Chính sách “tái cân bằng” của Mỹ gặp khó vì Trung Quốc, Triều Tiên

Hùng Cường |

Chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương bị chi phối nhiều bởi vấn đề hạt nhân Triều Tiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ cuối nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng thống, ông Obama đã công bố chính sách mới với sự quan tâm đặc biệt dành cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhà lãnh đạo Mỹ quyết định rút dần khỏi “vũng lầy” Trung Đông để tập trung vào khu vực được cho là có ý nghĩa định hình tương lai của Thế giới.

Lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Mỹ. (Ảnh: AFP)
Lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Mỹ. (Ảnh: AFP)

Việc Nhà Trắng thể hiện ưu tiên rõ rệt với ba quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực cho thấy Mỹ muốn gắn thúc đẩy thương mại với tăng cường an ninh ở châu Á để qua đó đối phó tốt hơn với đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên cũng như các cuộc xung đột tiềm tàng khác.

Bà Elizabeth Economy, Giám đốc nghiên cứu châu Á, Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng: “Những ưu tiên phát sinh của Mỹ trong đó có chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương là một trong những sáng kiến chiến lược quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama”.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 4, ứng cử viên Tổng thống Mỹ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump đã tuyên bố nếu ông lên làm Tổng thống Mỹ sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân để tự đương đầu với các mối đe dọa trong khu vực, tránh lệ thuộc vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ đã bảo vệ họ trong nhiều thập kỷ qua.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes ngay lập tức đã chỉ trích gay gắt tuyên bố trên và chỉ rõ: “Toàn bộ tiền đề cho chính sách đối ngoại của Mỹ liên quan đến vũ khí hạt nhân trong 70 năm qua tập trung vào ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đó là lập trường chung của chính quyền hai đảng, cũng như của tất cả những người từng ở trong Phòng Bầu dục. Sẽ là thảm họa đối với nước Mỹ nếu thay đổi lập trường này”.

Ông Rhodes nhấn mạnh rằng, những bổn phận của Mỹ được quy định trong hiệp ước ký với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm bảo vệ hai đồng minh này là "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Khó kiềm chế Triều Tiên

Trong khi đó, Nhà Trắng cũng tiếp tục theo đuổi hướng làm việc với Trung Quốc để có thể kiềm chế tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: Getty)
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: Getty)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không ít lần phải lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc 2 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng cải tạo các mỏm đá, rạn san hộ ở Biển Đông thành những đảo nhân tạo.

Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa những hòn đảo này để hiện thực hóa mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Trước động thái này, Mỹ tuyên bố có quyền và nghĩa vụ để duy trì tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển có ý nghĩa chiến lược, tuyến đường giao thương hàng hải nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới.

Mỹ không nói suông, họ đã cử tàu chiến và máy bay làm nhiệm vụ giám sát quanh khu vực Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Tháng 9/2015, trong chuyến thăm Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh không có ý định “theo đuổi quân sự hóa” các đảo bồi lấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những gì ông Tập nói không giống như những gì mà Trung Quốc đang làm.

“Trung Quốc đang phát triển, điều đó là tốt, nhưng hành xử của họ có tích cực hay không? Câu trả lời là không”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point hồi tuần trước.

Thách thức đến từ TPP

Chiến lược tái cân bằng của ông Obama cũng đang gặp phải thách thức lớn trong lĩnh vực thương mại.

Cho dù Tổng thống Barack Obama quyết tâm đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ nhưng có một thực tế dễ dàng nhận thấy, đó là tâm lý chống tự do hóa thương mại dường như đang gia tăng trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống ở nước này.

Hai ứng cử viên hàng đầu của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là bà Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump đều công khai phản đối TPP.

Điều này khiến cho nhiều đối tác của Mỹ tỏ ra hết sức thận trọng đối với TPP bởi chưa có gì có thể đảm bảo khi nước Mỹ sẽ có Tổng thống mới vào năm 2017.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, Tổng thống Obama vẫn giữ cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được sự thông qua TPP tại Quốc hội và Mỹ cũng đang khuyến khích các đối tác trong TPP thúc đẩy tiến trình phê chuẩn thỏa thuận thương mại điển hình của thế kỷ 21 này.

Tổng thống Obama đã nhiều lần lặp lại quan điểm cho rằng TPP sẽ mở rộng thị trường cho các nhà xuất khẩu Mỹ và các tiểu chuẩn cao về lao động, môi trường vượt xa các thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA mà Mỹ đạt được với Canada và Mexico trước đó.

Theo quan điểm của Nhà Trắng, TPP là chìa khóa trong cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, tâm lý phản đối tự do hóa thương mại gia tăng ở cả hai đảng khiến triển vọng TPP được đưa ra bỏ phiếu và thông qua tại Quốc hội Mỹ càng thêm khó khăn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại