Chính phủ Mỹ 'bịt miệng' dân vì bị tố 'biết trước vụ khủng bố 11.9'?

Mai Hà |

Một công dân Mỹ nói mình bị chính quyền “chụp mũ” tội giết vợ để "bịt miệng", vì đã tố cáo chính phủ Mỹ biết trước vụ khủng bố 11.9 nhưng không hề phản ứng.

Sonnefeld đã cố chứng minh ông là nạn nhân của một vụ “chụp mũ” tội giết vợ, do chính phủ Mỹ và ngành công tố  muốn "bịt miệng" ông, người đưa ra thuyết âm mưu về vụ không tặc Al Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001.

Thuyết âm mưu của ông nói rằng chính phủ Mỹ biết trước vụ khủng bố 11.9 nhưng không phản ứng, tức là đồng lõa với tội ác, được Sonnefeld nêu ra ngay khi bị bắt hồi đầu năm 2002 vì bị nghi giết người vợ đầu tên Nancy hồi đầu Năm mới 2002.

Ngành công tố Denver bác bỏ thuyết âm mưu của Sonnefeld.

Trước năm 2002, Sonnefeld là thợ quay phim của Cục quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) và là một trong 4 nhân viên thu hình FEMA được độc quyền tiếp cận hiện trường tòa tháp đôi World Trade Center (WTC) bị máy bay không tặc đâm sập ở New York ngày 11.9.2001.

Ngoài các ảnh chụp và đoạn video do Sonnefeld thực hiện nhân danh FEMA, ông còn nói có nhiều ảnh và video khác (một số đã được công bố) sẽ là bằng chứng việc chính phủ Mỹ thời Tổng thống George Bush biết trước vụ tấn công 11.9.

Sonnefeld từng viết: “Cuộc tấn công WTC cho họ cái cớ họ muốn tìm” là đánh Iraq.

Sonnenfeld còn tố cáo chính quyền Mỹ xâm nhập vào e-mail của ông và nghe lén các cuộc gọi điện thoại của ông.

chinh phu My, biet truoc vu khung bo 11.9
Sonnefeld với người vợ đầu tên Nancy. 

Tòa án tối cao Argentina ngày 29.12.2014 đã đồng ý dẫn độ Sonnefeld về Mỹ xét xử tội giết vợ.

Sonnenfeld, 50 tuổi, bị nghi giết người vợ thứ nhất Nancy vào Tết dương lịch 1.1.2002. Ông gọi cảnh sát đến nhà mình ở thành phố Denver (Colorado) báo rằng Nancy tự bắn chết, sau khi họ dự tiệc đón năm mới trở về nhà.

Dù xét nghiệm ghi nhận không có thuốc súng trên tay Sonnefeld, cũng không có dấu tay ông trên súng (được tìm thấy gần Nancy trên sàn nhà), ông vẫn bị bắt và bị buộc tội cấp độ một.

Nhưng vụ án này được hủy vì không đủ chứng cứ. Đầu năm 2003, Sonnenfeld du lịch Argentina hai tuần.

Ở đó, ông quen và cưới người vợ hiện tại là Paula, một nữ luật sư nói thạo tiếng Anh, Ý, Bồ Đào Nha. Cặp này có hai cô con gái sinh đôi.

chinh phu My, biet truoc vu khung bo 11.9
Sonnefeld với vợ Paula và 2 con gái.

Khi hai cựu tù từng ở tù chung với Sonnenfeld lên tiếng, rằng ông kể với họ đã giết vợ một cách rất chi tiết, ngành công tố Mỹ mở lại hồ sơ năm 2004.

Ngày 24.8.2004, cảnh sát quốc tế Interpol bắt Sonnenfeld ở Buenos Aires (Argentina) và ông bị giam 7 tháng, trước khi Mỹ yêu cầu dẫn độ ông về Mỹ xét xử.

Suốt từ đó đến nay, Sonnefeld sống ở Argentina, viết một cuốn sách “Kẻ bị săn lùng” bằng tiếng Tây Ban Nha để nêu bật chuyện chính phủ Mỹ muốn "bịt miệng" ông về vụ không tặc 11.9.

Cuốn này đang xuất bản lần thứ hai.

Trả lời e-mail cho báo Bưu điện Denver, Sonnenfeld nói ông công bố chuyện mình để bảo vệ gia đình, sau một âm mưu bắt cóc vợ ông, Paula.

Sonnefeld dù bị buộc tội giết vợ, vẫn được nhiều người Argentina cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế ủng hộ, thậm chí báo “Nhân dân” ở Argentina viết 10 trang để so sánh ông với một nhân vật điện ảnh-tiểu thuyết, là điệp viên James Bond 007.

Sonnenfeld cũng thường xuất hiện với Adolfo Perez Esquivel, người đoạt giải Nobel Hòa bình 1980.

Họ quen nhau khi làm một phim tư liệu cho các nhà báo Pháp. Anh cùng vợ là giám đốc nghệ thuật cho một Nhà vì trẻ con bị HIV/AIDS do ông Esquivel lập.

Ông Esquivel cùng cộng sự đã viết thư gởi Tòa án tối cao Argentina, phản đối việc dẫn độ Sonnefeld về Mỹ.

Trong quá khứ, yêu cầu dẫn độ Sonnefeld của Bộ Tư pháp Mỹ bị bác, vì Tòa án tối cao Argentina yêu cầu chính quyền bang Colorado bảo đảm rằng sẽ không xử tử hình anh nếu như ông có tội giết vợ.

Đây là một ngoại lệ có thể cho phép trong thỏa thuận dẫn độ giữa Mỹ và Argentina.

Cuối cùng, đã có sự đồng ý với yêu cầu của Tòa án tối cao Argentina, dưới dạng một “văn bản viết tay” của Sứ quán Mỹ ở Buenos Aires: Sẽ không áp dụng án tử hình, hoặc nếu có bản án này thì cũng không thi hành án, tức chuyển sang án chung thân và có thể xét ân xá.

Sonnefeld hiện xin chính phủ Argentina cho tỵ nạn chính trị.

Dù ngành tư pháp Argentina đã bật đèn xanh hôm 2.1.2015, còn tùy chính phủ nước này có dẫn độ ông về Mỹ hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại