển thi thể về nước - Melnikov cho hay.
Về mặt chính thống, theo đại biểu Quốc hội Nga Frantz Klintzevich chia sẻ, chính phủ không tham gia vào việc an táng và chuyển thi thể của lính tình nguyện.
Về mặt tổ chức và tài chính, theo ông Klintzevich, có 3 tổ chức cựu chiến binh đứng ra giúp đỡ: Liên minh cựu chiến binh Nga tại Afganistan, “Đồng đội” và Liên minh Lính dù Nga.
Còn một vấn đề khác, đó là lính tình nguyện thường không báo cho người thân về việc họ đi “công tác” ở đâu.
Đại biểu Klintzevich cho biết - “Đó là những người tình nguyện. Ai đó cãi nhau với vợ và quyết định giúp đỡ anh em đồng chí, và không ai biết ai từ đâu đến.
Ở đó chỉ toàn những vấn đề và mớ hỗn độn. Còn chúng ta không thể thay đổi hệ thống mỗi khi có chuyện gì xảy ra, chúng ta cần tự tay chèo lái”.
Một rắc rối gặp phải trong quá trình tìm kiếm và nhận dạng thi thể tại Donbass đối với những người thân có thể là sự che dấu thiệt hại của các bên trong cuộc chiến vì những mục đích tuyên truyền và động cơ cá nhân của chỉ huy.
Câu chuyện này thường gặp trong nhiều cuộc chiến tranh. Trong thời kỳ chiến tranh tại Afganistan, các chỉ huy bị gọi lên trên và bắt báo cáo về mất mát quân số. Báo cáo được viết theo kiểu quân đội, kiểu y tế và kiểu phản gián – các con số phải được “phù phép”.
Để tránh những vấn đề phiền phức, các chỉ huy đã dấu xác nhằm giảm quân số mất mát trên giấy tờ và kéo dài thời gian cung cấp danh sách và chuyển quan tài qua biên giới.
Người Mỹ cũng thực hiện như vậy tại Afganistan và Iraq để hạn chế phản ứng của xã hội và Hạ viện.
Có thể phỏng đoán rằng biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại Donbass khiến cho việc tìm kiếm thi thể lính tình nguyện Nga càng trở nên khó khăn đối với người thân của họ.