Chiến lược mà Trung Quốc đầy tâm đắc bị "bóc mẽ"

Hải Võ |

Đó là đánh giá của tạp chí The Diplomat đối với chiến lược để trở thành một nước "có vị thế và sức mạnh" trên thế giới mà Trung Quốc cho là rất toàn diện và hiệu quả.

Chiến lược để thành "một thế lực lớn" của Bắc Kinh

Tạp chí The Diplomat hôm 25/7 đăng tải bài viết tiêu đề "Chiến lược lớn của Trung Quốc 'cao tay' nhưng nhiều khuyết điểm" phân tích những bất ổn trong chính sách ngoại giao toàn cầu và khu vực của Bắc Kinh.

Theo đó, các điểm mấu chốt trong chiến lược của Trung Quốc gồm: Xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực, xây dựng trật tự thế giới mới nhằm tạo dựng môi trường quốc tế tốt cho sự trỗi dậy của nước này.

The Diplomat bình luận, chiến lược của Bắc Kinh nhìn chung là hoàn hảo đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng lại vô cùng bất lợi đối với cục diện an ninh châu Á, khiến Mỹ, đồng minh và các đối tác không thể "khoanh tay đứng nhìn".

Trong "thế giới hoàn mỹ" của Trung Quốc, nước này có thể mặc sức tăng cường sức mạnh quân sự và chính trị, đồng thời hy vọng xây dựng quan hệ với Washington dựa trên cơ sở "các nước lớn không xâm phạm lợi ích cốt lõi của nhau".

Mặt khác, Bắc Kinh muốn thông qua "quyền lực mềm" để lôi kéo thêm đồng minh, đối tác, qua đó hình thành một trật tự thế giới mới có chỗ đứng cho "nhóm Trung Quốc".

Cũng theo lý thuyết, chính sách "phòng ngự chủ động trên biển" và "chống can thiệp" đầy mơ hồ mà Trung Quốc đưa ra trong sách trắng quốc phòng hôm 26/5 có thể giúp nước này chống đỡ các thế lực bên ngoài "đe dọa lợi ích cốt lõi".

Theo The Diplomat, trong môi trường "giả định lý tưởng", chiến lược để "vươn vòi ra toàn cầu" mà Bắc Kinh đề ra là "cao tay và toàn diện". Nhưng trên thực tế, các đối thủ của Trung Quốc không phải khi nào cũng hành động như kịch bản của họ.

 
Hội đồng quan hệ Đối ngoại (CFR), Mỹ
Để chiến lược nhằm vào Trung Quốc có hiệu quả, cần có một chính sách toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Ngân khố và Lầu Năm Góc, cũng như phải có sự điều hành từ cấp cao đối với khối doanh nghiệp tư nhân, để cùng phát triển một biện pháp đáp trả dài hạn cho những thách thức tại châu Á - Thái Bình Dương

Chiến lược của Trung Quốc: Lợi bất cập hại

Nhà nghiên cứu chiến lược Mỹ Edward Luttwak gọi điều này là "nghịch lý chiến lược".

Ông Luttwak chỉ ra, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào tăng cường sức mạnh quân sự sau khi đạt được tăng trưởng về kinh tế.

Nhưng khi quân lực được nâng cao, sự trỗi dậy của Bắc Kinh vô hình trung trở thành mối quan ngại và thúc đẩy một số nước tìm cách kiềm chế nước này cả về kinh tế lẫn chiến lược.

Trong chiến lược của mình, Bắc Kinh tưởng rằng các quốc gia trong khu vực sẽ đứng yên nhìn họ bành trướng về quân sự. (Ảnh minh họa)

Trong chiến lược của mình, Bắc Kinh "tưởng" rằng các quốc gia trong khu vực sẽ đứng yên nhìn họ bành trướng về quân sự. (Ảnh minh họa)

Theo The Diplomat, đối với Trung Quốc, việc theo đuối chiến lược lớn hiện nay chẳng những không đem lại danh vọng và sức hút, mà còn khiến họ tự biến mình thành mối nguy đối với an ninh khu vực.

Sự bành trướng của Trung Quốc đẩy các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc vào tình thế buộc phải tăng mạnh chi phí quốc phòng, đồng thời khiến nhiều nước khác từ châu Á-Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương xích lại gần Mỹ hơn.

Điển hình, truyền thông quốc tế mới đây đánh giá rất tích cực chuyến bay thị sát Biển Đông của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) Scott Swift là thể hiện vai trò cao hơn của Mỹ trong việc hiện diện, gìn giữ hòa bình, tự do hàng hải trong khu vực.

Điều này khiến Trung Quốc tức tối và lập tức trả đũa bằng cách tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật trái phép kéo dài 10 ngày từ 22/7 ở phía đông bắc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn BNG Việt Nam
Lê Hải Bình
Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, ngăn cản đà phát triển quan hệ hai nước, đe doạ an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc thực hiện những hành động có trách nhiệm và dừng ngay những hành động làm căng thẳng, phức tạp trong khu vực

The Diplomat kết luận, nếu Bắc Kinh định thông qua chiến lược "chống can thiệp" để "đuổi" Mỹ khỏi châu Á, phương Tây sẽ đáp trả "cả vốn lẫn lời" bằng cấm vận kinh tế, tài chính, các công nghệ nhạy cảm và thậm chí là cả... nguyên liệu thô.

"Bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào từ Mỹ và đồng minh đều có khả năng đẩy nền kinh tế bất ổn của Trung Quốc vào tình trạng 'đứt gãy', đe dọa nghiêm trọng vị thế của nước này trong khu vực và trên thế giới" - The Diplomat viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại