Chuyên gia VN:Họp báo Putin không quyết liệt như dư luận mong đợi

Đức Huy |

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát nhận xét, bối cảnh cuộc họp báo năm nay khác hẳn so với năm trước, tình hình đồng Rúp và kinh tế ảm đạm...

Nhân dịp cuộc họp báo hàng năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin với truyền thông quốc tế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, nguyên Trưởng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Nga.

Bất ổn kinh tế

Nhận định về tình hình kinh tế Nga hiện nay, nhà báo Nguyễn Đăng Phát cho rằng không thể phủ nhận những khó khăn mà chính quyền Tổng thống Putin đang phải đối mặt: đồng Rúp mất giá, giá dầu giảm mạnh, cùng hệ quả của lệnh trừng phạt đến từ phương Tây.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (trái) Ảnh: Công Nhật
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (trái) Ảnh: Công Nhật

Đã có nhiều nhà phân tích lo ngại những khó khăn hiện nay có thể dẫn tới hậu quả tương tự cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử ở Nga năm 1998. Tuy nhiên, theo nhà báo Phát, so sánh như vậy có phần thái quá.

"Nếu so với năm 1998, lần này Nga ở một vị thế tốt hơn nhiều. Thời đó tiềm lực của Nga còn yếu, chính trị còn bất ổn, và lòng dân cũng chưa thống nhất được như bây giờ," ông nhận xét.

Nhà báo Phát cũng bình luận, người Nga cần phải nhận thức được rằng cơ cấu kinh tế hiện tại là "rất không ổn". Cụ thể, nước Nga đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thành bại của ngành xuất khẩu dầu khí.

Theo ông, đây là điều từ nhiều năm trước người Nga đã muốn thay đổi nhưng vẫn chưa làm được.

Tuy hoàn toàn có thể phát triển những ngành sản xuất hay chế biến thực phẩm để tránh phụ thuộc nhập khẩu, nhưng một bộ phận người dân xứ sở Bạch Dương vẫn tiếp tục bị "mê hoặc" bởi nguồn lợi trực tiếp đến từ dầu khí.

"Tình hình bây giờ sẽ đòi hỏi họ phải làm khác", nhà báo Phát khẳng định.

Căng thẳng với Mỹ và phương Tây

Về mặt chính trị, ông cho rằng Nga và Tổng thống Putin sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách "cứng rắn" với Mỹ và phương Tây.

"Cái sự 'cứng rắn' của Putin nó gắn liền với điều mà lãnh đạo Nga vẫn luôn nhấn mạnh, đó là một chính sách đối ngoại độc lập của một nước Nga hùng cường, một nước Nga có bề dày truyền thống," ông phân tích.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát nhấn mạnh, nếu không "cứng rắn" được coi là đồng nghĩa với việc phải làm theo những đòi hỏi của Mỹ và phương Tây, thì Nga càng "kiên quyết không thay đổi".

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Nước Nga là một nước lớn, họ không thể bị cô lập. Ảnh: Công Nhật

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: "Nước Nga là một nước lớn, họ không thể bị cô lập." Ảnh: Công Nhật

Đặc biệt, theo nhà báo Phát, nếu nhìn thoáng qua thì những khó khăn hiện nay đều xuất phát từ vấn đề Ukraine. Nhưng thực ra ko phải như vậy, vì từ trước đến nay Ukraine vẫn luôn là trung tâm của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây.

"Tháng 2 vừa rồi, phương Tây có vẻ như đã kéo được Ukraine về phía mình với cuộc lật đổ chính quyền thân Nga của ông Yanukovych, vậy nên việc Nga có cảm giác mất an toàn và kiên quyết hành động cũng là dễ hiểu", ông nhận xét.

Trước sức ép từ phương Tây với liên tiếp những lệnh trừng phạt, truyền thông thế giới đang nghĩ tới một sự "sụp đổ" của Nga. Tuy nhiên, nhà báo từng có 10 năm làm Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nga tin Kremlin sẽ không để điều đó xảy ra.

"Không ai quả quyết được 100%, nhưng tâm thế của Nga rất khác, tinh thần dân tộc của họ luôn cho họ ở vị thế một nước giàu mạnh. Họ cũng biết rằng Mỹ luôn cố gắng kiềm chế họ", ông nhận định.

"Tóm lại, ta không phủ nhận khó khăn về kinh tế Nga, và trước mắt dân Nga trong 1-2 năm tới sẽ khổ hơn, nhưng họ vẫn sẽ vượt qua được.

Ngoài ra, Nga không thể bị cô lập. Dù có muốn hay không thì phương Tây cũng phải thừa nhận trên sân chơi quốc tế Nga vẫn là một 'ông lớn'. Gây khó khăn thì được nhưng muốn loại Nga hoàn toàn ra khỏi sân chơi đó lại là điều không thể", nhà báo Phát kết luận.

Họp báo Putin: "Không quyết liệt như dư luận mong đợi"

Sau khi trực tiếp theo dõi cuộc họp báo kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, nhà báo Phát cho rằng những gì được đề cập và các giải pháp nêu ra không ở mức "quyết liệt" như dư luận mong đợi.

Tổng thống Putin trong cuộc họp báo năm nay không quyết liệt được như những năm trước Ảnh: Rossiya 1
Tổng thống Putin trong cuộc họp báo năm nay không "quyết liệt" được như những năm trước Ảnh: Rossiya 1

"Đó là vì bối cảnh cuộc họp báo năm nay khác hẳn so với năm trước, tình hình đồng Rúp và kinh tế ảm đạm, cũng như triển vọng trừng phạt từ phương Tây ngày càng gia tăng", ông giải thích.

Không quá ngạc nhiên khi kinh tế là "điểm nóng" của cuộc họp báo. Dù phóng viên đã xoáy sâu vào những khó khăn hiện tại của kinh tế Nga, nhưng nhà báo Phát vẫn nhận thấy sự lạc quan nơi Tổng thống Putin. Và theo ông, sự lạc quan đó là hoàn toàn có cơ sở.

"Nguồn lực nước Nga còn rất lớn. Khi kinh tế thế giới ổn định và phục hồi thì nhu cầu năng lượng sẽ lại tăng, giá dầu thô cũng tăng trở lại. Mặc dù không tăng đỉnh cao như trước đây, ngành xuất khẩu dầu khí Nga vẫn sẽ đạt kết quả tốt", ông phân tích.  

Trong thời gian công tác tại Nga, nhà báo Nguyễn Đăng Phát đã từng tham dự cuộc họp báo quốc tế của Tổng thống Putin năm 2008, cuộc họp báo đạt kỷ lục về thời lượng, kéo dài 4 giờ 40 phút.

Điều mà ông Phát ấn tượng nhất về Putin là sự dẻo dai, kiến thức sâu rộng và phản xạ cực kỳ nhạy bén. Mặc dù tất cả các câu hỏi đều không được gửi đến trước, nhưng Putin có thể trả lời ngay lập tức, với rất nhiều dẫn chứng, số liệu thuyết phục.

Một ấn tượng nữa của nhà báo Phát là các vấn đề, vướng mắc trong nước mà giới truyền thông Nga nêu ra trong cuộc họp báo với Tổng thống sau đó đều được giải quyết thỏa đáng.

Điều đáng tiếc là, theo ông Phát thì bản thân ông cũng như nhiều nhà báo Việt Nam đã từng tham dự các cuộc họp báo quốc tế cuối năm của Putin chưa có cơ hội nêu câu hỏi trực tiếp với Tổng thống Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại