Chủ nghĩa dân tộc – "Con dao hai lưỡi" với Trung Quốc

Minh Thu |

Đối với nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai được Trung Quốc tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3/9, là một tín hiệu đáng lo ngại về tương lai an ninh khu vực.

Theo tờ Financial Times, dù chính phủ Trung Quốc khẳng định cuộc diễu binh ngày 3/9 là dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, nhưng trong thế kỷ 21, nguy cơ Bắc Kinh tiến hành các cuộc xâm lăng vẫn là mối lo ngại đối với nhiều quốc gia châu Á.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm chủ quyền của nhiều quốc gia láng giềng trong khu vực.

Sự bành trướng của Trung Quốc buộc Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Thậm chí, Bắc Kinh còn huy động các lực lượng quân sự để tới chiếm đóng ngay trên những khu vực đang xảy ra tranh chấp.

Điển hình, trong năm nay, Trung Quốc đã tăng tốc “cải tạo đất” như bồi đắp, xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo, đường băng và hạ tầng cơ sở quân sự để hiện thực hóa âm mưu bá chủ Biển Đông.

Rõ ràng việc công khai theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt là một sự lựa chọn đầy rủi ro. Nếu chính sách này đi sai đường, nó có thể phá hủy trật tự thế giới, từng là cơ sở tạo nền tảng cho sự phát triển thành công của nền kinh tế Trung Quốc trong suốt 40 năm qua.

Kể từ cuối thập niên 70, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi nền kinh tế quốc gia theo xu hướng thắt chặt quan hệ toàn cầu hóa và hòa bình với các đối tác thương mại lớn.

Đây chính là nguồn gốc ra đời của các khẩu hiệu như "trỗi dậy hòa bình" và "thế giới hài hòa" mà Trung Quốc tuyên bố lâu nay.

Song dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc dường như nghiêng về cách tiếp cận cứng rắn hơn trong các hoạt động tranh chấp lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là một phần "lợi ích cốt lõi của quốc gia".

Tuy nhiên, chính sách mà ông Tập đang thi hành đã phản ánh cả mặt mạnh và yếu.

Thứ nhất, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đó có thể là lý do khiến bản thân ông Tập và bộ máy lãnh đạo cảm thấy rằng Trung Quốc giờ đã đủ mạnh để áp đặt quyền lực một cách trực tiếp hơn.

Một số chiến lược gia Trung Quốc còn công khai tuyên bố Bắc Kinh tin rằng Mỹ sẽ không dám mạo hiểm điều quân tham chiến với quân đội Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan hay Biển Đông.

Sự cám dỗ của chủ nghĩa dân tộc càng thôi thúc Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những khó khăn của quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn rối loạn.

Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập cũng đang gây ra không ít bức xúc cho giới quan chức nước nhà.

Hàng loạt thảm họa nghiêm trọng của ngành công nghiệp và mới đây nhất là vụ nổ kho chứa hóa chất ở cảng Thiên Tân đã gây ra sự bất mãn trong cộng đồng Trung Quốc thời hiện đại.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nghiêm trọng cùng hiện tượng quy định của luật pháp bị giới nhà giàu và giới quyền lực xem thường.

Do đó, cuộc diễu binh ngày 3/9 được xem như một biểu tượng thể hiện sự ủng hộ đối với bộ máy lãnh đạo và đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đảng Cộng sản Trung Quốc đã duy trì quyền lực lãnh đạo trên 2 trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và chủ nghĩa dân tộc, cái mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình gọi là "giấc mơ Trung Hoa”.  

Trong hoàn cảnh tăng trưởng kinh tế sụt giảm, đối với Trung Quốc, việc dựa vào chủ nghĩa dân tộc càng trở thành một cám dỗ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, chính việc theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cũng đang tạo ra cho Trung Quốc những rủi ro mới như tình trạng căng thẳng an ninh gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang tiến hành sửa đổi hiến pháp, cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đã cho công bố kế hoạch điều động thêm tàu thuyền tới châu Á - Thái Bình Dương.

Theo giới chức Lầu Năm Góc, việc tăng cường đưa tàu thuyền tới khu vực này là “hoàn toàn phù hợp với vai trò bảo vệ an ninh trên Biển Đông”.

Còn trong tuần này, Australia công khai tăng khoản chi tiêu quốc phòng và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Ngay cả Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, cũng đang xích lại gần Mỹ hơn.

Hồi đầu mùa hè năm nay, Tổng thống Philippines Benigno Aquino còn so sánh hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông với phát xít Đức.

Khi so sánh với tình trạng bạo lực và hỗn loạn ở Trung Đông hay khủng hoảng ở Ukraine, tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn tương đối khá yên tĩnh.

Dù những căng thẳng ở châu Á được đánh giá thấp hơn so với Trung Đông hay Ukraine, nhưng ảnh hưởng thì lại lớn hơn rất nhiều. Bởi căng thẳng quân sự ở châu Á có sự góp mặt của Trung Quốc - Mỹ - Nhật Bản, 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Tập Cận Bình và các quan chức Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng sẽ chỉ đem lại thảm kịch cho Trung Quốc.

Nguy cơ thực sự không xuất phát từ việc Trung Quốc sẽ trở thành nước khơi mào chiến tranh mà những tính toán của giới chức Bắc Kinh có thể gây hiểu lầm và dẫn tới phản ứng của các nước láng giềng và Mỹ.

Điều này sẽ khiến hành động tranh chấp lãnh thổ hay một cuộc đụng độ quân sự bất ngờ trên biển leo thang thành sự kiện lớn mang tính quốc tế.

Ngay cả khi một cuộc khủng hoảng được nhanh chóng xoa dịu, hậu quả chính trị vẫn có thể gây ra những thiệt hại lâu dài đối với Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại