Chuyện về chuyến đi đầu tiên của Fidel Castro tới Washington

Hoài Nam |

Ngày 20/7, quốc kỳ Cuba sẽ chính thức được kéo lên tại trụ sở Đại sứ quán nước này ở Washington D.C, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Cuba và Mỹ sau hơn nửa thế kỷ đối đầu.

Sự kiện này gợi nhớ lại chuyến thăm Mỹ của lãnh tụ Fidel Castro chỉ ít tháng sau khi cách mạng Cuba thành công ngày 1/1/1959, và ông đã từng có mặt tại chính nơi mà sau hơn nửa thế kỷ lại có tấm biển với dòng chữ “Đại sứ quán nước Cộng hoà Cuba”.

Fidel tới thủ đô Washington ngày 15/4/1959.

Fidel Castro đặt chân tới Washington trên chuyến bay của hãng hàng không Cubana vào lúc 21h07, chậm hơn so với dự kiến 2 tiếng sau khi rời La Habana lúc 17 giờ 45 phút và được một máy bay của Quân khởi nghĩa hộ tống chở theo một phần của phái đoàn chính thức.

Đón Fidel ở chân cầu thang máy bay là Đại sứ Cuba Ernesto Dihigo và George W.Healy (con), Giám đốc tờ nhật báo Times Picayune của New Orleans và là Chủ tịch của Hiệp hội Giám đốc các nhật báo của Mỹ, người đã mời lãnh tụ cách mạng Cuba tới Mỹ.

Ngay từ khi đặt chân tới Washington, Fidel đã khiến cho Washington mất đi sự cân bằng vốn có.

Fidel không tạo ra sự khác biệt với mọi người và thường xuyên vượt qua sự bảo vệ của nhân viên an ninh và FBI, ông luôn hào phóng với tất cả mọi người bằng những cử chỉ chào hỏi, sẵn sàng chụp ảnh khi được đề nghị, thân thiện với những người lái taxi, những cô, cậu bé vừa mới tan trường...

Fidel được chào đón tại sân bay quốc tế ở Washington.

Cảnh sát nhận ra rằng họ đang phải đối phó với một “cơn bão” ngay khi Fidel vừa xuất hiện ở cửa máy bay và hít thở bầu không khí của Washington.

Ông xuống cầu thang và ngay lập tức tiến lại gần khu vực hàng rào ở sân bay để chào hỏi những người đang vẫy chào. Ngay lập tức hơn 80 nhà báo lao đến và tạo ra một sự “hỗn loạn”.

Khoác trên người bộ quân phục màu xanh ôliu, lúc đó lãnh tụ Cuba dường như bị khản tiếng vì thay đổi thời tiết nhưng người ta vẫn nghe thấy Fidel trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh rằng tại sao ông lại đến thăm Hoa Kỳ:

“Chúng tôi luôn nhận thức được nghĩa vụ của mình. Đây sẽ là một Chiến dịch Sự thật bởi vì chúng tôi bảo vệ danh dự của Cách mạng”.

Fidel bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Đồi Capitol ngày 19/4/1959.

Có lẽ con đường dọc bờ sông Potomac kéo dài hơn thường lệ vào buổi tối hôm đó đến khu phố Adams Morgan, nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Cuba và Fidel đã ở đó từ ngày 15 đến ngày 20/4/1959, trước khi lên tàu tới Princeton. 

Nhà lãnh đạo Cuba bước xuống xe và trước khi vào cửa ông lại tiến tới nói chuyện một vài phút với báo chí. Khi ông bắt đầu bước lên cầu thang vào trụ sở chính của cơ quan đại diện ngoại giao Cuba ở Đại lộ 16, những tiếng reo hò ở phía sau vẫn tiếp tục.

Hàng trăm người vẫy gọi ông ở bên kia đường sau hàng rào cảnh sát nhưng một nhân nhiên an ninh yêu cầu “Ngài không được ra và phải tuân thủ các qui định lễ tân”.

Ngay lập tức Fidel trả lời: “Thôi ngay những thủ tục lễ tân, những gì tôi có thể và không thể làm đi. Những việc này sẽ làm cho chuyến đổ bộ xuống đất Mỹ còn khó khăn hơn chuyến đổ bộ trên tàu Granma”.

Một nhân vật có tên là Houghton, được giới thiệu trong chương trình với tư cách là Thư ký Báo chí, đề nghị: “Tốt hơn hết là Ngài nên xuất hiện ở ban công” nhưng Fidel đáp trả một cách kiên quyết: “Này, tôi không phải người chỉ biết đứng ở ban công đâu nhé”.

Và ngay lập tức ông quay ra cổng Đại sứ quán và bước sang bên kia đường, lẫn vào đám đông. Nhật báo Cách mạng của Cuba số ra ngày hôm sau đưa tin: “Lần thứ hai đội ngũ an ninh lại phải toát mồ hôi với vị khách mời”.

Fidel với các học sinh trường cấp 3 Clayton ở Washington.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Ramon Sanchez Parodi, Trưởng Phòng Đại diện Quyền lợi đầu tiên của Cuba tại Mỹ từ năm 1977 đến năm 1989, khẳng định người đóng vai trò quyết định cho chặng đường dài mà Cuba đã vượt qua để có được ngày hôm nay đã và sẽ luôn là Fidel.

Chính lãnh tụ Fidel là người luôn coi trọng ngay từ những ngày đầu của cách mạng tầm quan trọng và sự cần thiết phải thiết lập mối quan hệ phù hợp giữa Cuba và Mỹ.

Chính ông là người đã rèn luyện và giáo huấn cho nhân dân và các thế hệ lãnh đạo Cuba rằng cuộc đối đầu là với chủ nghĩa đế quốc chứ không phải với nhân dân Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi cách mạng thành công, một trong những quốc gia đầu tiên Fidel tới thăm là nước Mỹ.

Ông chính là người đã cho rằng chiến lược và chiến thuật để có được một bầu không khí hữu nghị giữa nhân dân Cuba và Mỹ, cũng như sự tôn trọng của chính quyền Mỹ đối với nền độc lập và chủ quyền của Cuba, là thông qua một thái độ kiên định, mềm dẻo và thân thiện.

Đúng ngày 15/4/1959, khi Fidel rời La Habana đi Washington, Đại sứ Mỹ tại Cuba Philip W.Bonsal đã gửi một bức điện cho Bộ Ngoại giao Mỹ: “Những thành viên ủng hộ Cách mạng nhất xung quanh Castro đều cho rằng chuyến đi sẽ tạo một tiền lệ lịch sử, coi đó là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Cuba đi thăm Hoa Kỳ đại diện cho một quốc gia có chủ quyền và bình đẳng, hoàn toàn tự do khỏi sự thống trị và kiểm soát".

Và quả đúng như vậy, trong cuộc trò chuyện đầu tiên với báo chí ở trụ sở Đại sứ quán Cuba, trước câu hỏi rằng có phải ông tới đây để tìm kiếm sự giúp đỡ của nước ngoài hay không thì Fidel đã trả lời: “Không, chúng tôi tự hào có được độc lập và không có ý định xin xỏ ai bất kỳ cái gì”.

Ngày hôm sau Fidel còn nói một cách thẳng thừng hơn với quyền Ngoại trưởng Mỹ Christian Herter và được báo Cách mạng giật tít: “Tôi không đến đây để xin tiền”.

Báo Cách mạng đưa tin về cuộc gặp giữa Fidel và quyền Ngoại trưởng Mỹ Christian Herter.

56 năm sau, đoạn đường từ sân bay tới con phố mà Fidel đứng nói chuyện với người dân Mỹ dường như thoáng đãng hơn.

Sáng ngày 20/7/2015 (giờ địa phương), tấm biển đồng “Phòng Đại diện Quyền lợi Cuba” sẽ được thay thế bằng “Đại sứ quán nước Cộng hoà Cuba” sau hơn nửa thế kỷ. Quốc kỳ Cuba sẽ chính thức được kéo lên tại trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao quốc đảo này ở Washington, mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai quốc gia sau một chặng đường dài đối địch.

Và những hồi ức về chuyến đi đầu tiên của Fidel tới Hoa Kỳ ngay sau khi cách mạng thành công đối với các thế hệ Cuba là minh chứng về “quyền của một quốc gia, dù là nhỏ bé, được lên tiếng bằng chính giọng nói của mình”.

Một số hình ảnh về chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro tới Mỹ năm 1959:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại