“Sáng kiến” thứ nhất là “cam kết thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) một cách toàn diện, hiệu quả và đầy đủ...”. “
Sáng kiến” thứ nhì là “các nước bên ngoài khu vực cam kết hậu thuẫn các nỗ lực nêu trên của các nước trong khu vực, và không tiến hành các hành động có thể gây căng thẳng và phức tạp trong khu vực”.
“Sáng kiến” thứ ba là “các nước cam kết thực thi và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên biển Nam Hải đúng với luật pháp quốc tế”.
Nếu so “ba sáng kiến” trên của ông Vương Nghị với DOC sẽ thấy, nếu hiểu đúng DOC, phải như sau:
1. Để thực hiện “sáng kiến” thứ nhất, sẽ phải thực thi điều 5 của DOC là “tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và xử lý những khác biệt một cách xây dựng”.
Tức sẽ không thể nào và không bao giờ đưa giàn khoan lấn vào vùng đặc quyền kinh tế nước khác, đưa tàu chiến và tàu cá tới lấn chiếm các bãi đá và ngư trường, càng không bồi đắp, xây dựng căn cứ, tiền đồn, đưa người đến đồn trú trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác... như hiện đang thấy trên các bãi Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập... mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Cũng trong vế sau của “sáng kiến” thứ nhất, ông Vương Nghị mới chỉ đề xuất “tăng tốc tham vấn về việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, tức vẫn giậm chân tại chỗ ở bước “tham vấn”!
Trong khi đó, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, trong thông cáo chung lần này, lại đi xa hơn: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập một COC... để tiến tới giai đoạn tiếp theo của cuộc tham vấn và đàm phán”.
Từ “tham vấn” đến “đàm phán” khác nhau như thế nào mọi người đều hiểu rõ, cả ông Vương Nghị nữa, nên ông vẫn chỉ “tăng tốc tham vấn”!
2. Ngay cả “sáng kiến” thứ nhì của ông Vương Nghị (“các nước bên ngoài khu vực cam kết hậu thuẫn các nỗ lực trên”), thì điều 9 của DOC cũng đã ghi rõ: “Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc nằm trong tuyên bố này”.
Cho đến nay, chưa một nước “bên ngoài” nào không tôn trọng các nguyên tắc của DOC, trái lại đã và đang vun vào, tỉ như đề xuất dừng cải tạo, dừng xây dựng và dừng các hành động gây hấn có thể làm tăng căng thẳng.
3. Nếu thực thi đúng “sáng kiến” thứ ba của ông Vương Nghị, thì Trung Quốc sẽ không bao giờ tùy ý “xét giấy” máy bay hay chặn mũi tàu bè các nước trên Biển Đông ngay trong hải phận quốc tế, đúng với đề xuất của ông này là “cam kết thực thi và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không”.
Năm 2002, ông Vương Nghị trong tư cách thứ trưởng ngoại giao đã ký DOC, nên nay ông hiểu DOC hơn ai hết.
Thế tại sao ông lại lách DOC? Chẳng qua Trung Quốc lúc đó chưa giở cái “đường chín đoạn” ra “làm luật” như sau này, và chưa hùng hổ như bây giờ!