Chu Vĩnh Khang lộ bí mật quốc gia gì?

Huệ Bình |

Theo báo Pháp Libération, cựu Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Bắc Kinh Lương Khắc đã tiết lộ thông tin về khối tài sản khổng lồ của các quan chức cấp cao Trung Quốc cho hãng tin Bloomberg (Mỹ)

Việc Bắc Kinh khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyển cơ quan tố tụng điều tra cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Trong đó, nóng nhất là tội danh “làm lộ bí mật của đảng và nhà nước”.

Hãng tin CNA (Đài Loan) dẫn các nguồn tin từ truyền thông Hồng Kông và báo chí người Hoa hải ngoại cho biết “bí mật quốc gia” mà ông Chu tiết lộ có thể liên quan đến việc nghe lén các quan chức cấp cao - được ông giao cho cựu Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Bắc Kinh Lương Khắc làm khi còn đương chức.

Ông Lương cũng bị bắt với tội danh nêu trên.

Tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh không nói rõ bí mật nào bị “sếp Khang” rò rỉ song các nguồn tin cho rằng trong số các nhân vật bị nghe lén điện thoại có cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường và người nhà, trợ lý của 2 ông.

Theo nguồn tin từ nội bộ giới chức cấp cao, vụ nghe trộm 2 nhà lãnh đạo này diễn ra ngay trước đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11-2012 để truy tìm dấu vết về hối lộ, tham nhũng của thủ tướng và ứng viên thủ tướng thời điểm đó.

Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) và Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc CườngẢnh: CHINA NEWS
Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) và Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường... Ảnh: CHINA NEWS
Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Bắc Kinh Lương Khắc Ảnh: VĂN HỐI

Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Bắc Kinh Lương Khắc Ảnh: VĂN HỐI

Lương Khắc bất ngờ bị bắt hồi tháng 12-2013 khi đang cùng một số quan chức khác dự tiệc tối.

Ngày 21-1-2014, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố miễn nhiệm mọi chức vụ của ông Lương song không nêu lý do.

Báo Pháp Libération cho rằng chính Lương Khắc là người đã tiết lộ “thông tin về khối tài sản khổng lồ của các quan chức cấp cao Trung Quốc” cho hãng tin Bloomberg (Mỹ).

Trong khi đó, theo tờ The New York Times, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã lập mạng lưới nghe lén điện thoại của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình.

Ông Bạc là đồng minh thân cận và được ông Chu đề cử làm người kế nhiệm trước khi “ngã ngựa”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 9-12 cho biết các quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc nhanh chóng cam kết trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi Bắc Kinh khai trừ đảng, bắt giữ ông Chu.

Nhật báo Quân Giải phóng Trung Quốc cùng ngày đưa tin quan chức quân đội 4 tổng cục được triệu về Bắc Kinh tham gia hội nghị quán triệt tinh thần ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của trung ương.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng nhấn mạnh các tướng Trung Quốc phải tin tưởng những luận điểm quan trọng trong các bài phát biểu của ông Tập, biến nó thành suy nghĩ và quan điểm chính trị của mình.

Chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh trong quân đội với thông tin Phó Viện trưởng Học viện Chính trị Nam Kinh, Thiếu tướng Đới Duy Dân, bị điều tra.

Trang tin Đa chiều ngày 8-12 dẫn một số nguồn tin cho biết ông Đới bị bắt giữa tháng 11 do liên quan đến vấn đề đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Phân viện Thượng Hải, nơi ông làm phân viện trưởng.

Từ cuối tháng 11, nhiều thư tố cáo ông Đới cùng Viện trưởng Học viện Chính trị Nam Kinh Tưởng Kiền Lân, Phó Viện trưởng Vương Nghị tham nhũng, ăn hối lộ, vơ vét đất đai tài sản công, cài con cháu và thân tín vào các vị trí chủ chốt... đã xuất hiện.

Từ vụ ông Đới, trang tin Đa chiều cho rằng Học viện Chính trị Nam Kinh đang “có biến” và cuộc chiến ở đây chỉ mới bắt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại