Năm nay, Đức dự kiến sẽ tiếp nhận số người tị nạn kỷ lục lên đến 800.000 người, gấp 4 lần so với năm ngoái.
Con số trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên do Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đưa ra tuyên bố sẽ không giới hạn số người tị nạn đến đất nước mình.
Nhiều giả thuyết
Hành động trên không khỏi khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao Đức lại tiếp nhận nhiều người tị nạn đến vậy?
Nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải hành động này của Đức. Đáng chú ý nhất là bài báo với tiêu đề “Vì sao người Đức quá rộng lượng với người tị nạn?” trên Bussiness Insider.
Bài viết cho rằng có thể người Đức đang xem đây là một dịp để giải thoát chính họ khỏi bóng ma của quá khứ, khi Đức quốc xã thực hiện cuộc diệt chủng tàn bạo đối với dân Do Thái.
Thêm vào đó, với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức luôn cần người lao động nhập cư, nguồn lực vốn đã vận hành nền kinh tế nước này kể từ những năm 1960.
Theo kết quả thống kê, tính đến tháng 7-2015, Đức còn khuyết 589.000 vị trí lao động vẫn chưa được lấp đầy.
Do đó, việc tiếp nhận lượng lớn dân nhập cư từ Trung Đông, tuy đem đến mối nguy tiềm tàng cho xã hội, nhưng trước mắt sẽ phần nào giải quyết được nạn khan hiếm lao động tại Đức.
Thêm vào đó, về phía dân tị nạn, một khi rời khỏi lãnh thổ Trung Đông, họ cũng xem Đức là mảnh đất nhiều hứa hẹn nhất.
Với vị trí đứng đầu trong danh sách các nước châu Âu tiếp nhận người tị nạn trong năm 2014, dễ hiểu vì sao Đức là lựa chọn đầu tiên cho người xin tị nạn trong năm nay.
Điều này lý giải vì sao họ sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, kể cả việc phải chấp nhận đi bộ đến Đức khi bị Chính phủ Hungary từ chối tiếp nhận.
Ngoài ra, sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội cũng giúp những người tị nạn dễ dàng xác định đâu là điểm đến lý tưởng nhất đối với họ.
Trong khi Đức hiện được xem là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, thì các nước khác như Hungary, Macedonia và Serbia lại có nền kinh tế khá yếu.
Hi Lạp càng không phải là điểm đến của họ do nước này đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Thêm vào đó, người tị nạn còn cân nhắc khá kỹ lưỡng thông số về chất lượng của các trại tị nạn, thời gian chờ xét duyệt đơn tị nạn, cơ hội việc làm, việc hoà nhập với cuộc sống mới, mức độ thân thiện với người dân tị nạn... những tiêu chí mà Đức đang đáp ứng khá toàn diện.
Một yếu tố tiên quyết nữa chính là thái độ của chính phủ đối với sự khác biệt tôn giáo.
Trong khi tổng thống Hungary hùng hồn tuyên bố họ không muốn có một cộng đồng Hồi giáo tồn tại trong lãnh thổ đất nước, thì Thủ tướng Đức Anglela Merkel cho biết sẽ không có bất cứ sự khác biệt nào giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo trong đất nước của bà.
Dễ hiểu vì sao những người tị nạn sẵn sàng rời bỏ Hungary để đến với Đức - nơi đang được cho là “thiên đường” đối với người tị nạn.
Yếu tố cuối cùng cần phải kể đến, đó là theo điều luật Dublin, người tị nạn phải đăng ký tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến, và quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu xin tị nạn.
Một nước Đức bị chia rẽ
Trong khi Chính phủ Đức liên tục đưa ra những tuyên bố chào đón dòng người tị nạn tiến vào lãnh thổ, thì ở một số tỉnh phía đông đất nước (Cộng hoà dân chủ Đức cũ), người dân lại tổ chức các cuộc biểu tình và bạo động bài ngoại, yêu cầu chính phủ gửi trả di dân về nước.
Cuối tuần trước, một cuộc bạo động xảy ra tại thị trấn Heidenau khi hàng trăm người ủng hộ Đảng Dân chủ quốc gia theo khuynh hướng cực hữu đụng độ với cảnh sát vì bất đồng đối với chính sách di dân cởi mở hiện tại.
Theo thống kê từ tổ chức Amadeu Antonio Foundation, kể từ đầu năm 2015 cho đến giữa tháng 8, có đến 345 cuộc xung đột và tấn công liên quan đến vấn đề dân tị nạn.
Trong đó, thị trấn Heidenau nơi vừa xảy ra xung đột được cho là biểu tượng của làn sóng thù hằn và bạo lực phát xít kiểu mới.
Ông Robert Luedecke, người phát ngôn tổ chức Amadeu, cho biết sở dĩ điều này xảy ra vì người dân phía đông nước Đức bị mất định hướng sau khi thống nhất.
Giữa họ tồn tại một lỗ hổng và Đảng Dân chủ quốc gia hữu khuynh đã xuất hiện để lấp đầy lỗ hổng đó.
Việc tiếp nhận nhiều người dân tị nạn cũng đồng nghĩa với việc đưa vào đất nước hàng trăm ngàn người thất nghiệp, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hoá, tín ngưỡng và có nguy cơ gia tăng tệ nạn xã hội cùng nguy cơ khủng bố.
Hàng loạt tín đồ Hồi giáo cải đạo
Những tín đồ trên hầu hết đến từ Iran và Afghanistan, họ cải đạo với mong muốn sẽ không bị Chính phủ Đức trục xuất trở lại Trung Đông.
Theo Fox News, một số quốc gia Hồi giáo như Afghanistan và Iran có quy định những tín đồ Hồi giáo nếu cải đạo sang Thiên Chúa giáo có thể bị tử hình hoặc tống giam.
Việc trục xuất những người đã cải đạo có thể sẽ dẫn họ đến cái chết.
Chính vì thế, nhiều người đến từ Iran và Afghanistan cải đạo để tăng cơ hội được xin quy chế tị nạn tại Đức.