Không chỉ có vậy, cuộc gặp này còn mang ý nghĩa chính trị quan trọng báo hiệu sự khởi đầu của quá trình khôi phục lòng tin và cải thiện các mối quan hệ song phương.
Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo 3 nước kể từ tháng 5/2012, chấm dứt một giai đoạn bế tắc về ngoại giao do những căng thẳng trong khu vực.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp kéo dài 90 phút, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định cam kết tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên một cách thường xuyên, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác tại Đông Bắc Á.
Ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí tạm thời gạt sang một bên những khúc mắc lịch sử để thảo luận các mối quan tâm chung về an ninh và thương mại, như thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực hoàn tất hiệp định thương mại tự do 3 bên nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.
Các bên cũng nhất trí cuộc gặp thượng đỉnh lần tới sẽ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới.
Tiêu điểm của cuộc gặp là thúc đẩy hợp tác kinh tế do Trung Quốc đang tăng cường quan hệ thương mại để tạo động lực mới cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của nước này.
Điều này phản ánh một thực tế rằng các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn rất cần dựa vào nhau để thúc đẩy tăng trưởng cho dù còn không ít những bất đồng bắt nguồn từ lịch sử.
Cả ba nhà lãnh đạo dường như đã tránh đề cập vấn đề lãnh thổ và các vấn đề gai góc khác để đưa ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định sẽ nỗ lực vì hòa bình và ổn định trên tinh thần đối diện với lịch sử và hướng tới tương lai.
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, cuộc gặp đã không đạt được bước đột phá thực chất nào, thay vào đó các bên chỉ đưa ra một tuyên bố mang tính biểu tượng về mục tiêu khôi phục quan hệ giữa ba nước nhằm tạo ra khung hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á.
Dù vậy, việc các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn bắt tay nhau và cùng ngồi vào bàn đàm phán được xem là đã tạo ra bước tiến mới trong quan hệ ba nước, là bước đi ban đầu hướng tới cải thiện quan hệ ba bên sau thời gian dài căng thẳng.
Việc nhất trí nối lại cơ chế hợp tác ba bên cũng sẽ tạo cơ sở để vượt qua những rào cản trong các cặp quan hệ song phương, không để những trở ngại đó ngăn cản sự phát triển cũng như hợp tác và liên kết khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Seoul lần này cũng là dịp để Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cải thiện quan hệ song phương.
Tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm duy trì đà tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, cùng xử lý các vấn đề nhạy cảm trên tinh thần đối diện thẳng thắn với lịch sử để cùng hướng về phía trước.
Hai bên đã đạt được kết quả mang tính đột phá khi nhất trí khởi động lại cuộc đàm phán cấp cao về vấn đề Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng có cuộc họp riêng hôm 31/10.
Đây là thời điểm thuận lợi cho cơ chế đối thoại Trung-Hàn bởi quan hệ hai nước đang có dấu hiệu tốt nhất trong nhiều năm qua, điển hình là việc bà Park Geun-Hye đã tới Bắc Kinh dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II hồi tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa bà Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 2/11 - một động thái quan trọng sau giai đoạn “đóng băng” kéo dài.
Quan hệ giữa Tokyo và Seoul chưa bao giờ nồng ấm, mà luôn bị phủ bóng đen bởi những tranh cãi lịch sử liên quan đến thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945, đặc biệt là vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị bắt ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản thời chiến.
Bà Park Geun-Hye đã nhiều lần từ chối gặp ông Abe với lý do Nhật Bản chưa giải quyết hợp lý vấn đề “phụ nữ mua vui”. Cuộc gặp đã đạt tiến triển tích cực khi hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm giải quyết vấn đề khúc mắc trên.
Giới truyền thông Nhật Bản nhận định đây là dấu hiệu rõ ràng nhất thể hiện nỗ lực của hai nước nhằm cải thiện quan hệ song phương bởi hai nước từng tổ chức nhiều vòng đàm phán cấp làm việc để thảo luận về vấn đề này, song đều không đạt kết quả.
Có thể nói rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên cùng các cuộc gặp song phương bên lề cho thấy ba quốc gia vốn có nhiều bất đồng sâu sắc ở Đông Bắc Á đã có sự thay đổi thái độ và cách tiếp cận với nhau trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, xóa bỏ những hoài nghi, tạo cơ sở cho những động thái tiếp theo nhằm từng bước cải thiện quan hệ, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.