ĐỘC QUYỀN: Chuyên gia Mỹ nói về bước ngoặt thay đổi thế giới 2015

Ban Quốc tế |

Lần đầu tiên, chúng tôi kết nối với NHỮNG NHÂN VẬT CÓ UY TÍN Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI để bình luận về những sự kiện làm thay đổi toàn cầu năm 2015.

LTS: Hôm 25/12 vừa qua, tòa soạn đã đăng tải bài tổng kết 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2015, theo độ quan tâm của độc giả.

Quý độc giả có thể tương tác bằng cách tham gia bình chọn sự kiện mà mình cho là có tính bước ngoặt đối với tình hình địa chính trị toàn cầu, để có cơ hội nhận được phần quà từ tòa soạn.

Nay, nhằm tăng tính khách quan, đa chiều của sự kiện bình chọn, cũng như cũng như để quý độc giả tiện tham khảo, chúng tôi sẽ đăng tải loạt bài độc quyền về ý kiến các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước về những sự kiện mà họ đánh giá là tâm điểm năm 2015.

Mở đầu loạt bài sẽ là quan điểm của 2 chuyên gia người Mỹ, nhà báo David Lamb và Giáo sư-Tiến sĩ Sử học James LaGrand, trao đổi với chúng tôi từ thủ đô Washington D.C..

---

Vấn nạn khủng bố toàn cầu

Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Lamb nhấn mạnh, 2015 thật sự là một năm mà vấn nạn khủng bố trở thành tâm điểm của toàn cầu. Do đó, sự kiện mà theo ông là bước ngoặt lớn nhất trong năm qua chính là vụ tấn công của các phần tử cực đoan tại thủ đô Paris, Pháp hồi tháng 11.

Nhà báo
David Lamb
David Lamb từng là phóng viên chiến trường cho hãng UPI tại hơn 50 quốc gia, từ châu Phi (Kenya) đến Trung Đông (Iraq) và châu Á (Việt Nam). Ông là phóng viên Mỹ duy nhất từng công tác tại Việt Nam thời chiến tranh rồi sau đó trở lại đây làm việc khi hòa bình lập lại.

Theo ông, một vụ tấn công quy mô lớn, được lên kế hoạch tỉ mỉ như vậy tại một địa điểm luôn được kiểm soát an ninh nghiêm ngặt như kinh đô ánh sáng, thực sự là một lời cảnh báo cho an nguy của toàn nhân loại.

"[Vụ khủng bố tại Paris] là một lời nhắc nhở đáng sợ, rằng không ai trong chúng ta thực sự an toàn, và bàn tay khủng bố đã vươn xa khắp thế giới" - ông nhận xét.

Ngoài ra, nhà báo Lamb cũng cho rằng vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo hồi đầu năm nay cũng là một bước ngoặt đáng kể.

"Vụ việc này đã khiến thế giới phải nghĩ lại về nhiều vấn đề: trong đó có quyền tự do ngôn luận, sự thù hận văn hóa phương Tây của các phần tử Hồi giáo cực đoan, cũng như sức mạnh của ngòi bút người nghệ sĩ và người làm báo.

Những vụ tấn công khủng bố trong năm qua đã khiến con người ta sợ hãi, và sự sợ hãi là một thứ cảm xúc rất mạnh, nó có thể thay đổi cách chúng ta sống" - ông phát biểu.

Chia sẻ quan điểm với nhà báo Lamb, giáo sư LaGrand cũng khẳng định, vụ khủng bố tại Paris cũng là sự kiện mang tính bước ngoặt của 2015.

Giáo sư-Tiến sĩ Sử học
James Lagrand
Giáo sư Lagrand hiện là trưởng khoa Sử - Đại học Messiah, bang Pennsylvania, Mỹ. Ông đã có hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử Mỹ cũng như thế giới, với trọng tâm là các xu hướng địa chính trị và xã hội thế giới từ sau thế kỉ 19.

"Vụ tấn công này thể hiện tham vọng lớn hơn của IS nhắm vào phương Tây, như một cách để đáp trả những động thái chống khủng bố ngày một được đẩy mạnh của các quốc gia này trong nỗ lực làm suy yếu Nhà nước Hồi giáo tự xưng" - ông phân tích.

Khủng hoảng nhập cư

Bên cạnh vấn nạn khủng bố, cả 2 chuyên gia người Mỹ đều chọn cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu là sự kiện, hay ở trường hợp này đúng hơn là xu hướng, mang tính bước ngoặt thứ 2 trong năm 2015.

Theo nhà báo Lamb, cuộc khủng hoảng này sẽ có những ảnh hưởng về lâu dài, và là một thách thức thực sự với EU.

"Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra, đặc biệt là về kinh tế. Làm sao để hàng trăm nghìn người vô gia cư có thể tìm được việc làm và bắt đầu một cuộc sống mới tại nơi đất khách quê người?" - ông nhận định.

Còn với giáo sư LaGrand, cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, theo ông, trước mắt sẽ mang đến một sự thay đổi đáng kể về mặt nhân khẩu học, và sau đó sẽ là những chuyển biến trong kinh tế, xã hội, và chính trị.

Một số vấn đề khác

Giáo sư LaGrand cũng cho rằng, việc Mỹ can thiệp vào tình hình Biển Đông, tạo tăng căng thẳng với Trung Quốc, cũng là một bước ngoặt địa chính trị quan trọng trong năm 2015.

"Nó cho thấy 2 siêu cường lớn nhất thế giới đã bắt đầu 'để ý' nhau hơn, và trong tương lai sẽ còn tiếp diễn nhiều cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng khác giữa Mỹ và Trung Quốc" - ông phân tích.


Căng thẳng Biển Đông cũng là một trong những bước ngoặt địa chính trị năm 2015, theo giáo sư LaGrand.

Căng thẳng Biển Đông cũng là một trong những bước ngoặt địa chính trị năm 2015, theo giáo sư LaGrand.

Bên cạnh đó, giáo sư LaGrand cũng chỉ ra rằng, các phong trào dân tộc chủ nghĩa, chống người nhập cư, chống hội nhập, đang nổi lên một cách rõ rệt tại các nước phương Tây, cụ thể là Donald Trump của Mỹ, Marine Le Pen tại Pháp, hay đảng UKIP ở Anh.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại