“Điệu nhảy siêu cường” Mỹ-Nga-Trung ngày một nóng

Thục Ninh |

Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Washington vào tháng 9 tới, Mátxcơva hôm 26/7 công bố học thuyết biển sửa đổi, vạch kế hoạch duy trì vị thế cường quốc biển thế giới và tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc, Ấn Độ.

Trung Quốc mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh tham dự lễ duyệt binh  kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nga và Trung Quốc lên kế hoạch tập trận hải quân tại khu vực biển Đông vào tháng 5/2016.

Ông Tập đã hai lần tới thăm Nga trong năm 2015 và ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Ông Putin tìm cách ổn định quan hệ với Trung Quốc nhằm giúp đối phó cấm vận kinh tế của phương Tây và hỗ trợ nền kinh tế Nga.

Theo nhãn quan của ông Putin, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ và giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã đem lại cho Nga một cơ hội khuếch trương ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều nhà phân tích nhận định.

Về phía Bắc Kinh, củng cố quan hệ với Mátxcơva có thể giúp ổn định tình hình an ninh khu vực biên giới đông bắc đất nước, đồng thời tranh thủ tăng tốc quá trình hiện đại hóa quân đội thông qua hợp tác công nghệ quân sự với Nga.

Theo các nhà phân tích, dựa trên quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa “tam cường” Mỹ-Nga-Trung, ý đồ chiến lược của ông Putin là tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Nga.

Theo National Interest ngày 5/8, đó là một tin xấu đối với Mỹ, đòi hỏi nước này tăng cường hiện diện tại Đông Á, hoặc Mỹ buộc phải chấp nhận trật tự thế giới do mình thiết lập không thể kéo dài thêm nữa tại khu vực này.

Kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, vị thế vượt trội của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương về sức mạnh quân sự, an ninh, ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao đang bị thách thức nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra là liệu Mỹ có duy trì được vị thế trong một hệ thống quốc tế đa cực đang nổi lên hay không; Mỹ nên xây dựng quan hệ hữu nghị với các cường quốc đang trỗi dậy hay kiên định mục tiêu bảo vệ ưu thế vượt trội bằng mọi giá?

Báo Mỹ New York Times cho rằng, Mỹ đang nắm trong tay một con bài lợi hại là Lệnh Hoàn Thành (em trai út của cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch vừa bị bắt).

Tờ báo lưu ý rằng, doanh nhân giàu có Lệnh Hoàn Thành “có thể trở thành một trong những kẻ đào tẩu gây tổn hại nghiêm trọng nhất trong lịch sử CHND Trung Hoa”.

Em trai Lệnh Kế Hoạch có thể ám ảnh Bắc Kinh bởi những thông tin nhạy cảm về các quan chức lãnh đạo đương quyền hoặc đã hồi hưu, trung thành với ông Tập Cận Bình.

Chuyên gia an ninh Mỹ Joshua Keating chỉ ra rằng, những người đào tẩu có thể là nguồn tin tình báo lợi hại đối với Mỹ, từ mối quan hệ tốt của họ có thể thu được những thông tin hữu ích đối với Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Obama được cho là đang tìm cách trả đũa Trung Quốc về vấn đề tin tặc đánh cắp thông tin từ các hệ thống của Mỹ, gồm lấy dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Mỹ lưu trữ tại cơ quan quản lý nhân sự.

“Không rõ Lệnh Hoàn Thành nắm được những gì, nhưng dựa vào thực tế đã xảy ra với gia đình ông ta trong năm qua, chắc chắn ông ta có động cơ để tiết lộ thông tin và dường như sẽ mong tìm được người muốn nghe những thông tin đó”, chuyên gia Keating nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại