Theo WSJ, đây là một phần của luật mới, nhằm giới hạn số lượng nhân viên chính thức của các phái đoàn nước ngoài ở con số 30, do trụ sở ở Brussels đã trở nên quá chật chội.
Trụ sở chính của NATO được xây dựng từ những năm 1960, khi liên minh này mới chỉ có 15 thành viên.
Mỗi phái đoàn, chứ không phải NATO, sẽ được quyền lựa chọn thành viên nào phải ra đi.
Một quan chức nói với WSJ rằng, phái đoàn Nga ở NATO có hơn 50 thành viên. Trong khi đó, theo trang web chính thức của phái đoàn này, đang có 37 nhân viên, cả dân sự và quân sự, của Nga ở NATO, kể cả Đại sứ Nga tại NATO, ông Alexander Grushko.
Báo Nga Sputnik cho hay, điều đáng chú ý là, vị trí đại diện quân sự cấp cao vẫn còn bỏ trống.
Ông Grushko cho rằng, động thái giới hạn thành viên này của NATO đã làm dấy lên nhiều nghi vấn.
Theo Sputnik, lý do mà NATO đưa ra là cần phải giải quyết tốt hơn các mối quan hệ với các đối tác, vốn đang ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong một bài bình luận gửi tới các phóng viên Nga, ông Grushko cho hay, "các hoạt động ngoại giao thông thường không giới hạn số lượng các thành viên của phái đoàn ngoại giao".
Ông Grushko cũng đặt câu hỏi, liệu có phải các quốc gia NATO cũng "đang lên kế hoạch cắt giảm phái đoàn ngoại giao của mình ở Moscow, trong thời điểm các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên quốc gia của tôi".
Ông Grushko đã lên tiếng đòi NATO cần phải có thêm lời giải thích cho phía Nga.
Về phần mình, Thứ tưởng Ngoại giao Nga Alexey Meshkov chỉ trích: "Quyết định này rất lạ lùng và rõ là 'có mùi' của thời Chiến tranh Lạnh".
Theo một nguồn tin của WSJ, từ 1 năm trước đây, kể từ sau khi mối quan hệ giữa Nga và NATO trở nên căng thẳng do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, NATO đã áp đặt các quy định ngặt nghèo đối với hầu hết thành viên phái đoàn Nga ở Brussels.
Liên minh này không cho phép các nhà ngoại giao Nga thoải mái lui tới các khu vực trong trụ sở, ngoài trừ Đại sứ, phó Đại sứ và các trợ lý trực tiếp của họ.