Cơn đau đầu của Israel

Hoàng Minh |

Ủy ban hạ viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran với kỳ vọng xóa bỏ nguy cơ leo thang nhưng Israel và Đảng cộng hòa đã có quan điểm trái ngược.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 7/1, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật sẽ trao cho Quốc hội quyền giám sát lớn hơn đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Dự luật mang tên "Đạo luật Minh bạch Tài chính Khủng bố Iran" sẽ cấm Nhà Trắng xóa tên các cá nhân và tổ chức tài chính nước ngoài khỏi một danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ cho đến khi tổng thống chứng thực với Quốc hội rằng những đối tượng này không liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay các hoạt động khủng bố.

Danh sách trên bao gồm hơn 50 cá nhân và thực thể được xác định là có hành vi hỗ trợ khủng bố, vi phạm quyền con người hay phổ biến vũ khí. Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào tuần tới.

Động thái trên của Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh Washington đã sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, có thể là ngay trong tháng 1/2016, do Tehran đang thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký ngày 14/7 tại thủ đô Vienna của Áo.

Theo thỏa thuận đạt được trước đó giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), Tehran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế.

Bên cạnh đó, Iran sẽ phải giảm 2/3 số máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani, loại bỏ khả năng Tehran sử dụng nguyên liệu này để chế tạo bom nguyên tử.

Nhà máy hạt nhân Arak của Iran. Ảnh: wikipedia
Nhà máy hạt nhân Arak của Iran. Ảnh: wikipedia

Phát biểu với báo giới cùng ngày sau sự việc này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết việc triển khai thỏa thuận hạt nhân Iran có thể diễn ra "chỉ trong vài ngày tới" nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, ông đã trao đổi với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif và nhận được lời cam kết rằng Iran sẽ nỗ lực hoàn thành các cam kết thỏa thuận hạt nhân của mình sớm nhất có thể.

Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ kiềm chế gia tăng leo thang?

Ngay từ đầu khi bắt đầu kế hoạch này, Tổng thống Obama đã khẳng định việc bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông.

“Giết chết thỏa thuận này, quốc hội không chỉ mở đường cho Iran sở hữu bom hạt nhân mà còn thúc đẩy điều đó”, tổng thống Obama tuyên bố.

Vì thế nhằm đạt được thế chủ động quyết định trong việc này, chính quyền Tổng thống Obama đã ra sức vận động và thuyết phục các thành viên trong quốc hội để giành đủ số phiếu ủng hộ.

Với tổng số 34/46 phiếu thuận đạt được phiếu đã giúp Chính phủ giữ quyền phủ quyết của mình tại Quốc hội.

Tuy nhiên trái ngược với nhận định của Washington, ngay từ đầu, các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã ra sức phản đối và cho rằng việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ giúp Tehran tiếp cận được nguồn tài chính dồi dào để tài trợ cho khủng bố.

Israel, một trong số ít các nước lên án hành động này cũng cho rằng thỏa thuận này không hề làm thay đổi động cơ phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, mà ngược lại sẽ củng cố hoạt động khủng bố của nước này trong khu vực, đe dọa hủy diệt đất nước Israel còn đang trên đà phát triển.

Trong một tuyên bố được phát trực tiếp trên mạng internet với sự tham gia của hơn 100.000 người, Thủ tướng Israel đã kịch liệt chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi đây là “thỏa thuận tồi” giúp Iran có cơ hội để sản xuất bom hạt nhân.

“Đây là một thỏa thuận tồi tệ để cho Iran có được cái mà nước này cần - được gỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận, trong khi vẫn duy trì phần quan trọng trong chương trình hạt nhân.

Thỏa thuận này cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium và vẫn để yên cho các máy ly tâm hoạt động, đồng thời cho phép nước này sản xuất nguyên liệu dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân”, thông báo từ văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng quan ngại.

Đặc biệt, hôm 6/1 vừa qua, Triều Tiên cũng thông báo thử thành công vũ khí nhiệt hạch. Điều này đã dấy lên những lo ngại từ các nước cùng theo đó là sự e ngại và nghi ngờ.

Tình hình căng thẳng, rối loạn tại Bình Nhưỡng đang là một thách thức trong quyết định được coi là mang tính lịch sử của chính quyền Tổng thống Obama.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại