Châu Âu không hiểu được tầm quan trọng của Ukraine?

Anh Tuấn |

Mới đây, ba cựu quan chức Mỹ từng đảm trách những chức vụ quan trọng trong chính phủ đã nói với các chính trị gia châu Âu rằng họ không nắm bắt được tầm quan trọng của Ukraine, đồng thời họ chưa làm hết sức để hỗ trợ nước này.

Ba người này đã phát biểu như vậy tại thủ đô Kiev (Ukraine), nơi vào tuần qua Victor Pinchuk, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của Ukraine tổ chức diễn đàn Chiến lực Châu Âu Yalta (YES) lần thứ 12, có sự tham gia của những nhân vật tiêu biểu của quá khứ và hiện tại để bàn về tương lai đất nước đang bị xung đột tàn phá.

Từ năm 2014, hội nghị này không còn được tổ chức tại Yalta, nằm tại bán đảo Crimea, do nơi này đã sáp nhập vào Nga.

Việc Crimea trở thành một phần của Nga, hoạt động của quân ly khai ở các vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine, kinh tế đang ngày càng suy giảm, sản xuất công nghiệp mất đi 25% so với trước xung đột và không thể thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài là những chủ đề chính được nói đến trong diễn đàn lần này.


Một binh sĩ Ukraine trở về với vợ và con của mình từ miền Đông.

Một binh sĩ Ukraine trở về với vợ và con của mình từ miền Đông.

Việc Ukraine vẫn chưa giành được quyền kiểm soát ở miền Đông là một trong những lý do Mỹ tỏ ra lo lắng. Các cuộc giao tranh hiện đã dừng lại và một thỏa thuận đình chiến đã được xác lập.

Bản thân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng nói rằng lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, suốt 24 giờ khu vực Donbass không có tiếng súng. Nhưng không ai tin rằng lệnh ngừng bắn này sẽ kéo dài.

Ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ đã khen ngợi “những nỗ lực phi thường” của Ukraine để giúp cải thiện tình hình tài chính và yêu cầu các nước châu Âu phải nhìn nhận điều này.

“Ukraine có tầm quan trọng chiến lược đối với Liên minh Châu Âu (EU), nhưng EU vẫn chưa thực hiện được một nửa những gì họ đã hứa vào 2 năm trước. Đây không phải là từ thiện, mà là đầu tư an ninh.

Không một khoản đầu tư nào có thể mang lại nhiều lợi ích hơn việc cung cấp cho Ukraine 5 đến 10 tỉ USD mỗi năm để cải tổ nền kinh tế”, ông Summers nói.

Ông Strobe Talbot, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và là người đứng đầu Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) cho biết ông tin rằng với Nga, “lệnh ngừng bắn không phải là nỗ lực để lập lại hòa bình, mà là để khiến phương Tây mất cảnh giác”.

Hiện tại Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel, những người đã lập ra hiệp ước ngừng bắn ở Ukraine là những người mong muốn cấm vận đối với Nga được dỡ bỏ khi lệnh ngừng bắn mới nhất có hiệu lực.

Trong khi đó, Tướng Stanley McChrystal, cựu tư lệnh Quân đội Mỹ tại Afghanistan nghi ngờ rằng NATO chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Ông nói rằng khối quân sự “phải sẵn sàng làm được những gì họ đã hứa”.

Khi được hỏi rằng liệu châu Âu đã làm hết sức mình, ông nói: “Không, Châu Âu vẫn chưa làm đến cùng. Họ cần phải làm nhiều hơn thế”.

Nhiều quan chức châu Âu cũng có cùng ý kiến. Cựu Ngoại trưởng Radek Sikorski của Ba Lan và Carl Bildt của Thụy Điển, những người đã kêu gọi EU cùng Ukraine hợp tác kinh tế, một trong những lý do tình hình hiện tại xảy ra.

Ông Bildt nói: “EU vừa mới trao 86 tỉ euro cho Hy Lạp, và chúng ta cũng phải hỗ trợ Ukraine như vậy. Nếu làm được, đây sẽ là một thành tựu lớn”.

Sikorski nhận định: “EU dường như không tha thiết thực hiện những chiến lược của mình ở phía Đông.

Chúng ta phải có những biện pháp mạnh để tuyên bố với Tổng thống Putin rằng ông ta sẽ không thể chiến thắng, và nếu còn tiếp tục xâm phạm Ukraine, chúng tôi sẽ gửi vũ khí đến”.

Nhưng cả hai ông đều không còn nắm chức vụ trước đây nữa.


Kể từ ngày 1/9 đến nay, vùng Donbass không có tiếng súng.

Kể từ ngày 1/9 đến nay, vùng Donbass không có tiếng súng.

Trong khi đó, Châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng dân di cư, kinh tế vẫn còn tồn đọng khó khăn, do đó họ muốn chấm dứt lệnh cấm vận với Nga vốn ảnh hưởng lớn đối với xuất khẩu và đóng băng quan hệ ngoại giao.

Tại Pháp, Tổng thống Hollande đang chịu sức ép lớn từ các doanh nghiệp khi họ yêu cầu mở cửa cho phép trở lại thị trường Nga, và cùng với Thủ tướng Merkel kêu gọi một cuộc họp với ông Putin và ông Poroshenko tại Paris.

Trước sự ủng hộ ngày càng giảm bớt của phương Tây, nhiều hãng thông tấn Ukraine đã tỏ ra bất bình. Tuy nhiên chính phủ Kiev hiện nay yếu hơn năm ngoái. Một trong số các đảng trong chính phủ liên hiệp đã rút lui.

Ông Poroshenko đưa cựu Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili làm tỉnh trưởng Odessa và tháng trước ông này công kích Thủ tướng Arseny Yatsenyuk rằng ông đang thiên vị một số tài phiệt lớn, cản trở truy quét chống tham nhũng và không cho phép ông Saakashvili chấn chỉnh lại hệ thống hải quan tham ô của cảng Odessa.

Bản thân Tổng thống Poroshenko cũng ngầm có ý thay thể đưa ông Saakashvili lên làm thủ tướng.

Có thể thấy rằng, châu Âu không hiểu được tầm quan trọng chiến lược của Ukraine và không hỗ trợ đầy đủ để giúp Ukraine giữ toàn vẹn lãnh thổ và bắt đầu phát triển kinh tế lâu dài.

Nhiều người cho rằng, trong lúc Ukraine đang yếu ớt, châu Âu lại không thể hiện quyết tâm của mình trước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại