Biển Đông: Trung Quốc muốn tự ý áp đặt khu vực đánh cá cho nước khác

My Lan |

(Soha.vn) - Một bài báo đăng trên tờ Hoàn Cầu ngày hôm nay ngang ngược vu cáo các nước tranh giành nguồn lợi thủy sản trên Biển Đông, đồng thời viện dẫn lý do ngụy tạo này để biện minh cho việc đưa tàu hải giám xâm phạm lãnh hải láng giềng.

	Tàu cá Trung Quốc tiến ra biển Đông.

Tàu cá Trung Quốc tiến ra Biển Đông.

Mặc dù các tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm, đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của nước khác và đã nhiều lần bị lực lượng chức năng các quốc gia trong khu vực ngăn chặn, cảnh cáo, nhưng báo Hoàn Cầu lại đổi trắng thay đen khi cho rằng "gần đây, ngư dân Trung Quốc liên tục khiếu nại về hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia khác tại vùng Biển Đông". 

Trên thực tế, Trung Quốc đang đẩy xa hoạt động của mình vào các vùng nước sâu tại Biển Đông nhằm đáp ứng nhu cầu thủy hải sản khổng lồ của mình. Khi mùa đánh bắt cá trên Biển Đông bắt đầu vào tháng 8 năm nay, chỉ riêng tỉnh Hải Nam đã điều trái phép 10.000 tàu cá ra vùng nước sâu ở Biển Đông.

Núp dưới chiêu bài 'ngụy quân tử' và danh nghĩa 'bảo vệ nguồn lợi thủy sản', 'giữ gìn ổn định khu vực', bài báo cho rằng, việc các ngư dân ở các quốc gia khác nhau tranh giành nguồn lợi thủy sản trên Biển Đông là "chuyện bình thường", song chính việc tranh chấp nguồn lại thủy sản tại Biển Đông là một trong những lí do khiến "căng thẳng tại khu vực ngày càng leo thang".

Dựa trên luận điệu dối trá rằng "ngư dân Trung Quốc thường xuyên tố bị các quốc gia khác cũng khẳng định chủ quyền trên Biển Đông quấy rối", bài báo biện minh một cách trơ trẽn cho việc Trung Quốc cử các tàu hải giám đi theo tàu đánh cá xâm phạm chủ quyền nước khác, gây rối trên Biển Đông là hành động nhằm "ngăn chặn các cuộc đụng độ có thể xảy ra".

Bài báo dùng luận điệu "quy mô khai thác lớn sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đồng thời làm suy yếu nguồn tài nguyên biển" để bao che cho việc họ tự ý thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, giới quan sát đều cho rằng, đằng sau việc Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh đánh bắt cá ở Biển Đông là một kế hoạch bẩn thỉu nhằm một số mục đích: "Độc quyền cấp phép" đánh bắt cá, "dằn mặt" một số nước trong khu vực, tuyên truyền xuyên tạc về chủ quyền (phi pháp) trên Biển Đông.

Thế nhưng Hoàn Cầu vẫn dùng luận điệu bề trên, đạo đức giả để tự cho rằng, Trung Quốc là nước lớn nên "có trách nhiệm bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thiết lập một cơ chế hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt cá". Đi xa hơn nữa, bài báo ngang ngược tự cho Trung Quốc cái quyền "ra một quy chế cụ thể cho các nước trong khu vực, ví dụ như xây dựng khu vực không đánh bắt cá, xây dựng mùa đánh cá một cách hợp lý, chỉ rõ những loại sinh vật không được đánh bắt và đi đầu trong việc thực hiện chúng".

Theo bài báo, hiện nay, một số quốc gia liên tục yêu cầu Trung Quốc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, song việc hợp tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực tế và khả thi hơn rất nhiều so với đàm phán COC. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác khu vực và quản lý nguồn tài nguyên biển sẽ giúp việc thực hiện Tuyên bố về ưng xử của các bên trên Biển Đông DOC trở nên thuận lợi.

Đến đây, ý đồ đen tối của Trung Quốc đã lộ rõ. Họ không hề coi trọng hay có thực tâm đàm phán COC mà chỉ bằng mọi phương cách, viện dẫn mọi lý do sai trái để xâm phạm chủ quyền nước khác và bảo vệ quyền lợi (phi pháp) của mình trên Biển Đông.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại