Cựu sĩ quan tình báo Nga phản quốc, lãnh án tù 14 năm

Bảo Vĩnh |

Gennady Kravtsov là cựu sĩ quan tình báo Nga phản quốc, bị một tòa án ở Moscow tuyên án 14 năm tù vì tội tuồn bí mật quốc gia cho một chính phủ khác. Luật sư và vợ ông ta nói: Chỉ vì Kravtsov gởi thư xin việc làm đến một công ty nước ngoài.

Hãng tin Interfax dẫn lời tuyên án: “Theo kết quả máy phát hiện nói dối, bị cáo giấu mối quan hệ của bị cáo với một chính phủ nước ngoài”.

Viện công tố đòi kết án 15 năm tù, nhưng thẩm phán nói có xét yếu tố giảm nhẹ tội là con còn nhỏ : Kravtsov, 47 tuổi, có con gái Vasilisa 4 tuổi và con trai Anton 8 tuổi. Ông ta bị tước hàm trung tá.

Thẩm phán cho biết: cựu sĩ quan tình báo Nga phản quốc từng hứa không tiết lộ thông tin mật, từ khi Kravtsov là một kỹ sư radio thuộc mảng tình báo vệ tinh  của cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU)  từ năm 1990 đến năm 2005.

Vợ Kravtsov là Alla Kravtsova, nói: chồng bà thôi việc vì cho rằng GRU lãng phí tiền bạc và lãng phí khả năng của ông.

Theo quy định, Kravtsov không được rời khỏi Nga, hoặc có công việc liên quan một số lĩnh vực an ninh trong 5 năm sau khi ông ta xuất ngũ.

Vợ ông ta nói: sau khi rời GRU, chồng bà làm việc ở nhiều công ty quốc phòng, nhưng nghỉ vì thất vọng trước tình trạng tham nhũng và làm việc yếu kém ở những nơi này.

Năm 2010, khi thời hạn 5 năm chấm dứt, Kravtsov gởi một thư điện tử xin việc làm đến một công ty Thụy Điển. Ông ta dùng một chương trình để dịch thư này từ tiếng Nga sang tiếng Anh rồi gởi đi.

Công ty Thụy Điển từ chối đơn xin việc của ông ta, vì ông ta không là công dân Thụy Điển.

Năm 2013, Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB, hậu thân của cơ quan tình báo Liên Xô KGB) bắt đầu thẩm vấn Kravtsov, sau khi ông viết thư  tay xin việc làm khác, lần này gởi đến Bộ quốc phòng Belarus.

Kravtsova nói đó là “một lá thư ngu ngốc, khóc lóc xin giúp”, vì chồng bà cho biết thất vọng về lĩnh vực chuyên môn của ông ở Nga bị sa sút và ông ta muốn có việc làm ở Belarus, một đồng minh thân cận của Nga.

Kravtsova  kể: “Họ đến nhà với trát khám xét, rồi tịch thu máy điện toán của chúng tôi”. Trong máy còn lưu bản sao lá thư gởi công ty Thụy Điển.

Tháng 5. 2014,  FSB bắt giam Kravtsov ngay ngoài đường, từ đó ông ta bị nhốt ở nhà tù Lefortovo ở Moscow.

Cơ quan điều tra nói Kravtsov tuồn bí mật quốc gia qua Thụy Điển, dù họ phát hiện ông ta không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Thụy Điển.

Con trai Kravtsov trước ảnh cha mẹ 
Con trai Kravtsov trước ảnh cha mẹ 

Vụ án được xếp là “mật” nên xử kín, một số thông tin thậm chí không cho Kravtsov biết. Kiểm sát viên gọi 3 nhân chứng, gồm 2 người quen Kravtsov và một là nhân viên FSB, nhưng bị cáo không được phép mời bất kỳ nhân chứng nào.

Luật sư bào chữa  Ivan Pavlov chỉ trích phiên tòa xử kín này: trong lá thư đó không hề có một thông tin bí mật nào. Nhưng thân chủ của ông bị buộc tội tiết lộ dữ liệu về Tselina-2, một vệ tinh được thiết kế để giám sát radio, cùng thông tin về  công việc trước đây.

Tselina-2 được tạo trong những năm 1970, không còn sử dụng từ năm 2000, nên thông tin về nó không thuộc diện “mật”.

Kravtsov phủ nhận, rằng ông ta không hề làm lộ bất kỳ bí mật nào.  Sau phán quyết hôm 21.9, luật sư Pavlov nói Kravtsov sẽ kháng án, vì ông không bao giờ chối việc viết thư gởi công ty Thụy Điển, nhưng không chấp nhận tội danh phản quốc.

Vợ Kravtsov là Alla Kravtsova, nói với báo Moscow Times: chồng bà viết thư xin việc làm mà sao lại bị tuyên án tù: “Rõ ràng chính quyền cần có một điệp viên để buộc tội. Chồng tôi là một nhà khoa học, không biết gian dối. Ông nhà tôi chẳng làm gì chống lại tổ quốc của ông ấy”.

Luật sư Pavlov và Kravtsova đều nói Kravtsov trong tù bị điều tra viên gây áp lực tâm lý để buộc ông ta nhận tội.

Kravtsova còn nói điều tra viên cho bà biết: Nếu thuê luật sư hoặc gặp nhà báo, chồng bà sẽ lãnh án nặng hơn.

Từ khi chồng bị bắt, Kravtsova đã tìm kiếm nhiều vụ án nổi tiếng, và bà có liên lạc lạc với Igor Sutyagin, một chuyên gia quân sự bị tù vì tội gián điệp, sau 11 năm ngồi tù thì được thả, trong cuộc trao đổi điệp viên bị bắt giữa Nga và Mỹ hồi  năm 2010.

Vợ Kravtsov 
Vợ Kravtsov 

Thời gian gần đây, nhiều người Nga bị buộc tội phản quốc, từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một luật cấm “điệp viên nước ngoài” và “các tổ chức không ai muốn”, và từ khi quan hệ Nga với phương tây xuống cấp.

Theo AP, chính quyền Nga quay trở lại thời Liên Xô: mọi tiếp xúc giữa công dân Nga với người nước ngoài đều đáng ngờ, hợp tác với công ty và công dân nước ngoài đều là nguy cơ đe dọa an ninh.

Riêng năm 2015, những người Nga bị buộc tội phản quốc gồm Vladimir Lapygin, giáo sư của một đại học nổi tiếng ở Nga, ; Yevgeny Petrin, cựu nhân viên của Giáo hội Chính thống giáo Nga; Sergei Minakov, cựu thủy thủ Hạm đội Biển Đen và Pyotr Parpulov, một nhân viên sân bay.

Vụ nổi nhất là bà mẹ 7 con Svetlana Davydova bị buộc tội phản quốc, sau khi có cáo buộc bà gọi điện thoại đến Sứ quán Ukraine, báo quân đặc nhiệm Nga được triển khai đến đông Ukraine. Lời buộc tội này được hủy sau khi dư luận Nga phản đối.

Theo dữ liệu của tòa án tối cao Nga, năm 2014 có 15 người Nga bị buộc tội phản quốc, trong khi năm 2013 chỉ có 4 vụ. Theo luật Nga, mức án tối đa về tội phản quốc là 20 năm tù.

Theo tòa án Moscow, năm 2014 ở Moscow có 9 người bị bắt vì bị nghi phản quốc, gồm Kravtsov.

Luật sư Pavlov trong 20 năm qua  đã bào chữa cho nhiều người bị tội này, nói: “Với vài người, nó có nghĩa 15 năm tù.

Với nhiều người khác, nó có nghĩa thêm sao trên cầu vai: những sĩ quan an ninh thăng chức bằng cách sử dụng những vụ việc này. Họ tìm kiếm kẻ thù và tìm ra, từ bà mẹ còn cho con bú đến cựu nhân viên tình báo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại