1. Nhóm bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Ebola
Trong năm 2014, đại dịch Ebola đã bùng phát với tốc độ và phạm vi lớn nhất trong lịch sử, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đã không quản ngại khó khăn và nguy hiểm để tình nguyện tới vùng đất châu Phi nghèo khó, thiếu thốn trang thiết bị y tế cứu chữa cho bệnh nhân.
Đây cũng chính là lý do mà tạp chí Times đã bình chọn họ là nhân vật số 1 của năm 2014.
"Họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến không có tiếng súng mà chỉ có những trái tim anh hùng sẵn sàng hi sinh để cứu mạng người khác", Tổng biên tập tạp chí Times, Nancy Gibbs nói.
Trong nhiều thập kỷ, Ebola đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều làng quê châu Phi như một con quái vật mà cứ vài năm lại trỗi dậy cướp đi sinh mạng của những người dân vô tội và sau đó lại biến mất.
Điều đáng nói là rất nhiều bệnh nhân và bác sĩ đã trở nên tuyệt vọng vì chưa tìm ra phương thuốc chữa trị.
Chính khả năng di chuyển dễ dàng của con người đã khiến mầm bệnh lây lan một cách nhanh chóng giữa các quốc gia và thậm chí giữa các châu lục.
Khởi đầu từ những khu ổ chuột đông đúc ở Liberia, Guinea và Sierra Leone, Ebola đã lây lan sang Nigeria và Mali, thậm chí Tây Ban Nha, Đức và Mỹ.
Bất cứ ai điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola cũng đều phải đối mặt với rủi ro trở thành nạn nhân của chính đại dịch này.
Điển hình như bác sĩ người Mỹ Kent Brantly (33 tuổi), cũng từng là nạn nhân của căn bệnh Ebola khi điều trị cho các bệnh nhân tại Liberia nhưng may mắn thoát chết thần kỳ.
“Tôi đã từng nắm chặt bàn tay của bệnh nhân, đã tận mắt chứng kiến nỗi sợ hãi tột cùng của họ khi virus Ebola dần chiếm đoạt sinh mạng của người bệnh”, ông Brantly nói.
Dù được giới truyền thông mô tả như một người hùng nhưng Kent Brantly nói rằng ông chỉ làm công việc bình thường như bất kỳ bác sĩ nào.
2. Người biểu tình ở Ferguson
Phán quyết của tòa án Mỹ không truy tố sỹ quan cảnh sát Darren Wilson, người bắn chết Michael Brown (18 tuổi) hồi tháng Tám đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt về mối quan hệ sắc tộc và hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ như tại New York và thủ đô Washington DC.
Ferguson - một thành phố có đại bộ phận dân chúng là người da màu nhưng thị trưởng và hầu hết hội đồng thành phố là người da trắng - đã trải qua nhiều đêm bạo động sau phán quyết trên của tòa án, với nhiều cơ sở kinh doanh đã bị thiêu trụi.
Ngay sau khi Michael Brown bị viên cảnh sát da trắng bắn chết, ông Obama đã tỏ ra thận trọng trong các phát ngôn về vụ việc này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng yêu cầu người biểu tình ở Ferguson và các nơi khác kiềm chế để tránh xảy bạo lực, yêu cầu giới chức tạo thuận lợi cho biểu tình ôn hòa.
Chính quyền bang Missouri đã phải đề nghị chính phủ huy động thêm hàng ngàn nhân viên thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia đến hỗ trợ ngăn biểu tình lan rộng.
3. Tổng thống Nga Vladimir Putin
Danh hiệu "Nhân vật của năm" được tạp chí Mỹ trao tặng thường niên kể từ năm 1927.
Trước đó, các độc giả của Time đã bỏ phiếu chọn ra "Nhân vật của năm".
Kết quả, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vừa nhậm chức không lâu, chiến thắng hạng mục này nhờ số lượng người ủng hộ lớn trong nước. Ông Modi thu hút hơn 16% trong gần 5 triệu phiếu từ độc giả.
Người biểu tình ở Ferguson xếp vị trí thứ hai, trong khi thủ lĩnh sinh viên của cuộc biểu tình ở Hong Kong Joshua Wong đứng thứ ba.
Tuy nhiên, kết quả chung cuộc, ban biên tập của Tạp chí Time đã bình chọn Tổng thống Putin đứng ở vị trí số 3.
Năm 2014 được xem là một năm đầy biến động với không chỉ với thế giới mà cả với nước Nga.
Đặc biệt, sự kiện ông Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi tháng Ba.
Đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Nga lần đầu tiên kể từ sau khi Liên Xô cũ tan rã.
Tỷ lệ ủng hộ ông Putin trong nước cũng tăng chóng mặt và lên tới đỉnh điểm 88% hồi tháng 10 năm nay.
Trước đó, những sự kiện ông Putin phản đối phương Tây và điều động xe tăng tới quốc gia láng giềng Georgia vào năm 2008, hay nền kinh tế Nga tăng trưởng ở mức trung bình 7%/năm từ năm 2000 – 2008 cũng như sự kiện Thế vận hội Olympic Sochi đầu năm nay, cũng không thể giúp nhà lãnh đạo Nga giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía người dân trong nước như sau sự kiện sáp nhập Crimea.
Mặc dù, việc sáp nhập bán đảo Crimea sẽ khiến Nga tiêu tốn hơn 18 tỷ USD trong 6 năm tới nhưng người dân Nga vẫn cứ "tôn sùng" nhà lãnh đạo của mình.
4. Thủ lĩnh người Kurd, Massoud Barzani
Cuộc chiến chống lại nhóm "Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS" đang ở trong giai đoạn vô cùng ác liệt với sự tham gia của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Dù đã tổ chức hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu trú ẩn của giới lãnh đạo và các tay súng IS, Ngoại trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry vẫn phải thừa nhận cuộc chiến chống lại IS là vô cùng khó khăn và phải kéo dài thêm "3 năm nữa".
Một trong những nhân vật nổi bật trong cuộc chiến chống lại IS chính là lãnh đạo cộng đồng người Kurd tại Iraq, ông Massoud Barzani.
Ông Barzani từng tuyên bố về việc Iran cung cấp vũ khí và đạn dược để hỗ trợ lực lượng người Kurd chống lại phiến quân IS tại miền bắc Iraq.
Thủ lĩnh người Kurd Barzani cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ vũ khí nhằm tăng cường năng lực chiến đấu chống lại IS, lực lượng vốn kiểm soát tới 1/3 lãnh thổ Iraq và đe dọa tấn công khu tự trị của người Kurd ở miền bắc.
5. Nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma
Theo tạp chí Bloomberg, Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba đã chính thức trở thành người giàu nhất tại Trung Quốc.
Giá trị tài sản ròng của Jack Ma nay đã lên đến 21.9 tỷ USD.
Ngoài ra, Jack Ma cũng đang giữ vị trí thứ 29 trong danh sách 500 người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Theo dự đoán của Bloomberg, nhờ nắm giữ 8,8% số cổ phiếu của Alibaba, tương đương với số tiền 11,3 tỉ USD, Jack Ma sẽ còn tiến xa hơn trong danh sách top những người giàu nhất thế giới này.
Jack Ma thoáng nhìn trông có vẻ điềm đạm như một nhà giáo, nhưng nhà sáng lập Alibaba Group (49 tuổi) này lại rất dễ nổi nóng.
Đó cũng là nhân tố giúp Jack Ma, từ một giáo viên dạy tiếng Anh với bằng cấp không có gì nổi trội, trở thành ông chủ của một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Hiện nay, các trang web của Alibaba đã chiếm tới 60% tổng số hàng hóa được giao nhận tại Trung Quốc.
Hai trong số các trang web đó vào năm ngoái đã nắm giữ lượng giao dịch toàn cầu còn nhiều hơn cả eBay và Amazon cộng lại.
Phân nửa các thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc đều thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba.