Dọa huỷ kết quả bầu cử ở Donbass, chính phủ Ukraine sợ gì?

Đức Dũng |

Các đại biểu Quốc hội Ukraine cho rằng kết quả cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Donbass, dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 25/10 tới, thực chất chỉ là bầu ra những kẻ mà Kiev gọi là khủng bố.

Trong bối cảnh một dự luật yêu cầu hủy kế hoạch tổ chức các bầu cử địa phương trên toàn lãnh thổ Donbass vừa được trình lên Quốc hội Ukraine xem xét, tờ báo Độc lập (Nga) cho biết, Nga sẽ bắt đầu các cuộc đối thoại với phương Tây nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Các đại biểu Quốc hội Ukraine cho rằng kết quả cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Donbass thực chất chỉ là bầu ra những kẻ mà Kiev gọi là phe ly khai và khủng bố.

Nga và phương Tây đang yêu cầu Kiev tổ chức bầu cử công khai, bởi họ tin rằng đây là giải pháp duy nhất để giải quyết xung đột ở mền Đông Ukraine, đem lại hòa bình cho đất nước.

Gần đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Thụy Sĩ RTS, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga dự định sẽ tiến hành một cuộc đối thoại với phương Tây về tình hình Ukraine.

"Chúng tôi rất hy vọng không chỉ thực hiện các giải pháp theo hướng này, mà còn quan tâm tới nhiều vấn đề khác để giải quyết tình hình ở Ukraine, trước hết là giải quyết bài toán kinh tế.

Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc đối thoại nhằm tìm ra các giải pháp mà các bên cùng có thể chấp nhận được".

Trước đó, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Bộ trưởng Ngoại giao Serbia, ông Ivica Dacic, khi tham gia cuộc họp của Nhóm tiếp xúc ở Minsk đã nhấn mạnh rằng các vấn đề chính liên quan đến tình hình ở Donbass, có thể được giải quyết trong mùa thu tới.

Theo ông Ivica Dacic, cuộc bầu cử chính quyền địa phương các cấp ở Ukraine sẽ là một sự kiện then chốt, là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ukraine.

Song, nhà phân tích chính trị Ukraine Sergei Rahmanin ngay từ cuối tháng 6/2015 đã đưa ra những đánh giá, được đăng tải trên tờ báo Zerkalo Nhedeli, rằng phương Tây chưa thể có sáng kiến gì khác ngoài việc đòi hỏi các bên thực hiện các điều khoản của Hiệp định ngừng bắn Minsk trong việc giải quyết thế bế tắc tại Donbass.

Khi phân tích các kịch bản khả thi nhất về diễn tiến tình hình Ukraine, nhà phân tích chính trị Sergei Rahmanin cho biết, "Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ thực sự vui mừng trước triển vọng hợp pháp hóa quyền lực của các băng đảng ở Donbass, cung cấp cho họ ngân sách, và duy trì sự kiểm soát của Nga ở vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Poroshenko không có lựa chọn nào khác".

Trước đó (15/7), Quốc hội Ukraine đã thông qua Dự luật bầu cử chính quyền địa phương. Theo Dự luật này những vùng bị tạm chiếm tại Donbass và Crimea ngày 25/10/2015 sẽ không được tiến hành bầu cử vì Kiev xem đây là vùng đất bị Nga xâm lược.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội còn yêu cầu Tổng thống Poroshenko phê duyệt một đạo luật riêng đối với các nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DNI) và Lugansk (LC).

Đáp lại, giới chức tại hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk và Donetsk cho rằng việc Quốc hội Ukraine thông qua Dự luật bầu cử chính quyền địa phương nói trên là vi phạm Hiệp định Minsk.

Bởi, Dự luật này không được thảo luận cũng như không có sự đồng ý của các nước cộng hòa tự xưng này.

Các đại biểu của Đảng Cấp tiến Ukraine cho rằng việc nếu tiến hành các cuộc bầu cử trong thời điểm hiện tại có thể làm trầm trọng thêm tình hình ở Donbass, và mở rộng các vùng xung đột.

Đại diện của "Phe đối lập", ông Sergey Matvienko cho rằng sẽ có các hậu quả tiêu cực nếu hủy bỏ bầu cử. "Hiệp định Minsk là nhằm tìm kiếm một con đường dẫn tới hòa giải thông qua hệ thống bầu cử. Bây giờ chúng ta phải đi theo con đường này và làm tất cả mọi thứ để cuộc bầu cử diễn ra".

Theo ông Sergey Matvienko, không có lý do gì để chính quyền Kiev hủy bỏ bầu cử ở Donbass bởi khi tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều và nếu tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội, tình hình cũng không khá hơn.

Một số chuyên gia Ukraine cho rằng, các nhà lãnh đạo của EU và Nga vẫn chưa đạt được một thỏa thuận, song đã tìm thấy sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề của cuộc bầu cử.

Phương Tây hiểu rằng Tổng thống Poroshenko không thể ngồi vào bàn đàm phán với Zakharchenko khi gọi nhà lãnh đạo ly khai này là khủng bố. Đó là sự thất bại hoàn toàn.

Song, để để chấm dứt chiến tranh, cần tiến hành các cuộc đàm phán. Do đó, các đối tác phương Tây cần tiến hành các cuộc bầu cử.

Bầu cử là một kịch bản có lợi cho Nga, Donbass sẽ nhận được quy chế tự trị đặc biệt và sẽ giữ mối quan hệ với Nga, chính phủ Ukraine sẽ phải công nhận chính quyền mới của Donbass, và hỗ trợ tài chính cho khu vực.

Trong khi các ý kiến nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình hình Ukraine chưa ngã ngũ, thậm chí còn trái chiều nhau, chiến sự vẫn tiếp diễn tại khu vực xung đột ở miền Đông-Nam Ukraine. Và tình hình đang thay đổi nhanh chóng.

Các cuộc giao tranh, bắn phá ngày một gia tăng, đặc biệt tại các khu công nghiệp và những cơ sở hạ tầng quan trọng, đã khiến Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 28/7 phải ban hành tuyên bố, trong đó kêu gọi "Nga kiểm soát quân nổi dậy ở Donbass để lực lượng này ngừng bắn phá vào các khu dân cư và những cơ sở hạ tầng quan trọng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại