Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 23/7 cho hay, chỉ trong vòng 1 năm ngắn ngủi kể từ 2014, Trung Quốc đã tăng chóng mặt tốc độ lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép, khiến Bắc Kinh bị Washington và cộng đồng quốc tế phản ứng quyết liệt.
Phát biểu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ hôm 21/7, giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) Peter Jennings cho rằng, Bắc Kinh sớm muộn cũng sẽ tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông.
Theo ông Jennings: "Tôi nhận định việc Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ không xảy ra trước chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình vào đầu tháng 9 tới.
Tuy nhiên, sau khi ông Tập về nước, cũng là thời kỳ mà nước Mỹ bị cuốn vào các cuộc tranh cử Tổng thống, Trung Quốc sẽ thực hiện bước đi nói trên nhằm củng cố sự kiểm soát đối với Biển Đông."
Đồng quan điểm với Jennings, Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ John McCain cũng dự đoán động thái quân sự hóa tiếp theo của Bắc Kinh ở Biển Đông chính là lập ADIZ.
"Trung Quốc sẽ xây đường băng, bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo (trái phép-PV). Điều tiếp theo mà chúng ta thấy là, máy bay Mỹ - bất kể là dân dụng hay các loại khác - khi đi qua Biển Đông sẽ vấp phải yêu cầu 'báo cáo danh tính' từ phía Trung Quốc.
Thiết lập ADIZ trên Biển Đông chẳng khác nào hành động 'ăn cướp' chủ quyền ở khu vực này." - ông McCain đánh giá.
Trang Đa Chiều cho biết, Mỹ luôn xem việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ là hành vi thách thức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải quốc tế.
Washington cũng nhiều lần đe dọa, thúc giục Bắc Kinh dừng hành động khiêu khích như trên.
Hồi năm 2013, Mỹ đã phản ứng hết sức quyết liệt sau khi Bắc Kinh lập ADIZ trên biển Hoa Đông, đồng thời điều máy bay quân sự "diễu" trên vùng trời này để thể hiện sự vô giá trị trong tuyên bố của Trung Quốc.
Tại Biển Đông, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố trắng trợn rằng nước này "có quyền thiết lập Vùng nhận dạng phòng không" và sẽ làm vậy "phụ thuộc vào mức độ uy hiếp gặp phải".
Hôm 23/7, các chuyên gia Mỹ phát biểu trước phiên điều trần của Quốc hội nước này đã kiến nghị, Washington nên tăng cường phát triển các loại vũ khí tối tân như tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân hay tên lửa hành trình chống tàu...
Theo đó, bên cạnh các tuyên bố cứng rắn, việc gia tăng sự uy hiếp về quân sự đối với Trung Quốc trên Biển Đông là điều mà Mỹ cần phải thực hiện.
Các học giả cũng kêu gọi Mỹ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc kết nối các đồng minh, đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn các hành vi ngang ngược và ảnh hưởng tiêu cực của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đa Chiều dẫn lời một cựu quan chức phụ trách thuộc Ủy ban kinh tế Chính hiệp Trung Quốc tiết lộ, sự phát triển kinh tế Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng thừa nghiêm trọng, kinh tế tuột dốc, lưu thông hàng hóa sụt giảm.
Sự xuống dốc về kinh tế cùng với cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán đang càn quét Trung Quốc cũng được cho là một trong số nguyên nhân buộc Bắc Kinh "đẩy" sự chú ý trong nước ra các vấn đề quốc tế để giảm bớt áp lực.