Đến lượt biên giới Mỹ-Canada căng thẳng, "thủ phạm" là... tôm hùm

Đức Huy |

Theo nhà báo Zane Schwartz thuộc tạp chí Maclean's (Canada), đôi bên đã có "lời qua tiếng lại" xung quanh khu vực hai đảo nhỏ ở phía đông bắc nước Mỹ và đông nam Canada.

Dù lịch sử quan hệ hai nước gần như đã giải quyết được mọi vướng mắc về chủ quyền lãnh thổ, thì theo bà Schwartz, Mỹ và Canada vẫn còn một phần nhỏ lãnh thổ trong diện tranh chấp, và gần đây biên giới đông bắc/tây bắc của hai láng giềng này đang bắt đầu "có vấn đề'.

Ở điểm cực đông bắc của Mỹ — nơi bang Maine giáp với tỉnh New Brunswick của Canada — có hai hòn đảo nhỏ không người ở mà hai nước đang không ai chịu ai, đó là North Rock và Machias Seal.

Quang cảnh trên đảo Machias Seal, ngọn hải đăng trên đảo thuộc quyền sở hữu của Canada. Ảnh: Canadian Press
Quang cảnh trên đảo Machias Seal, ngọn hải đăng trên đảo thuộc quyền sở hữu của Canada. Ảnh: Canadian Press

Thực ra, theo bà Schwartz, Washington hay Ottawa không hề muốn chiếm hai đảo này, vì vị trí chiến lược của chúng không đem lại lợi ích đáng kể nào về mặt quân sự cho cả hai bên, và hoàn toàn không có nguồn tài nguyên gì để khai thác trên đảo.

Nhưng điều cả hai nước đều muốn đó là quyền đánh cá trong khu vực bao quanh hai đảo này, nơi tập trung trữ lượng tôm hùm cực kì dồi dào.

Trước đây, các "xung đột" trên đảo thường chỉ ở mức ông A cáo buộc bà B rồi đưa nhau lên báo, không có gì đáng kể. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra 8 năm trước, khi một ngư dân Maine bị gãy ngón tay khi tranh chấp khu vực đánh bắt với một ngư dân Canada.

Tuy nhiên, năm nay, vấn đề tranh chấp trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết vì giá tôm hùm đột nhiên tăng vọt (12 USD/kg) so với năm ngoái (8,8 USD/kg).

Nhìn thấy nguồn lợi rõ ràng từ tôm hùm, nhiều ngư dân cũng như các nhà đầu tư bên ngoài đã nhập cuộc. Họ bỏ qua các "luật bất thành văn", những quy tắc ngầm hiểu giữa hai bên đã được áp dụng từ năm 1783 để tránh xung đột không đáng có.

Hiện nay, có không ít người dân Maine đang tỏ ra lo ngại rằng "cuộc chiến tôm hùm" này sẽ trở nên bạo lực hơn nhiều trong thời gian tới.

"Sẽ có thiệt hại về người" - Chủ tịch Hiệp hội Đánh bắt Tôm hùm Maine, ông John Drouin, cảnh báo. Ông Drouin cho biết trước đây đã có lúc tình hình trở nên căng thẳng, nhưng ở mức như hiện nay thì ông chưa từng thấy bao giờ.

Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Ngư dân Grand Manan (Canada) cho biết, "Nhìn chung các ngư dân vẫn có thể thỏa hiệp với nhau, nhưng cũng có không ít những kẻ ngu ngốc không biết kiềm chế ở cả hai bên, khiến phức tạp hóa vấn đề".

Theo bà Schwartz, một số tổ chức thuộc chính phủ như Ủy ban Nguồn lợi Hải sản Maine (Mỹ) hay Hiệp hội Ngư nghiệp và Khai thác biển Canada vẫn đứng ra áp đặt luật lệ và tuần tra tại khu vực này, tuy nhiên ngư dân hai nước vẫn thoải mái "lách luật".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao cả hai nước đều tuyên bố North Rock và Machias Seal thuộc chủ quyền của mình. Còn khi được hỏi đôi bên đã có động thái gì để giải quyết tranh chấp, cả Mỹ và Canada đều không có câu trả lời thỏa đáng.

"Các chính trị gia cứ việc làm những gì họ muốn, nhưng ngư dân chúng tôi phải sống trong xung đột hàng ngày. Nếu họ cứ chần chừ, rồi sẽ đến lúc một ngư dân nào đó phải chịu thiệt" - ông Drouin phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại