Canada dường như sẽ đặt các lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Nga lên trên các lợi ích kinh tế của những “kẻ ngoài cuộc”, trong đó có Mỹ.
Trong vấn đề Ukraine, Canada vẫn luôn là quốc gia hay chỉ trích Nga mạnh mẽ. Tuy nhiên, những hy vọng về việc Canada sẽ thay đổi quan điểm này sau khi có Thủ tướng mới đã trở thành hiện thực.
Sau khi lên nắm quyền Thủ tướng, ông Justin Trudeau đã đưa ra tuyên bố về việc muốn cải thiện mối quan hệ đã bị mất đi với Nga.
Tất cả, ngoại trừ Canada
Ngoại trưởng Canada Stefan Dion cho rằng điều cần thiết là phải khôi phục các cuộc đối thoại với Moscow về vấn đề Ukraine và các vấn đề quốc tế nóng bỏng khác.
“Chúng ta cần đối thoại để có thể tin tưởng rằng người Nga hiểu được các lợi ích của chúng ta”- ông Stefan Dion tuyên bố trong bài trả lời các phóng viên ngày 27/1 vừa qua.
Ông Dion cũng đưa ra giải thích rằng Canada sẽ không ngừng trợ giúp cho Ukraine nhưng Canada muốn “làm việc với Nga về vấn đề này”.
“Nếu như làm rõ được rằng chúng ta có các lợi ích chung thì chúng ta cần phải áp dụng các bước đi thận trọng để giải quyết những bất đồng hiện nay”- Stefan Dion bổ sung.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Canada, việc thiếu đi các cuộc tiếp xúc về vấn đề này khiến các bên sẽ không thể thúc đẩy giải quyết khủng hoảng và điều đó không thể coi là sự trợ giúp cho Ukraine.
Stefan Dion cũng gợi nhớ lại rằng Canada và Nga vẫn tiến hành các cuộc đối thoại ngay cả trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”. “Còn hiện nay, vì chính sách của các chính phủ bên ngoài mà giữa hai nước hầu như không có tiếp xúc.
Điều đó có thể trợ giúp cho Ukraine được ư? Làm sao mà điều đó có thể thúc đẩy được các lợi ích của chúng ta ở Bắc Cực?
Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác vẫn đang thúc đẩy các cuộc đối thoại với Nga. Tất cả đều đang làm thế, ngoại trừ Canada”- ông Stefan Dion cảnh tỉnh.
Giai đoạn của các khả năng bị đánh mất
Những tuyên bố của ông Stefan Dion có thể coi là những lời “đáp lễ” của Canada đối với những tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi đưa ra đánh giá về mối quan hệ giữa Nga với Canada.
Trong cuộc họp báo ngày 26/1 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng những năm gần đây có thể coi là “giai đoạn của các khả năng bị đánh mất”.
“Chính phủ tiền nhiệm ở Canada đột nhiên lại theo đuổi quan điểm chống Nga quyết liệt, đã hủy bỏ các mối quan hệ song phương, áp dụng các lệnh cấm vận chống lại các quan chức và các tổ chức của Nga, ngừng thực hiện hợp tác trong khuôn khổ ủy ban liên chính phủ về các vấn đề kinh tế - thương mại”- Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc lại.
Theo Ngoại trưởng Nga, Canada là quốc gia có ảnh hưởng và được tôn trọng trên trường quốc tế. Quan hệ Nga - Canada ghi nhận có những lúc thăng, có những lúc trầm.
Giai đoạn đi xuống của mối quan hệ song phương Nga - Canada là khi Canada do Thủ tướng Steven Harper cầm quyền.
“Chính phủ của Thủ tướng Steven Harper hoàn toàn không có bất cứ suy nghĩ và hành động thực dụng nào khi thực hiện các chính sách cực đoan khi tuân thủ một cách mù quáng yêu cầu của cộng đồng người Ukraine tại Canada, như vậy là coi thường chính các lợi ích quốc gia của mình”- Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga cũng lên tiếng khẳng định rằng quan hệ giữa Nga với Canada là mối quan hệ “rất thân thiện và đã có từ lâu”. Giữa Nga và Canada có các nhiệm vụ chung, các lợi ích chung trong việc khai khẩn Bắc Cực và hợp tác trong vùng Bắc bán cầu nói chung.
Hai bên cũng có những kinh nghiệm hợp tác thực tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và một loạt lĩnh vực khác.
Được biết, các cuộc bầu cử Thủ tướng Canada đã được tổ chức trong tháng 10/2015 và người chiến thắng là ông Justin Trudeau, thay thế cho cựu Thủ tướng Steven Harper, người luôn theo đuổi quan điểm chống Nga mạnh mẽ.
Harper giữ cương vị Thủ tướng Canada trong vòng 9 năm nhưng để lại nhiều dấu ấn nhất là trong những năm cuối trên cương vị Thủ tướng. Nhờ những “dấu ấn” của Steven Harper mà Canada luôn thực hiện quan điểm chống Nga mạnh mẽ trong vấn đề Ukraine.
Đây cũng là giai đoạn ngừng thực hiện tất cả các cuộc tiếp xúc song phương giữa giới chức quân sự Nga và Canada ở Bắc Cực.
Trong khi đó, Justin Trudeau không theo đuổi trường phái cứng rắn và khẳng định rằng sẽ dồn các nỗ lực nhằm phôi phục nền kinh tế Canada. Trudeau là dòng họ khá nổi tiếng ở Canada nhờ người cha của Dino là Pera Trudeau.
Khi nắm giữ cương vị Thủ tướng Canada, ông Pera Trudeau đã rất nỗ lực phát triển mối quan hệ của Canada với Nga và đã đạt được nhiều thành công không nhỏ.
Justin Trudeau không đề cập đến mối quan hệ đặc biệt với cộng đồng người Ukraine đang sinh sống ở Canada nhưng mọi người đều biết rằng trong thành phần chính phủ của Justin Trudeau có hai đại diện của cộng đồng này gồm Hrystia Friliand và Mari Enn Mygichuk.
Đây là cộng đồng Ukraine lớn thứ hai trên thế giới. Cộng đồng Ukraine lớn nhất trên thế giới đang sinh sống ở Nga.
Kinh tế là trên hết
Theo chuyên gia phân tích Vladimir Vasilev thuộc Viện nghiên cứu Mỹ&Canada, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, những tuyên bố của Ngoại trưởng Canada đã phản ánh rõ nét thành phần thực chất trong Chính phủ mới của Canada.
“Điều đó liên quan đến các cuộc bầu cử Quốc hội. Những người theo trường phái bảo thủ đã rời khỏi Chính phủ và thay vào đó là những người theo trường phái tự do. Chính quyền mới ở Canada đang tìm kiếm những điểm tương đồng với Moscow”- Vladimir Vasilev nhận định.
Theo Vladimir Vasilev, bước đi này của Canada có liên quan đến những tuyên bố mới đây của phía Mỹ. Cụ thể, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng những lệnh trừng phạt kinh tế không còn hiệu lực.
“Canada là nước đầu tiên thực hiện bước đi này. Dưới thời chính phủ bảo thủ, Canada thường “phục vụ” chính sách đối ngoại Mỹ. Chính phủ hiện nay đang cố gắng chứng minh rằng họ khác chính phủ cũ không chỉ ở việc thực hiện chính sách đối nội mà cả chính sách đối ngoại.
Do đó, những tuyên bố có tính chất tương tự (về việc củng cố mối quan hệ với Nga) sẽ tiếp tục được đưa ra thời gian tới”- Vladimir Vasilev đánh giá.
Vladimir Vasilev cho rằng hiện người Canada đang ngày càng lo lắng về tình trạng kinh tế của đất nước. Trong các lệnh cấm vận trước đó được Canada thực hiện có các lệnh cấm vận đối với các công ty dầu khí của Nga đang tiến hành khai thác ở Bắc Cực.
Trong khi đó, Canada là quốc gia quan tâm hơn Mỹ trong vấn đề khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực nên cần phải hợp tác với Nga nhằm đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ ở hướng này.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cộng đồng người Ukraine ở Canada lên việc ban hành các chính sách ở Canada là khá lớn.
Do đó, việc Ngoại trưởng Canada đề xuất trao đổi các vấn đề Ukraine đã cho thấy Canada thực sự quan tâm đến hợp tác với Nga để phát triển kinh tế.
Vì kinh tế, Canada có thể sẽ phớt lờ Mỹ để thúc đẩy quan hệ với Nga.