Căng thẳng Ukraine: "Obama, đừng nghe McCain xúi dại!"

Bảo An |

(Soha.vn)- Theo Daily Beast, 2 trong số 3 giải pháp Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đề xuất để đối phó với Nga ở Ukraine đều nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, Mỹ có thể gặp rắc rối hơn.

Trong bài viết trên tờ Daily Beast, nhà phê bình Michael Tomasky viết: “Tôi không chắc chắn những gì chúng ta (Mỹ) nên làm đối với sự can thiệp của Nga vào Ukraine. Nhưng tôi biết chắc chắn những gì chúng ta không nên làm. Washington, xin đừng nghe theo John McCain!”.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Thượng nghị sĩ McCain đã đưa ra 3 cách đối phó nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraine: thắt chặt cấm vận Nga và các quan chức cấp cao của nước này, thúc đẩy quá trình Gruzia gia nhập khối NATO, mở rộng và đẩy mạnh xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Ông Tomasky đánh giá cao McCain khi không đưa ra giải pháp sử dụng quân sự, nhưng cho rằng, những lời khuyên của vị thượng nghị sĩ này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng và có thể gây ra một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới.

Theo ông Tomasky, giải pháp đầu tiên của McCain là hợp lý. Thế giới cần phải làm điều gì đó và cấm vận chính là một biện pháp. Nếu chúng ta không thể ngăn chặn Tổng thống Nga Putin khỏi những cuộc can thiệp quân sự kiểu này, thì chí ít, điều mà Mỹ có thể làm là gây tổn hại tới nền kinh tế Nga và hạn chế các quan chức cấp cao trong chính quyền Moscow xuất ngoại.

Nhưng việc Gruzia gia nhập NATO và hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu thì sao? Thượng nghị sĩ McCain và các chính trị gia "diều hâu" khác mong muốn điều này từ nhiều năm nay. Việc kêu gọi để Gruzia gia nhập NATO bắt đầu từ giữa những năm 2000, khi Tổng thống Gruzia khi đó là Mikheil Saakashvili coi nó là ưu tiên hàng đầu. Ông Tomasky cho rằng đó là một ý tưởng tồi tệ - Mở rộng một liên quân sự tới tận cửa của một quốc gia nhất định có thể bị coi là hành động khiêu khích, và còn tồi tệ hơn khi đó là một quốc gia sở hữu 8.500 vũ khí hạt nhân.

Ông Tomasky nhắc nhở về điều 5 trong quy định của NATO: Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào quốc gia thành viên NATO sẽ được coi là nhằm vào cả liên minh. Hãy nhớ lại trường hợp cuộc xung đột Nga - Gruzia năm 2008 tại Ossetia.

Rõ ràng là trong cuộc xung đột này, Gruzia đã hành động trước, song cái cớ khiến Gruzia phải hành động như vậy lại rất dễ để tạo ra, dù là theo một cách vô lý. Nếu khi đó, Gruzia đã là thành viên của NATO, Mỹ và các quốc gia NATO có lẽ đã bị buộc phải bước vào một cuộc chiến với Nga? Theo ông Tomasky, đây không phải là câu hỏi đã lỗi thời, nó vẫn đáng phải ghi nhớ cho tới giờ.

Còn đối với hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ đã lên kế hoạch lắp đặt các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Ba Lan vào năm 2018. Ông Tomasky cho rằng, đó đã là một sai lầm. Nhưng ít nhất thì Tổng thống Obama đã điều chỉnh lại nó, so với những gì mà chính quyền của Tổng thống Bush đã cam kết với Ba Lan.

Cụ thể, ông Bush đã cam kết xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, còn chính phủ của ông Obama đã điểu chỉnh lại rằng họ sẽ chỉ xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung. Vì thế, McCain và những người ủng hộ kế hoạch của ông Bush sẽ phải chịu nhiều sức ép nếu quay lại với kế hoạch của ông Bush và phải cố gắng đẩy nhanh kế hoạch trước năm 2018.

Ông Tomasky viết: "Chúng ta phải bày tỏ quan điểm không tán thành và chúng ta nên áp dụng các biện pháp cấm vận. Ngoài ra thì chúng ta không thể làm gì nhiều hơn, và cũng không nên làm gì nhiều hơn thế".

Timothy Snyder, một chuyên gia hàng đầu về khu vực châu Âu đã viết trên tờ The New Republic rằng Liên minh châu Âu EU nên có một loạt các động thái nhằm nỗ lực loại bỏ giới thượng lưu Nga khỏi các ngân hàng, thành phố, trường tư và các khu vui chơi ở châu Âu.

Theo đánh giá của ông Tomasky, điều này có thể gây chú ý tới những người ủng hộ Putin, những người có thể có ảnh hưởng tới động thái của ông này.

Đối với McCain và quan điểm Chiến tranh lạnh của ông ta: McCain muốn nước Mỹ làm những việc ông ta muốn để Washington duy trì được vị trí bá chủ duy nhất trên thế giới. John McCain đã trải qua thời kỳ thế giới hai cực và sau đó chuyển thành đơn cực sau năm 1991. Thượng nghị sĩ McCain nghĩ rằng thế giới hai cực là một sự rủi ro kỳ quái của lịch sử, còn thế giới đơn cực mới là đích đến của mọi thứ.

Ông Tomasky nhận định, kỷ nguyên đơn cực với sự thống trị của Mỹ đang ngày càng là một sản phẩm của những thế lực lịch sử đặc biệt và những thế lực đó đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta đang trở lại thế giới đa cực, ở đó sẽ có các cường quốc khác kém hơn hoặc mạnh hơn Mỹ.

"Thay vì chống lại, chúng ta nên chào đón xu thế này. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa biệt lập tự do, nhưng chắc chắn cũng không theo chủ nghĩa hòa bình. Mặc dù vậy không thể định lượng – cũng như việc không thể đếm được bao nhiêu hạt mưa không rơi - nhưng tôi nghĩ chắc chắn là sự hiện diện quân sự toàn cầu của chúng ta không thể ngăn chặn được nhiều vấn đề hơn so với số lượng mà chúng tạo ra. Chúng ta nên chia sẻ gánh nặng với những quốc gia khác và các tổ chức đa phương".

"Đối với phần lớn mọi người, việc tái lập thế giới hai cực với xung đột Mỹ-Nga là lựa chọn cuối cùng trong danh sách mà thế giới phải làm. Chúng ta không phải thích Putin hay những gì ông ấy làm, nhưng đừng ngụy tạo rằng người kiểm soát Crimea là vấn đề quan trọng nhất toàn cầu và cũng đừng để Putin làm chủ cuộc chơi. Obama không nên giúp đỡ ông ta, cũng không nên khiến mình sợ hãi... bằng cách nói những gì không nên nói".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại