Dân Trung Quốc già đi, cơ hội cho kinh doanh y tế

Anh Thư |

Các nhà đầu tư đang đổ xô vào kinh doanh trong khu vực y tế của Trung Quốc, vì tiềm năng hàng trăm triệu người bệnh cao tuổi.

Các công ty đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới như TPG Capital của Mỹ và các công ty dịch vụ như IHH Healthcare của Malaysia đang đầu tư vào bệnh viện, công ty dược phẩm và xưởng sản xuất trang thiết bị y tế của Trung Quốc.

Họ đang nhìn thấy thời cơ thiên thời địa lợi nhân hòa: Bắc Kinh có chính sách nới lỏng các quy định về sở hữu nước ngoài và dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.

Những con số hấp dẫn

Chủ tịch ihh healthcare
abu bakar suleiman
Trung Quốc rất rộng lớn, do đó cơ hội không chỉ ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Đối với khu vực tư nhân thì chỉ là mới bắt đầu. Chúng tôi cảm thấy đây là một điều tốt mà chúng tôi cần nắm bắt ngay.

Theo Reuters, các dự đoán về 223 triệu người trên 65 tuổi sinh sống tại Trung Quốc vào năm 2030 là con số quá sức hấp dẫn đối với các công ty dạng này.

Dự báo chi tiêu cho ngành chăm sóc y tế trong lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và người tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng gấp ba lần, đạt mức 8.000 tỉ nhân dân tệ (1.300 tỉ USD) trong vòng năm năm tới.

Theo các chuyên gia, đây là hệ quả của chính sách một con kéo dài hơn thập kỷ qua và tỉ lệ sinh thấp khiến người già không có người chăm sóc.

Dữ liệu của Reuters cho thấy việc mua lại và sáp nhập (M&A) trong khu vực chăm sóc sức khỏe Trung Quốc, sau nhiều năm phát triển ổn định, đã tăng kỷ lục lên mức gấp đôi vào khoảng 18,5 tỉ USD năm 2014.

Chỉ riêng tháng 1-2015 các giao dịch M&A đã đạt 6,9 tỉ USD, một con số cho thấy một năm “bom tấn” khác của M&A trong khu vực này tại Trung Quốc.

Các giao dịch trong ngành thương mại điện tử, phần mềm Internet, các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cũng đạt mốc kỷ lục trong năm 2014 nhưng vẫn đứng sau ngành chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc.

Những công ty đầu tư và dịch vụ y tế thế giới đã bắt đầu tận dụng các mối liên hệ với các đối tác địa phương để thuê đội ngũ bác sĩ và để giúp đẩy nhanh quá trình cấp giấy phép tại địa phương và giấy phép hoạt động nhằm bắt đầu các dự án đã lên kế hoạch.

“Tôi dành 70% thời gian của mình để tìm kiếm các hợp đồng chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc.

Đây thật sự là một khu vực nóng như khu vực Internet tại Trung Quốc” - đồng sáng lập công ty góp vốn tư nhân Pine Field Capital tại Hong Kong là ông Steve Wang cho biết.

TPG, BlackstoneGroup LP và nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc Shanghai Fosun nằm trong số các nhà đầu tư đã mua cổ phần các bệnh viện, các xưởng sản xuất trang thiết bị y tế và các nhà cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc.

“Chúng tôi rất tích cực tại “Trung Quốc mới” (New China), đặc biệt là trong khu vực y tế.

Nhìn từ góc độ một nhà đầu tư thì khái niệm cải cách trong khu vực y tế là rất hấp dẫn khi mức sống được cải thiện và dân số già” - giám đốc chiến lược về Trung Quốc của Goldman Sachs là ông Kinger Lau cho biết.

Nhà điều hành bệnh viện lớn nhất châu Á IHH Healthcare cũng đã có một bệnh viện tại Thượng Hải và một bệnh viện thực hành nhỏ hơn tại Trung Quốc.

Chủ tịch IHH Healthcare Abu Bakar Suleiman cho biết sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động tại Trung Quốc.

Thiếu đội ngũ y tế

Các con số trên cũng đủ để các công ty bất chấp những rủi ro đáng kể về cơ sở hạ tầng y tế kém chất lượng, sự tăng giá các bệnh viện và sự khan hiếm đội ngũ bác sĩ.

Trung Quốc bắt đầu tự do hóa lĩnh vực y tế từ năm 2009 nhưng chỉ đến năm 2014 nước này mới cho phép sở hữu toàn phần các bệnh viện, bỏ các quy định về kiểm soát giá thuốc và các quy tắc theo dõi sự phê chuẩn các thiết bị y tế.

Điều này cũng giúp đẩy giá trị của một số công ty lên cao hơn.

Điển hình như Công ty Phoenix Healthcare thuộc bệnh viện tư nhân hàng đầu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong hồi tháng 12-2013 có giá gấp 25,1 lần so với lợi nhuận dự kiến của công ty và hiện nay là khoảng 35 lần.

Các rủi ro khác đối với các nhà đầu tư tiềm năng tại Trung Quốc  bao gồm việc thiếu đội ngũ y tế, đặc biệt là bác sĩ và các quá trình hành chính dài dòng cho việc cấp phép hoạt động một bệnh viện.

Tổ chức Y tế thế giới chỉ ra rằng trong năm 2012 Trung Quốc có 14,6 bác sĩ trên 10.000 người so với Úc là 38,5 bác sĩ, Mỹ là 24,2 và Brazil là 17,6.

“Rủi ro cần xoay xở tốt là phải đảm bảo rằng bạn có thể lôi kéo đủ bác sĩ cho các bệnh viện tư” - đối tác của Công ty tư vấn Bain & Co Vikram Kapur nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại