Trong năm 2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể giải quyết được xung đột mặc dù cả hai đều không muốn phá vỡ các mối quan hệ về kinh tế. Ukraine sẽ chứng kiến sự thay đổi Chính phủ cầm quyền, Nga phải trấn áp rất nhiều cuộc biểu tình trước thềm bầu cử Quốc hội…
Trên đây là một số dự báo nổi bật về tình hình địa chính trị thế giới trong năm 2016 do Trung tâm nghiên cứu Stratfor của Mỹ đưa ra.
Ngoài một số diễn biến nổi bật trên, thế giới năm 2016 còn có thể chứng kiến sự gia tăng hoạt động của lực lượng khủng bố IS ở châu Âu và Trung Đông, bất chấp thực tế rằng lực lượng này đã suy yếu nhiều hơn khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự chống IS một cách khá hiệu quả.
Nga: Một năm đầy sóng gió đối với kinh tế
Theo các dự báo của Stratfor, “kẻ thù mới” của Nga trong năm 2015 là Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đẩy mạnh sự tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố IS.
Cụ thể, sang năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria và còn có thể gia tăng cả sự hiện diện quân sự ở Iraq. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chỉ chống lại lực lượng IS mà sẽ cố gắng kiềm chế cả lực lượng người Kurd ở Syria.
Những hoạt động này của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Stratfor, chắc chắn sẽ làm nảy sinh xung đột lợi ích với Nga, cho dù Nga không hề muốn nảy sinh xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang kiểm soát huyết mạch nối Biển Đen với Địa Trung Hải.
Mặc dù vậy, đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là khó có thể tránh khỏi trong năm 2016 vì Nga sẽ vẫn tăng cường sự hiện diện và đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Syria. Sự hiện diện của Nga sẽ “phá hỏng các kế hoạch quân sự” của Thổ Nhĩ Kỳ nên đối đầu là điều khó tránh khỏi.
Đối với Nga, một năm 2016 đầy khó khăn đang đón chờ nền kinh tế Nga. Các chuyên gia Stratfor cho rằng mặc dù vẫn vượt qua được các lệnh cấm vận tiếp theo của phương Tây nhưng năm 2016 sẽ là năm khó khăn hơn gấp bội cho nền kinh tế Nga.
Những khó khăn về kinh tế sẽ tiếp tục làm tâm lý “chống đối” gia tăng.
“Kremlin sẽ cho phép một số lượng không nhiều các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền Nga sẽ phải cố gắng ngăn chặn bất cứ cuộc biểu tình có quy mô lớn và có tổ chức nào chống Kremlin.
Trước thềm các cuộc bầu cử Quốc hội Nga năm 2016, chính quyền sẽ có những động thái trước đối với lực lượng và lãnh đạo phe đối lập”- các nhà phân tích Startfor nhận định.
Ngoài ra, cuộc đấu tranh trong nội bộ Kremlin cũng sẽ gia tăng. Đây là cuộc đấu giữa các lực lượng tài phiệt trong lĩnh vực năng lượng, các bộ trưởng tài chính, kinh tế, năng lượng và thậm chí có sự tham gia của cả các cơ quan mật vụ.
Sự trợ giúp tài chính cho các công ty và các dự án năng lượng lớn sẽ là nguyên nhân quan trọng gây ra những bất hòa trong nội bộ Kremlin.
Ukraine: Còn nhiều cản trở cho các cuộc cải cách chính trị
Trong năm 2016, “kẻ thù cũ” của Nga là Ukraine sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Theo Startfor, cuộc khủng hoảng hiện nay ở miền Đông Ukraine sẽ là cản trở đáng kể đối với các cuộc cải cách chính trị.
Cụ thể, các lực lượng theo trường phái dân tộc chủ nghĩa và cánh hữu sẽ cản trở Kiev thực hiện các nhượng bộ đối với Donbass. Điều này sẽ khiến trong năm 2016, Lugansk và Donetsk vẫn bất tuân lệnh Kiev mặc dù một số quan hệ kinh tế có thể được khôi phụс.
Những biện pháp thắt chặt chi tiêu không hiệu quả, cải cách tòa án và luật pháp diễn ra chậm chạp… sẽ là những yếu tố làm gia tăng các cuộc biểu tình chống đối ở Ukraine trong năm 2016. Bất ổn sẽ khiến nguy cơ ông Yatsenyuk mất ghế Thủ tướng càng gia tăng.
Tổng thống Poroshenko vẫn tiếp tục thực hiện đường lối, chính sách thân phương Tây vì sự trợ giúp về tài chính từ phương Tây (Mỹ, EU, IMF - Quỹ Tiền tệ Quốc tế) sẽ có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với chính quyền Ukraine.
Các chuyên gia phân tích của Startfor cũng cho rằng nền kinh tế của Ukraine trong năm 2016 sẽ phục hồi khá chậm và tái định hướng từ Nga sang châu Âu.
IS, Trung Đông và châu Phi
“Quốc gia” khủng bố IS được hình thành trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng được ở Iraq và Syria, theo các nhà phân tích Stratfor, trong năm 2015 đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, khả năng tiêu diệt hoàn toàn IS là khó có thể thực hiện được.
Việc làm suy yếu IS có thể khiến tổ chức khủng bố này tăng cường thực hiện các đòn tấn công khủng bố ở các nước châu Âu và toàn bộ khu vực Trung Đông. Ngoài ra, trong năm 2016, IS sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Al-Qaeda để tranh giành ảnh hưởng.
Một năm sau sự xuất hiện của IS tại Afghanistan, số lượng phiến quân Afghanistan gia nhập đội ngũ của IS vẫn không nhiều. Tuy nhiên, trong năm 2016, số lượng này có thể sẽ gia tăng đáng kể. Hiện lực lượng IS ở Afghanistan vẫn chủ yếu là các phần tử từng đứng trong đội ngũ Taliban.
Mặc dù đã bị phân hóa nhưng phong trào Taliban hiện vẫn là lực lượng mạnh nhất về quân sự nếu so với các nhóm phiến quân khác ở Afghanistan. Trong năm 2016, cạnh tranh giữa IS với các nhóm phiến quân khác ở Afghanistan sẽ tiếp tục gia tăng.
Tại Yemen, các cuộc xung đột giữa các lực lượng “Ansar Allah” ủng hộ cựu Tổng thống hợp hiến Ali Abdullah Saleh với lực lượng ủng hộ Tổng thống bị phế truất Abd Rabbu Mansour Hadi sẽ tiếp tục gia tăng.
Stratfor nhận định rằng liên minh Arab do Arabia Saudi dẫn đầu sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích của mình.
Tuy nhiên, liên minh này sẽ phải gánh chịu những tổn thất nhất định và các tổn thất này có thể sẽ khiến các thành viên trong liên minh mâu thuẫn với nhau, ví dụ mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa Arab Saudi với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Ngoài ra, lực lượng đòi độc lập ở miền Nam Yemen có thể củng cố được lực lượng và đẩy mạnh phong trào đòi độc lập. Do đó, năm 2016 có thể là năm chứng kiến sự phân tách giữa miền Nam với miền Bắc Yemen.
Tại Libya, IS cũng sẽ tăng cường được lực lượng. Do đó, các lực lượng đang tham gia chính trường như lực lượng ở thành phố miền Đông Tobruk và lực lượng thân Hồi giáo đang giữ ảnh hưởng ở Tripoli sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thỏa thuận phân chia quyền lực.
Trong khi đó, sự gia tăng ảnh hưởng của IS ở Libya có thể sẽ khiến Libya lại phải hứng chịu sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự can thiệp này có thể chỉ dừng ở mức các cuộc không kích và một số chiến dịch đặc biệt tại một số khu vực nhất định.
Stratfor được coi là “CIA thứ hai” vì tổ chức này cung cấp các thông tin phân tích về bối cảnh quốc tế và đưa ra các dự báo về các xu hướng chính trị chiến lược trên toàn thế giới.