Phát biểu tại lễ bế mạc G20 ngày 16/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin khẳng định: "Một bộ phận phe đối lập Syria có thể xem xét khả năng bắt đầu các động thái quân sự chống IS với sự hỗ trợ của không quân Nga. Chúng tôi đã sẵn sàng để hỗ trợ".
Ông này khẳng định, như vậy, quân đội của Tổng thống Assad và phe đối lập sẽ chiến đấu chống lại kẻ thù chung.
"Đây không phải là thời gian để tranh luận việc ai hành động hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống IS, những gì chúng ta cần là phải hợp nhất các nỗ lực của mình".
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhiều địa điểm ở Paris ngày 13/11.
Nội dung bao trùm chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra trong 2 ngày cuối tuần qua, là việc, các nhà lãnh đạo thế giới cần phải đối phó với vụ thảm sát ít nhất 120 người ở Paris, do IS gây ra, như thế nào.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Anh David Cameron, trong cuộc gặp với ông chủ Điện Kremlin, đã thúc giục ông thay đổi hướng tập trung tấn công vào IS, đồng thời thống nhất một tiến trình chính trị trong vòng 18 tháng để từ đó, loại bỏ Assad sau các cuộc bầu cử.
The Guardian đánh giá, đây là dấu hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy, Nga và phương Tây có thể dẹp bỏ những bất đồng về tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để cùng hướng tới mục tiêu chung.
"Đề nghị của ông Putin, nếu trở thành hiện thực, sẽ có khả năng là bước đột phá lớn nhất tại Syria trong vài tháng qua".
Thủ tướng Anh cũng úp mở khi nói rằng, có "một vài dấu hiệu" đã xuất hiện trong cuộc hội đàm với ông Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, Nga sẽ không còn tập trung ném bom lực lượng đối lập ôn hoà Syria.
"Chúng tôi nghĩ việc ném bom Quân Tự do Syria - điều có thể trở thành một phần, hoặc nên trở thành một phần trong tương lai ở Syria - là một sai lầm.
Tôi đã nói điều đó rất rõ ràng với Tổng thống Putin. Đã có một vài dấu hiệu cho thấy họ đang tập trung vào IS và chúng ta cần phải xem xem, liệu nó có tiếp diễn hay không.
Tất cả mọi người đều nhận ra rằng cần phải thoả hiệp. Khoảng cách giữa chúng tôi, những người nói rằng ông Tổng thống Assad phải ra đi ngay lập tức và những người tiếp tục ủng hộ ông ta, là rất lớn.
Tôi hi vọng rằng chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách đó thêm nữa và sẽ cần sự thoả hiệp từ cả 2 bên".
Trước đó, phương Tây đã nhiều lần cáo buộc cuộc không kích của Nga tại Syria chỉ chủ yếu là nhằm vào các lực lượng đối lập phản đối Tổng thống Assad, thậm chí là cả các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.
Về phần mình, Nga luôn bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, Moscow khẳng định rằng, hoàn toàn không có khái niệm rõ ràng thế nào là đối lập ôn hoà và rằng, nước này tấn công cả IS lẫn các lực lượng nổi dậy đe doạ tới hoà bình, ổn định ở Syria.
Thế nhưng, vài ngày trước đây, Tổng thống Nga Putin đã thừa nhận Nga đang hợp tác có hiệu quả với phe đối lập ôn hoà.
"Trong thực tế, chúng tôi đã hợp tác với các lực lượng đối lập ôn hòa và máy bay chiến đấu của chúng tôi đã phá hủy một số mục tiêu mà họ yêu cầu chúng tôi ném bom”.