Đó là nhận định của cựu quan chức tình báo Mỹ G. Murphy Donovan.
Nhà phân tích này đánh giá: "Sự đe dọa từ chiến dịch không kích của Nga tại Syria đối với Thổ Nhĩ Kỳ chẳng phải điều gì bí mật.
Người Nga đã công khai mục tiêu không kích tại Syria là các khu vực sản xuất dầu mỏ do khủng bố kiểm soát ở phía Nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Và dường như họ làm điều đó quá tốt."
Theo ông Donovan, Daesh, hay chính là Nhà nước Hồi giáo (IS), đang bán dầu phi pháp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng về dầu khí cũng như khả năng xuất khẩu dầu lậu ra thị trường nước ngoài của tổ chức khủng bố này đã bị ảnh hưởng trầm trọng bởi chiến dịch quân sự của Nga. Vì Nga, IS thiệt hại khoảng 1.5 triệu USD/ngày.
Một nguyên nhân khác khiến Ankara quan ngại về các cuộc không kích của Nga tại Syria, đó là chủ nghĩa ly khai.
Murphy Donovan cho hay: "Hai nhóm thế lực đang chiến đấu quyết liệt nhất tại Syria hiện nay là IS và người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một thắng lợi của người Kurd trước IS ở Iraq và Syria thì điều này sẽ trở thành "sự bảo đảm hợp pháp" cho Kurdistan.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ và IS chia sẻ lợi ích chung trên cơ sở bất tín và phản trắc."
Kurdistan là vùng đất có người Kurd sinh sống, nằm ở phần giáp nhau của Iraq, Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và chưa từng mang tư cách một quốc gia chính thức.
Từ lâu, Ankara đã bị cáo buộc là ngầm tài trợ cho các nhóm cực đoan cố gắng lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Kế hoạch này, theo cựu quan chức Mỹ, gặp nhiều vướng mắc phức tạp hơn khi Moscow bắt đầu hỗ trợ Damascus chống lại IS, Mặt trận al-Nusra và các tổ chức tương tự.
Thêm vào đó, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria cũng làm lộ ra vấn đề mà G. Murphy Donovan gọi là "bí mật tồi tệ nhất được che giấu ở vùng Lưỡng Hà", chỉ mối liên kết giữa IS và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, Washington dường như chưa quá để tâm đến việc đồng minh của họ và một thành viên NATO có "những người bạn đáng ngờ".
"Cũng giống với việc Thổ Nhĩ Kỳ không kích nhằm vào người Kurd, 'đội Obama' cũng chủ đích phớt lờ trục IS/Ankara," nhà phân tích chỉ ra.
Theo ông, một thực tế "tréo ngoe" là: Mỹ đang ủng hộ lực lượng người Kurd tại Iraq bởi đây là sức mạnh trên bộ duy nhất có đủ khả năng chống lại tổ chức khủng bố IS.
Tuy nhiên, Mỹ và một vài nước khác vẫn "can đảm" cáo buộc Moscow tấn công nhằm vào "phe nổi dậy ôn hòa Syria", bất chấp nhiều nghi ngờ về sự tồn tại của lực lượng như vậy.
Ông Donovan phân tích: "Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói người Nga đang ném bom các nhóm 'ôn hòa' chống Assad, ông đã 'quên' nói rằng những nhóm này cũng chính là các tay buôn vũ khí, buôn người và buôn dầu lậu đã tài trợ cho IS.
Rõ ràng miền Nam của Thổ Nhĩ Kỳ là hang ổ lý tưởng cho việc huấn luyện khủng bố Hồi giáo Sunni, đặt kho vũ khí, nơi trú ẩn và buôn lậu dầu."
Thổ Nhĩ Kỳ mới là "đối thủ" của NATO? (Ảnh: AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ mới là kẻ thù thực sự của NATO?
Cựu quan chức tình báo cho rằng phương Tây đã "mắt nhắm mắt mở" trước việc Ankara thỏa thuận cùng IS, làm dấy lên câu hỏi về mức độ nghiêm túc trong thái độ đối phó với khủng bố của họ.
"Bằng việc lờ đi 'con ngựa gỗ thành Troy' Thổ Nhĩ Kỳ, Washington và Brussels đã đánh đổi sự toàn vẹn của NATO và một cuộc 'xâm lăng nhập cư' vào một đế chế Ottoman mới.
Nếu mục tiêu là phải đánh bại IS thì Nga sẽ là một đồng minh đáng tin cậy trong NATO hơn là Thổ Nhĩ Kỳ," Donovan nhận định.
Trong khi đó, nhà sử học quân sự Victor Davis Hanson thậm chí đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ "là kẻ thù thực sự" của NATO.
"Vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây lúc này là mối quan hệ giữa họ đã 'quá hạn' hàng thập kỷ. Những đồng minh một thời giờ đây chẳng còn là gì đặc biệt," ông Hanson viết trên tờ Townhall của Mỹ.
Theo ông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip "không bỏ qua cơ hội nào để nhấn mạnh vai trò của nước này trong cuộc chiến chống IS", thế nhưng phiến quân khủng bố "lại nhận được cái nháy mắt, gật đầu từ chính quyền biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ" và chia sẻ thái độ thù địch với Nga, Syria hay Iran.
Victor Hanson bình luận: "IS có thể là những kẻ sùng bái cái chết nguyên thủy, nhưng Erdogan rõ ràng tin rằng bọn chúng đôi khi cũng hữu dụng để chiến đấu chống lại kẻ thù chung, tức người Kurd."
Theo nhà sử học người Mỹ, sự kiện Su-24 Nga bị bắn hạ bởi F-16 Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 đã thể hiện tính chất "hai mặt" của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc máy bay Nga xâm nhập không phận, nhưng thực tế "không nước nào trên thế giới" xâm phạm không phận nước khác nhiều như Ankara, và dẫn số liệu từ Hy Lạp tố không phận đã bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm 2.244 lần trong năm 2014.
Bất chấp những suy nghĩ của ông Obama, Ankara không phải là một thành viên NATO "mô phạm". Tổng thống Mỹ từng gọi mối quan hệ với Erdogan là "tình bạn đặc biệt".
Nhưng ông Hanson nêu ra: "Tất cả những gì có thể nói về 'tình bạn điển hình' của Obama chính là do vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, với sức mạnh quân sự của họ và là chủ nhà của nhiều căn cứ của NATO.
Những nhân tố này cho thấy việc duy trì một Thổ Nhĩ Kỳ trung lập thì tốt hơn là thù địch."
Vụ Su-24 sẽ khiến NATO phải "nghĩ lại" về Nga? (Ảnh minh họa: Sputnik)
Vì sao chính lúc này NATO cần đối thoại với Nga?
Sputnik News (Nga) ngày 4/12 đưa tin, Chủ tịch đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) ở bang Brandenberg Alexander Gauland thúc giục Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vun đắp các mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga.
Chính trị gia này cho rằng NATO và Moscow có rất nhiều mục tiêu chung hơn là những ấn tượng "khi mới nhìn thoáng qua".
Ông Gauland cũng gọi chính sách "zíc zắc" của phương Tây nhằm vào Nga là nguy hiểm và rối loạn, đồng thời yêu cầu liên minh này khởi động một cuộc đối thoại xây dựng.
Theo ông này, NATO đang dần nhận ra sự thiếu khôn ngoan khi cố gắng xử lý các cuộc khủng hoảng quốc tế mà thiếu sự tham dự của Nga.
"Không thể lý giải mong muốn nối lại đàm phán NATO-Hội đồng Nga theo một cách nào khác," ông nói.
Đồng thời, Alexander Gauland bày tỏ sự quan ngại trước ý định chấp nhận cho Montenegro gia nhập NATO của ông Stoltenberg và nhấn mạnh liên minh cần thảo luận với Moscow "để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị mới".
NATO mời Montenegro bắt đầu quá trình đàm phán để trở thành thành viên thứ 29 của liên minh vào hôm thứ Tư (2/12) vừa qua.
Bộ ngoại giao Nga phản ứng nói rằng động thái này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nga và có thể dẫn đến tình trạng an ninh bất ổn tại châu Âu.