Công ty Trung Quốc "tuồn" nhiên liệu để Triều Tiên làm bom nhiệt hạch?

Anh Tuấn |

Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một loại bom nhiệt hạch. Mặc dù tính xác thực của phát ngôn này vẫn còn đáng bàn cãi, rất có thể họ đã đạt được thành tựu đáng kể kể từ lần thử nghiệm trước đó vào tháng 2/2013.

Giờ đây, câu hỏi được đặt ra đó là cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào.

Trong tất cả các nước, động thái của Trung Quốc, đối tác truyền thống của Triều Tiên và là thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, sẽ được chú ý nhiều nhất.

Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Theo bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này “phản đối kịch liệt” hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

“Trung Quốc giữ vững lập trường của mình rằng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải được giải giáp hoàn toàn, qua đó đảm bảo hòa bình và ổn định của vùng Đông Bắc Á.

Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuân theo cam kết xóa bỏ vũ khí hạt nhân và ngừng bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình xấu đi”, bà Hoa nói thêm.

Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng Trung Quốc không được thông báo trước về lần thử nghiệm này và cho biết các chuyên gia đang phân tích để xác định vũ khí được thử nghiệm có thật sự là bom nhiệt hạch như Triều Tiên công bố hay không.

Bà Hoa cũng nhắc đến một số ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc, và Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc sẽ theo dõi các thông số phóng xạ dọc biên giới Trung Quốc – Triều Tiên để đảm bảo sự an toàn của người dân Trung Quốc.

Khu Punggye-ri, nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân ngày 6/1 nằm ở phía Đông Bắc Triều Tiên, cách biên giới Trung Quốc khoảng 100km.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó cũng cho biết Trung Quốc “có quan điểm cứng rắn” về cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân này.

Ông gọi đây là “sự coi thường cộng đồng quốc tế” và nhắc lại rằng Trung Quốc “cam kết tuân theo thỏa thuận không phân bố vũ khí hạt nhân”.

Lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước của Triều Tiên vào tháng 2/2013 đã gây ra phản ứng tương tự từ Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì đã triệu Đại sứ Triều Tiên để giải trình về sự việc.

Một số thông tin cho biết chính phủ Trung Quốc đã chủ động thuyết phục Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không được tiến hành thử nghiệm, bởi lúc đó Trung Quốc đang trong thời điểm chuyển giao quyền lực.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng ủng hộ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Vào ngày 7/3/2013, chưa đầy một tháng sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2094, trong đó viết rằng họ “bày tỏ quan ngại sâu sắc” đối với cuộc thử nghiệm này và mạnh mẽ lên án động thái này.

Nghị quyết áp đặt lệnh cấm vận đối với cơ quan tài chính, cấm một số quan chức Triều Tiên ra nước ngoài và giới hạn nhập khẩu một số mặt hàng.

Rất có thể trong năm 2016, phản ứng của Trung Quốc sẽ còn dữ dội hơn thế. Ba năm sau lần thử nghiệm trước đó, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với Hàn Quốc và càng xa rời Triều tiên hơn trước.

Cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có 6 cuộc họp cấp cao trong vòng ba năm qua, trong khi đó ông Tập chưa hề gặp mặt ông Kim Jong-un.

Thực tế, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên dường như chưa hề khôi phục sau cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 2013.

Mặc dù hai nước có những dấu hiệu nâng cao quan hệ khi tướng Choe Ryong-hae của Triều Tiên có mặt trong lễ diễu binh tại Trung Quốc vào tháng 9/2015 và sau đó ông Lưu Vân Sơn cũng đến Bình Nhưỡng vào tháng 10 cùng năm.

Nhưng đến tháng 12, hai nước lại tranh cãi với nhau trong một loạt các hoạt động văn nghệ ở Trung Quốc, khiến hai đoàn Triều Tiên phải khăn gói về nước.

Trung Quốc từ lâu đã không gặp mặt Chủ tịch Kim Jong-un.
Trung Quốc từ lâu đã không gặp mặt Chủ tịch Kim Jong-un.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa thể “bỏ mặc” Triều Tiên. Sau cùng, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các hình thức đối thoại nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thay vì có những hành động mạnh bạo.

Bắc Kinh đã từng phản đối việc ngăn cản các tướng lĩnh Triều Tiên ra nước ngoài, mặc dù họ vẫn sẵn sàng tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Giống như trước đây, nếu biện pháp mà các nước trên thế giới nhằm đáp trả hoạt động thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên vẫn chỉ là đẩy mạnh cấm vận, hiệu quả mang lại nhiều khả năng sẽ không lớn.

Năm 2013, Mỹ bày tỏ sự hài lòng khi Trung Quốc đồng thuận với Liên Hợp Quốc, nhưng từ cuộc thử nghiệm ngày 6/1, có thể thấy rằng lệnh trừng phạt không hề ngăn cản Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, một phần là do Trung Quốc không tuân theo lệnh này một cách triệt để.

Cho dù là chính phủ Trung Quốc bí mật hỗ trợ Triều Tiên, hay là do Bắc Kinh không ngờ rằng các công ty trong nước sẵn sàng bỏ qua lệnh cấm vận để buôn bán cho Triều Tiên, các chuyên gia nhất trí rằng cho đến nay Triều Tiên được tiếp cận những công nghệ mà phương Tây cấm xuất khẩu cho Triều Tiên nhờ các công ty này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại