Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin Nga Tass về khả năng xảy ra biểu tình ở Ukraine khi mức sống ở quốc gia này đang giảm mạnh, ông Ruslan Bortnik, giám đốc Viện Quản lý và Phân tích Chính sách Ukraine thừa nhận:
"Hiện nay, khả năng xảy ra biểu tình còn cao hơn nhiều so với thời kì trước Maidan... Khoảng 10-15% sẵn sàng xuống đường bày tỏ sự phản đối của mình".
Theo ông này, đây là tỉ lệ cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ông Bortnik cũng nhấn mạnh rằng, sở dĩ các cuộc biểu tình chưa diễn ra là bởi chưa có một thủ lĩnh thực thụ. "Không có thủ lĩnh nào có được sự tin tưởng từ những người biểu tình tiềm năng này".
"Bất cứ ai có khả năng trở thành thủ lĩnh của các phong trào biểu tình này đều ngay lập tức chịu các áp lực về hành chính, thông tin và đủ loại khác từ giới chức, và vì thế, không thể đảm nhiệm được vị trí như các thủ lĩnh maidan dưới chế độ Viktor Yanukovych".
Trong khi đó, ông Konstantin Bondarenko, giám đốc Quỹ Chính trị Ukraine thì cho rằng, căng thẳng về mặt xã hội ở Ukraine có thể là nhân tố tạo ra kịch bản giống như ở Haiti.
Cụ thể, theo ông Bondarenko, ở đó, "chính quyền sẽ sử dụng một tầng lớp đặc biệt để đe doạ bất cứ tư tưởng đối lập nào và che đậy các biểu hiện bất mãn trong xã hội".
Tass cho hay, theo số liệu từ tháng 3/2014, giá cả tiêu dùng ở Ukraine đã tăng lên 45,8%, trong khi thu nhập thực tế của người dân lại giảm 6,5%.
Quỹ Bảo hiểm bắt buộc với người thất nghiệp thì cho biết, số người không có công ăn việc làm ổn định ở Ukraine đã lên tới con số gần 5 triệu người.