"Cuộc đổ bộ" của Hello Kitty và nỗi sợ hãi ám ảnh người TQ

Hải Võ |

Công viên chủ đề Hello Kitty - nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới của Nhật Bản - vừa được khánh thành tại Trung Quốc và sẽ mở cửa đón du khách vào năm 2015.

"Biểu tượng dễ thương" Nhật Bản tiến quân vào Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 29/11, Công viên chủ đề ngoài trời Hello Kitty (Hello Kitty Park) - nhân vật hoạt hình Nhật Bản rất được yêu thích trên thế giới - sẽ chính thức mở cửa tại An Cát, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng 1/2015.

Đây không chỉ là lần đầu tiên Công viên chủ đề Hello Kitty xuất hiện tại Trung Quốc, mà còn là lần đầu công viên này "tiến quân ra bên ngoài Nhật Bản".

Theo Hoàn Cầu, công viên tại Chiết Giang sẽ trở thành Công viên Hello Kitty có quy mô lớn nhất thế giới.

Dự án có tổng vốn đầu tư 2 tỉ NDT, động thổ thi công từ 15/3/2012 và dự kiến thu hút trên 1 triệu lượt khách/năm sau khi hoàn thành. Công viên Hello Kitty Chiết Giang có diện tích khoảng 100.000m2

Được biết, công viên này thông qua kết hợp toàn diện truyền thông đa phương tiện để thực hiện các tiết mục biểu diễn, xây dựng hình ảnh "công viên thần tiên".

Hello Kitty Park là bước đi đầu tiên

Hôm 28/11, quan chức địa phương An Cát cùng CEO tập đoàn Sanrio Shintaro Tsuji - đơn vị sở hữu bản quyền nhân vật Hello Kitty - đã tham gia lễ khánh thành công viên và tổ chức một "show Hello Kitty".

Ông Tsuji cho biết, "mong muốn đem tới cho mọi người không gian tiếp xúc thân thiết với Hello Kitty, đồng thời hy vọng đây sẽ là nền móng để khai thác thị trường công viên chủ đề tại Trung Quốc".

Hoàn Cầu tiết lộ, từ 10 năm trước, Sanrio đã xác định Trung Quốc là thị trường tiềm năng và luôn tìm cách "tấn công" vào quốc gia này.

Hiện tại, Sanrio đã có khoảng 150 cửa hàng tại Trung Quốc, và các nhân vật hoạt hình của hãng này - bên cạnh Hello Kitty - cũng rất được thị trường Trung Quốc chào đón.

Báo TQ từng cảnh báo người dân "cẩn thận với Doraemon"

Hồi tháng 9/2014, Nhật báo Thành Đô, một tờ báo tỉnh lớn tại Thành Đô - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, cảnh báo: "Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng ẩn sau (những nhân vật hoạt hình đó) là ý nghĩa chính trị mạnh mẽ".

Một bạn trẻ chụp hình với chú mèo máy Doraemon tại Triển lãm về nhân vật hoạt hình Nhật Bản này tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hồi tháng 8/2014. Ảnh. Tân Hoa Xã

"Doraemon là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm xuất khẩu các giá trị quốc gia và thực hiện chiến lược văn hóa của mình - đây là thực tế không thể chối cãi.

Từ tận trái tim mình, chúng ta cần phải bới mù quáng và giữ một cái đầu lạnh khi hôn lên má của những chú mèo màu xanh mũm mĩm đó".

Nhật báo Thành Đô thậm chí còn cho rằng những người tiêu dùng, khi tiếp cận văn hóa đại chúng Nhật Bản, thì "đừng bao giờ lãng quên lịch sử".

Hai tờ báo Thành Đô khác cũng đưa ra những nhận định tương tự, trong khi tác giả Wang Dehua của tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo: “Doraemon rất dễ thương, nhưng cũng là đại diện cho quyền lực mềm của Nhật Bản.

Chúng ta không thể để cho một con mèo máy bé nhỏ điểu khiển tâm trí mình được".

Với cuộc "đổ bộ" rầm rộ của Hello Kitty được lăng-xê trên truyền thông ngày hôm qua, có vẻ như người dân Trung Quốc đã bỏ ngoài tai "lời cảnh báo" trước đó.

Xem thêm một số hình ảnh Công viên Hello Kitty tại Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại