Bush chìm nghỉm, Trump mất hút, một thế lực mới xuất hiện

Đức Huy |

Cuộc tranh luận thứ ba giữa các ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa đã diễn ra tối 28/10 vừa qua (giờ Mỹ) trên kênh truyền hình CNBC, với những chuyển biến đáng kể.

Sẽ không có một Bush thứ ba tại Nhà Trắng?

Lần thứ ba liên tiếp tại một cuộc tranh luận trên truyền hình, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush tỏ ra yếu thế trước các đối thủ trong đảng Cộng hòa.

Trong hơn 2 giờ đồng hồ đấu khẩu, Jeb Bush chỉ được nói vỏn vẹn 6 phút 39 giây, theo số liệu thống kê trên trang RealClearPolitics, thấp thứ hai trong 10 ứng viên tham gia tranh luận. Và trong khoảng thời gian được làm tâm điểm, ông cũng không để lại ấn tượng gì đáng kể.

Có lẽ tranh luận không phải thế mạnh của em trai cựu Tổng thống George W. Bush, nhưng việc ba lần liên tiếp không để lại bất kì một dấu ấn nào trước hàng chục triệu người dân Mỹ xem truyền hình, phải chăng sân chơi này có phần "quá sức" đối với ông?

Theo tạp chí Politico, Jeb Bush là ứng viên nhận được nhiều hỗ trợ tài chính nhất từ các nhà tài trợ đảng Cộng hòa. Nhưng với màn trình diễn nghèo nàn của cựu Thống đốc bang Florida, giới phân tích dự đoán những khoản tiền này sẽ sớm được chuyển tới tài khoản của một ứng viên khác.

"Dòng chữ 'cựu ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa" có lẽ sẽ sớm xuất hiện bên cạnh cái tên Jeb Bush" - cây viết chính trị kì cựu Erick Erikson nhận xét đầy mỉa mai.

Donald Trump "hiền" hơn mọi khi

Lần đầu tiên kể từ khi nổi lên trở thành tâm điểm của chính trường Mỹ hồi đầu mùa hè năm nay, Donald Trump bất ngờ chuyển sang đóng vai phụ, nếu không muốn nói đã bị "cho ra rìa" hoàn toàn, trong cuộc tranh luận lần này.

Ngay từ câu hỏi đầu tiên dành cho mình, ông Trump đã bị rơi vào thế bị động, khi tỉ phú bất động sản Mỹ không thể đưa ra một lời giải thích rành mạch cho những đề xuất "như trong truyện tranh" của mình, theo lời người điều hành tranh luận của đài CNBC.

Sau khi chiếm lĩnh sân khấu ở hai cuộc tranh luận trước đó, lần này ông Trump chỉ đứng thứ 4 về thời gian được nói. Tỉ phú bất động sản Mỹ cũng không công kích các đối thủ của mình nhiều như trước, qua đó để mất "bản sắc" của mình trên sóng truyền hình CNBC.

Một khoảnh khắc Donald Trump hiếm hoi của Donald Trump trong cuộc tranh luận. Ảnh: Getty
Một khoảnh khắc "Donald Trump" hiếm hoi của Donald Trump trong cuộc tranh luận. Ảnh: Getty

Một số nhà phân tích nhận định, không loại trừ khả năng ông Trump cố ý nhường sân khấu để tạo một hình ảnh điềm đạm hơn, qua đó phần nào thoát khỏi cái mác chỉ biết "đao to búa lớn" trên truyền hình.

Nhưng khách quan mà nói, làm như vậy không đúng với tính cách của tỉ phú bất động sản Mỹ chút nào. Nhiều khả năng chuyển biến này cho thấy các ứng viên khác đã nhận ra rằng, tốt hơn hết là không tranh cãi với Trump, vì làm vậy cũng chỉ có lợi cho ông mà thôi.

"[Donald Trump] không còn là một hiện tượng thú vị trong chiến dịch tranh cử này" - nhà tư vấn chính trị Bruce Haynes nhận định.

Nhân tố mới xuất hiện

Nói là "nhân tố mới" thực ra cũng không hẳn, vì Marco Rubio từ lâu đã được đánh giá là một ứng viên "có số má" trong hàng ngũ đảng Cộng hòa. Nhưng phải đến cuộc tranh luận lần này, Thượng nghị sĩ bang Florida mới bắt đầu "tỏa sáng".

Khi bị Jeb Bush công kích về việc nhiều lần "trốn việc" không xuất hiện tại Thượng viện Mỹ, ông Rubio cho thấy mình đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, và lập tức phản pháo:

"Có lẽ ai đó đã thuyết phục ông (Bush) rằng công kích tôi sẽ có ích cho ông, nhưng sự thật là tôi không cạnh tranh với Jeb Bush hay bất kì ai trên sân khấu hôm nay. Tôi đứng ra tranh cử vì không đời nào tôi để Hillary Clinton trở thành Tổng thống".


Ông Rubio (giữa) đáp trả lời công kích của ông Bush (trái). Ảnh: Getty

Ông Rubio (giữa) đáp trả lời công kích của ông Bush (trái). Ảnh: Getty

Lời đáp trả của ông Rubio đã nhân được những tiếng "oooh, ahhh" tán thưởng từ phía khán giả. Nhưng đây chưa phải là điểm sáng lớn nhất của Thượng nghị sĩ bang Florida trong cuộc tranh luận.

"Phía đảng Dân chủ có một 'siêu ủy ban tranh cử", đó chính là truyền thông" - ông Rubio phát biểu, ý muốn nhắc tới sự bênh vực báo chí Mỹ giành cho bà Hillary Clinton trong phiên điều trần về vụ Benghazi tuần trước.

Màn công kích của ông Rubio nhắm vào truyền thông Mỹ đã thu hút được hưởng ứng mạnh mẽ nhất từ phía người xem (98), theo thang điểm của nhà điều tra dư luận uy tín Frank Luntz.

Phần còn lại

Những thành viên còn lại trong cuộc tranh luận đa phần không để lại nhiều dấu ấn. Thống đốc bang Ohio John Kasich, cựu Thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee, hay Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đều có những khoảnh khắc nhất định nhưng "không ăn thua".

Cựu CEO tập đoàn HP Carly Fiorina, ngôi sao của cuộc tranh luận hồi tháng 9, vẫn thể hiện được khả năng hùng biện xuất sắc của mình, tuy nhiên các nhà phân tích nhận định điều đó là không đủ để bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm trong chính trường của bà.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul, người đến với cuộc tranh luận lần này với tỉ lệ ủng hộ thấp nhất theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận, tiếp tục đóng vai "người thừa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại