Vòng đàm phán thứ 2 về giải pháp cho khủng hoảng Syria đã được tổ chúc ngày 14/11 tại Vienna, Áo.
Ngoại trưởng gần 20 nước thành viên cùng với lãnh đạo một loạt các tổ chức đã dành gần 5 giờ đồng hồ để thảo luận và vạch ra lộ trình cho tiến trình chính trị ở Syria.
Tuy nhiên, lộ trình này dường như đang đặt phe đối lập ở Syria vào thế khó.
Phe đối lập Syria gặp khó?
Theo văn kiện đã được thông qua, các cuộc đàm phán giữa đại diện chính quyền Syria và đại diện phe đối lập dưới sự bảo trợ của đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura phải được bắt đầu không muộn hơn ngày 1/1/2016.
Hiện phía chính quyền Syria đã chuẩn bị xong phái đoàn để đàm phán với phe đối lập và hiện chỉ chờ phe đối lập.
Trong vòng đàm phán đầu tiên, các bên tham gia đàm phán ở Vienna đã đề nghị phe đối lập lựa chọn đại diện tham gia đàm phán nhưng đây là việc không hề đơn giản với lực lượng này.
Phe đối lập Syria hình thành từ khá nhiều nhóm khác nhau và sợi dây liên kết giữa các lực lượng này là rất yếu nhưng tham vọng của các lực lượng này lại khá lớn.
Trong tháng 12/2015, phe đối lập phải tập trung ở El Riyadh (thủ đô Arab Saudi) và dưới sự chỉ đạo của Staffan de Mistura, nhóm này sẽ phải thống nhất các tham vọng của mình.
Nếu như phe đối lập Syria thỏa thuận được với nhau và cử được người đại diện tham gia đàm phán thì đàm phán cũng sẽ là quá trình kéo dài.
Theo lộ trình đã được vạch ra, trong vòng khoảng 6 tháng, phe đối lập và chính quyền Syria cần phải đạt được thỏa thuận nào đó và hình thành một chính phủ thống nhất dân tộc.
Sau đó là chuẩn bị cho Hiến pháp mới và tổ chức bầu cử toàn dân trong vòng 6 tháng tiếp theo.
“Chúng tôi khẳng định rằng tương lai của Syria sẽ chỉ do chính người Syria quyết định. Điều này có liên quan đến số phận của ông Al-Assad và số phận của bất cử chính trị gia nào ở Syria” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết.
Theo lộ trình đã được thống nhất, các đối thủ của ông Assad đang rơi vào tình cảnh khó khăn.
Bầu cử toàn dân chỉ có thể được tổ chức sau khi chủ quyền của Damacus đối với toàn bộ lãnh thổ đất nước được khôi phục.
Phương án bầu cử như ở Ukraine (khi EU “nhắm mắt” để Ukraine tổ chức bầu cử Quốc hội mới đây) rất ít có khả năng được thực hiện ở Syria vì phương án này cũng không có lợi cho phương Tây.
Phía Đông Syria không “thích” ông Assad nên nếu như bầu cử không được tổ chức ở khu vực này thì phe đối lập sẽ càng có ít ghế trong Quốc hội, theo đó sẽ nắm ít quyền lực hơn.
Bối cảnh này cho thấy việc đặt ra thời hạn nửa năm chỉ mang tính chất giả định. Mặt khác, phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi cũng khó chấp nhận phương án rằng ông Assad sẽ tiếp tục nắm quyền trước khi nội chiến kết thúc.
Chưa thống nhất các lực lượng bị liệt vào danh sách khủng bố
Ngoài việc thông qua lộ trình cho cuộc xung đột Syria, thành viên các cuộc đàm phán 6 bên còn thảo luận các vấn đề mà vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Các chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo IS.
Trước hết, đó là vấn đề về cách ứng xử với quy chế ngừng bắn – các bên chỉ khẳng định quyết tâm của mình trong việc “tiếp tục làm việc theo các điều kiện ngừng bắn trong bối cảnh bắt đầu tiến trình chính trị”.
Hiện nay, các đối tác phương Tây của phe đối lập Syria rõ ràng muốn ngừng bắn ngay lập tức hoặc ngừng bắn sau khi bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, đây là thời điểm không thuận lợi cho kế hoạch này vì việc quân đội Syria tiếp tục tấn công sẽ khiến lãnh đạo phe đối lập phải có những phản ứng đáp trả.
Điều rõ ràng nhất là cho dù quy chế ngừng bắn được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào thì quy chế này cũng sẽ không được lực lượng khủng bố và các lực lượng phiến quân thực hiện.
Hơn nữa, khó khăn đối với các bên tham gia đàm phán là việc lên danh sách liệt kê các nhóm bị coi là lực lượng khủng bố nhưng hiện mỗi bên lại có một danh sách riêng của mình.
Do đó, điều cần thiết là phải thống nhất danh sách này. Jordani được giao trọng trách là quốc gia điều phối quá trình thống nhất danh sách này.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong danh sách này chắc chắn phải có IS và Dzebhat al-Nusra và các lực lượng này sẽ bị tiêu diệt.
Sau khi các bên thống nhất, danh sách các nhóm bị coi là các tổ chức khủng bố sẽ được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để phê chuẩn.
Do cả 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an đều là thành viên của cuộc đối thoại Vienna nên vấn đề này sẽ không gặp khó khăn gì khi đệ trình lên Hội đồng Bảo an.
“Bài học Paris” sẽ khiến châu Âu quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống IS?
Cuộc gặp tiếp theo về vấn đề Syria dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 12/2015. Moscow đang hy vọng rằng các vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris sẽ khiến các nước châu Âu trở nên tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Theo ông Lavrov, các sự kiện ở Paris cho thấy “chủ nghĩa khủng bố là tội ác và không có lý do nào có thể bào chữa cho việc thụ động trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Theo Moscow, hiện các nước phương Tây sẽ phải ngừng chính sách thụ động và sẽ phải tấn công IS mạnh mẽ hơn.
“Tôi đã tiến hành một vài cuộc gặp song phương và tôi có cảm giác rằng các bên đã nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải thành lập một liên minh quốc tế đa phương để chống khủng bố” - ông Lavrov nhấn mạnh.