Bùng nổ cuộc chiến đòi tài sản Nga

Dạ Thảo |

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga sẽ áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” đối với các nước đã phong tỏa tài sản Nga.

Ngày 19-6 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sẽ đáp trả nước nào đụng chạm đến tài sản Nga ở nước ngoài.

Phán quyết của tòa án quốc tế

Sự việc khởi nguồn từ Công ty Yukos của Nga. Yukoslà doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Năm 2003, ông chủ công ty là tỉ phú Mikhail Khodorkovsky đã bị phạt tù 10 năm về tội trốn thuế và lừa đảo (cuối năm ông đã được trả tự do và sang Thụy Sĩ cư trú).

Sau đó, tòa án ở Moscow tuyên bố Yukos phá sản. Năm 2007, công ty mẹ của Yukos là Menatep (Group Menatep Limited - GML) đã kiện chính phủ Nga ra tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan).

Bảy năm sau, tòa trọng tài thường trực La Haye nhận định Nga giải thể Công ty Yukos vì động cơ chính trị. Ngày 18-7-2014, tòa phán quyết chính phủ Nga phải bồi thường cho các cổ đông của Công ty Yukos 3,8 tỉ euro và bồi thường 7,2 tỉ euro cho Veteran Petroleum Ltd. (quỹ trợ cấp hưu trí cho các nhân viên cũ của Yukos).

Ngày 31-7-2014, tòa án nhân quyền châu Âu cũng ra phán quyết buộc chính phủ Nga phải bồi thường cho Công ty Yukos 1,9 tỉ euro.

Bỉ và Pháp tịch thu tài sản Nga

Căn cứ phán quyết của tòa trọng tài thường trực La Haye, Bỉ và Pháp bắt đầu ra lệnh phong tỏa tài sản của các pháp nhân Nga.

Tại Bỉ hôm 17-6 vừa qua, 47 tổ chức của Nga và quốc tế đại diện cho lợi ích của Nga ở Bỉ đã nhận được thông báo của tòa án yêu cầu trong 15 ngày phải trao danh sách tài sản. Thông báo cho biết quyết định đã nêu được tiến hành theo yêu cầu từ phía Công ty Yukos.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Bỉ đã tịch thu các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga, các cơ quan đại diện của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) và NATO cùng các cơ quan khác của Nga. Hãng tin Interfax (Nga) đưa tin tòa án Bỉ đã gửi thông tri đến các ngân hàng, các cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ và báo chí Nga.

Tại Pháp hôm 18-6, ngân hàng Nga VTB thông báo tài khoản của các công ty và cơ quan đại diện ngoại giao của Nga mở tại chi nhánh ngân hàng này ở Pháp đã bị phong tỏa.

Ngân hàng VTB cũng nhận được thông báo Pháp và Bỉ đã chỉ thị phong tỏa tài sản của nhiều phương tiện thông tin đại chúng Nga như TASS, MIA Rossiya Segodnya (Nước Nga ngày nay) và VGTRK (Hãng thông tấn phát thanh-truyền hình toàn Nga).

EU tố Nga vừa đánh vừa đàm ở Ukraine trong khi Nga bác bỏ cáo buộc này. Ảnh: Biếm họa của RIBER HANSSON (báo Sydsvenskan của Thụy Điển)

EU tố Nga vừa đánh vừa đàm ở Ukraine trong khi Nga bác bỏ cáo buộc này. Ảnh: Biếm họa của RIBER HANSSON (báo Sydsvenskan của Thụy Điển)

Phản ứng quyết liệt của Nga

Bộ Ngoại giao Nga đã triệu đại sứ Bỉ Alex Van Meeuwen đến và tuyên bố Nga xem hành động của Bỉ là cử chỉ không thân thiện và đây là hành vi vi phạm thô bạo các quy định phổ quát đã được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa thích đáng đối với các tài sản Bỉ ở Nga nếu Bỉ không tái lập quyền chủ quyền của Nga đã bị xâm phạm.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga sẽ áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” đối với các nước đã phong tỏa tài sản Nga.

Ông nói các công ty và các thực thể kinh tế khác của Nga bị Bỉ và Pháp phong tỏa tài sản đã dự định đề nghị tòa án Nga phong tỏa tài sản của các công ty nước ngoài có cổ đông là Bỉ hoặc Pháp.

Bộ Phát triển kinh tế Nga tuyên bố trong vụ án Công ty Yukos, Nga sẽ không bồi thường gì hết.

Tối 19-6, tại cuộc gặp gỡ với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở St. Petersburg, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh:

“Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của chúng tôi bằng con đường luật pháp. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Nga không thừa nhận quyền tài phán của tòa án ấy (tòa trọng tài thường trực La Haye)”.

Tình thế sẽ đi vào ngõ cụt

AFP đưa tin ông Tim Osborne, Tổng Giám đốc GML, cho biết quy trình phong tỏa tài sản sắp được tiến hành ở Anh và Mỹ cùng nhiều nước khác.

Giám đốc Công ty tư vấn pháp lý Art De Lex (Nga) Arthur Zurabyan đánh giá thực sự tình hình tịch thu tài sản Nga ở nước ngoài sẽ không có lối thoát.

Ông phân tích các tài sản công của Nga thuộc các lĩnh vực công và pháp luật không phải là đối tượng bị phong tỏa và tịch thu vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, đặc biệt là trụ sở các cơ quan đại diện chính phủ Nga hoặc sứ quán Nga ở nước ngoài.

Do đó, chính phủ Bỉ và Pháp cần tìm tài sản nào thuộc sở hữu nhà nước Nga nhưng không liên quan đến các quyết định công và pháp luật. Điều này rất là khó!

Ông ghi nhận có một điều lạ là ở Bỉ, thừa phát lại lại gửi thông báo đến các cơ quan thường trú của báo chí, các tổ chức phi chính phủ và ngay cả Giáo hội Chính thống giáo của Nga. Về pháp lý thì các tổ chức này đâu có liên quan gì đến chính phủ Nga.

Thẩm quyền của tòa trọng tài thường trực La Haye thuộc lĩnh vực tư pháp và được thực hiện bởi các nước thừa nhận tòa này.

Do đó chính phủ Bỉ ghi nhận phán quyết của tòa trọng tài thường trực sẽ được tòa trực tiếp thi hành chứ chính phủ Bỉ không can thiệp. Bộ Tư pháp của Pháp cũng khẳng định như thế.

Nhiều chuyên gia phân tích quyết định tịch thu tài sản Nga của Bỉ và Pháp mang dấu hiệu chính trị. Đó là EU muốn trả đũa Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước phương Tây và Nga về Ukraine.

Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014 và chiến sự bùng nổ ở miền Đông Ukraine, Mỹ và EU đã tăng cường cấm vận Nga. Nga cũng đã ban bố lệnh cấm vận đối với hàng lương thực thực phẩm của Mỹ và châu Âu.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại