Bước nhảy vọt trong quan hệ Nhật Bản-Philippines

Hai nước Philippines và Nhật Bản bị ràng buộc bởi các mối quan hệ địa chính trị.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở những vùng biển lân cận, Philippines và Nhật Bản đã nhanh chóng nâng cấp quan hệ an ninh song phương.

"Diễn đàn Đông Á" số ra mới đây đăng bài viết có tựa đề “Bước nhảy vọt trong quan hệ Nhật Bản- Philippines”. Nội dung bài viết như sau:

Trong lịch sử, Mỹ là đồng minh hàng đầu của Philippines. Với một loạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt, Washington thực tế được coi là người bảo lãnh an ninh quốc gia cho Philippines trong gần một thế kỷ qua.

Tuy nhiên những năm gần đây, Nhật Bản đã nhanh chóng tăng cường hợp tác an ninh với Philippines.

Hiện nay, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu, đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của Philippines, tiếp đến mới là Mỹ.

Nhật Bản và Philippines mới đây đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng cho phép Tokyo cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự cho Manila, chẳng hạn như máy bay giám sát.

Philippines là quốc gia thứ ba trên thế giới và đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản.

Tại khu vực châu Á, Nhật Bản nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất của công chúng Philippines với 81%, vượt xa Hàn Quốc (68%), Trung Quốc (54%) và Ấn Độ (48%). Tuy nhiên, sự nảy nở quan hệ Philippines- Nhật Bản cũng gây ra tranh luận.

Philippines là một trong những nạn nhân lớn nhất của cuộc xâm lược của Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Bên cạnh vấn đề bồi thường chiến tranh, nhiều người Philippines cũng đã nêu lên những lo ngại về nhận thức “xét lại lịch sử” của Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi chính sách đối ngoại và quốc phòng chủ động hơn ở châu Á.

Chuyến thăm gần đây của Nhật Hoàng Akihito đến Philippines nên được nhìn nhận trong bối cảnh hai nước đang phát triển quan hệ an ninh song phương và có những nghi ngại về cam kết của Chính phủ Abe đối với hòa bình.

Chuyến thăm của Nhật Hoàng Akihito đến Manila hồi đầu năm nay là chuyến thăm đầu tiên của một vị vua trị vì Nhật Bản.

Lần trước, ông Akihito đến Philippines là vào những năm 1960 của thế kỷ trước, khi đó ông còn là Thái tử.

Sau đó, ông đã tìm cách tạo điều kiện cho sự hòa giải giữa hai nước sau chiến tranh, khi Nhật Bản và Philippines vạch lộ trình mới cho sự phát triển và hòa bình ở khu vực.

Trong suốt nhiều thập kỷ, ông Akihito đã liên tục bày tỏ cam kết của đất nước mình để tưởng nhớ quá khứ.

Kể từ năm 2005, ông đã bắt đầu thực hiện “chuyến công du hòa bình”, đi thăm Palau, Saipan và Iwo Jima- những địa điểm diễn ra các cuộc đụng độ lớn giữa Đế quốc Nhật và quân đội Mỹ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Chuyến thăm của ông Akihito tới Philippines mang tính biểu tượng cao vì quốc gia Đông Nam Á này là nơi Nhật Bản cướp đi nhiều sinh mạng nhất.

Chuyến thăm này được xem là một nỗ lực nhắc lại sự ăn năn, hối hận và hối lỗi của người Nhật về những sự kiện trong quá khứ.

Tuy nhiên, vì Nhật Hoàng chỉ là “biểu tượng quốc gia”, nên không có thực quyền để ký bất kỳ thỏa thuận ràng buộc nào giữa Nhật Bản và Philippines.

Chuyến thăm này thể hiện một nỗ lực to lớn nhằm xua tan nỗi sợ hãi về “quân sự hóa” và “xét lại lịch sử” ở Nhật Bản.

Trước quyết định mới đây của Nhật Bản bồi thường trực tiếp cho “những phụ nữ mua vui” ở Hàn Quốc, người ta hy vọng rằng Nhật Hoàng sẽ đưa ra một đề nghị tương tự đối với các nạn nhân còn sống sót ở Philippines.

Nhưng điều này đã không xảy ra.

Ưu tiên của Chính phủ Philippines là nâng cấp quan hệ an ninh song phương và hợp tác kinh tế với Nhật Bản.

Trên mặt trận kinh tế, Nhật Bản dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Philippines.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa đề xuất một “Kế hoạch trong mơ” trị giá 57 tỷ USD để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của hệ thống tàu điện ngầm Manila và câu hỏi hóc búa về giao thông công cộng.

Philippines đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư sản xuất của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á. Người ta kỳ vọng rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế dịch vụ của Philippines sang nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu.

Hai nước Philippines và Nhật Bản cũng bị ràng buộc bởi các mối quan hệ địa chính trị.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở những vùng biển lân cận, Philippines và Nhật Bản đã nhanh chóng nâng cấp quan hệ an ninh song phương.

Tokyo sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự để tăng cường thế trận an ninh hàng hải của Manila ở Biển Đông.

Hiện Philippines là một trong số ít quốc gia lên tiếng ủng hộ vai trò an ninh ngày càng tăng của Nhật Bản trong khu vực, như một đối trọng với Trung Quốc.

Nằm trong thế trận an ninh mới này, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang cân nhắc khả năng tiến hành tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp, trong khi Philippines đã dự tính khả năng cho phép lực lượng Nhật Bản tiếp cận các căn cứ quân sự của mình.

Trước những điểm bất đồng còn tồn tại, Nhật Bản và Philippines dường như cam kết vượt qua khó khăn lịch sử để thúc đẩy một quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại