Bị bức cung, "bịt miệng", cảnh sát cũng phải "xin chết"

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Một sỹ quan cảnh sát bị buộc tội giết vợ vì ghen. Bị đồng nghiệp cũ bức cung bằng nhục hình, bị quan tòa hủy chứng cứ, anh đành “xin tội chết”.

 Loạt bài BỨC CUNG, NHỤC HÌNH VÀ CÁC VỤ ÁN OAN CHẤN ĐỘNG

Cảnh sát cũng bị oan

Vụ án “Du Peiwu giết vợ” cho thấy khía cạnh “công bằng” trong các án oanTrung Quốc: ai cũng có thể bị dùng nhục hình, bức cung, cho dù đó từng là một cảnh sát.

Tháng 4/1998, nữ cảnh sát Wang Xiaoxiang, vợ của Du Peiwu và một đồng nghiệp nam bị bắn chết trong một chiếc xe hơi. Du Peiwu, khi đó là sỹ quan tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị bắt giữ vì bị coi là nghi phạm chính, giết vợ vì ghen tuông.

Tấm ảnh hiếm hoi còn lại của Du Peiwu khi còn là cảnh sát. Vợ chết, vào tù, nhà bị lục soát nhiều lần, Du hầu như không còn kỷ vật nào về thời còn là
Tấm ảnh hiếm hoi còn lại của Du Peiwu khi còn là cảnh sát. Vợ chết, vào tù, nhà bị lục soát nhiều lần, Du hầu như không còn kỷ vật nào về thời còn là "người tự do"

Ngày 5/2/1999, Tòa án trung cấp thành phố Côn Minh xử Du Peiwu tội giết người với mức án tử hình được hoãn thi hành 2 năm.

Hơn 1 năm sau đó, tháng 6/2000, cảnh sát Vân Nam phá được một băng nhóm tội phạm chuyên ăn cắp xe hơi. Trong quá trình xét hỏi, một tên trong nhóm thú nhận y mới là thủ phạm giết hại vợ Du Peiwu và đồng nghiệp.

Khám nhà tên này, cảnh sát đã tìm thấy khẩu súng lục của nạn nhân, cũng chính là hung khí giết người chưa được tìm thấy trong vụ án năm 1998. Với chứng cứ mới này, Ủy ban nhân dân thành phố Côn Minh đã yêu cầu cảnh sát, Viện kiểm soát và Toà án cùng phối hợp điều tra lại vụ án. Ngày 11/7/2000, Tòa án nhân dân tỉnh Vân Nam tuyên bố Du Peiwu vô tội.

Bị chính đồng nghiệp tra tấn

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Du Peiwu lại nhận tội, dù rằng là người trong ngành, anh chắc chắn hiểu rõ sau việc nhận tội giết người là án tử? Vả lại, khi mới bị bắt, Du đã cương quyết phủ nhận mọi cáo buộc, thì sao sau đó lại “sốt sắng” nhận tội?

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã gây chấn động dư luận Việt Nam những ngày qua. Trên thế giới, cũng từng có những án oan tày đình như vậy. Dù địa điểm, tính chất có thể khác nhau, nhưng sự khổ đau, mất mát không gì bù đắp nổi mà nó gây ra cho những người chịu oan ức thì lại rất giống nhau.

Đó cũng là nội dung chính mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc qua loạt bài BỨC CUNG, NHỤC HÌNH VÀ NHỮNG VỤ ÁN OAN CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI.

Sau này, khi kể lại với công ty luật bảo vệ cho anh, Du Peiwu nói: “Từ 30/6 đến 19/7, liên tục 21 ngày đêm tôi bị tra tấn cho tới khi thể chất và tinh thần không thể chịu đựng được nữa. Rất nhiều chi tiết mà tôi không muốn nói ra ở đây. Chỉ biết khi ấy tôi không muốn sống thêm chút nào nữa và quyết định sẽ chết đi càng sớm càng tốt. Để làm điều đó, tôi đã nhận tội với điều tra viên và bịa ra câu chuyện tôi đã thực hiện hành vi giết người như thế nào”.

Hồ sơ điều tra lại cho thấy, hai điều tra viên chính được giao thẩm vấn Du Peiwu đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn bức cung tàn bạo với chính đồng nghiệp cũ của mình. Ngoài việc không cho ngủ (một kiểu tra tấn được áp dụng với hầu hết các phạm nhân “cứng đầu” không chịu nhận tội), hai người này còn trực tiếp đấm đá Du trong tất cả các buổi lấy cung. Thậm chí khi đã mệt, họ còn sai các cảnh sát khác đấm đá giúp.

Một “kỹ thuật” lấy lời khai khác là cho Du Peiwu đứng trên ghế đẩu và trói hai tay anh lên song cửa rồi liên tục đá chiếc ghế để cơ thể anh treo lơ lửng. Đến khi Du Peiwu không thể chịu được nữa, phải thốt lên những tiếng kêu đau đớn thì các điều tra viên này lấy giẻ bịt miệng lại rồi bắt anh quỳ xuống sàn nhà và đánh anh bằng dùi cui điện.

"Kiềng 3 chân" siết cổ người oan ức

Khi ra tòa lần thứ nhất, Du Peiwu đã cởi bỏ áo ngoài để cho mọi người thấy rõ các vết thương, dấu tích của những vụ tra tấn đau đớn trong trại tạm giam. Nhưng thẩm phán đã phớt lờ lời cầu cứu của anh.

Sang phiên xét xử thứ hai, Du Peiwu bí mật giấu được một chiếc áo sơ mi đẫm máu mang tới tòa bằng cách quấn nó quanh hông. Anh đưa nó cho thẩm phán, nhưng vị này buộc anh phải cởi ra và đề nghị chấp hành viên mang đi mà không thèm kiểm tra bất cứ dấu vết nào. Sau phiên toà, Du Peiwu liên tục đòi trả lại chiếc áo sơ mi làm vật chứng nhưng lời cuối cùng của tòa án dành cho anh là “nó đã bị đốt”. Tuyệt vọng, Du Peiwu đã nhận tội trước tòa và xin được chết.

Du Peiwu trên giường bệnh, sau một thời gian dài điều trị các thương tích, di chứng của các trận bức cung bằng nhục hình
Du Peiwu trên giường bệnh, sau một thời gian dài điều trị các thương tích, di chứng của các trận bức cung bằng nhục hình

Điều gì đã khiến những vụ án như của Du Peiwu thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc? Và điều gì đã khiến cả một hệ thống, từ cảnh sát tới tòa án đồng lòng với nhau để buộc vào cổ một con người vốn không có tư thù cá nhân gì với họ, tội giết người?

Theo Phó giáo sư Huang Shiyuan, Đại học Sơn Đông thì “Tại Trung Quốc, sau mỗi vụ án lớn được giải quyết, những người tham gia thường sẽ được tặng thưởng và thăng chức. Chính vì động cơ cũng như áp lực này, các điều tra viên thường dùng hình thức tra tấn để buộc nghi phạm phải thú tội”.

Trong khi đó, tiến sỹ luật Jiang Na, Đại học sư phạm Bắc Kinh cho rằng: “Các vụ án oan xét cho cùng là kết quả của việc cảnh sát, viện kiểm soát, tòa án mong muốn đặt được tỷ lệ xét xử cao. Ba cơ quan được ví như “kiềng 3 chân” này thường thà “kết án oan người vô tội còn hơn bỏ sót”.

Trở lại vụ án của Du Peiwu, tháng 8/2001, hai điều tra viên trực tiếp tham gia tra tấn Du Peiwu đã bị ra tòa và nhận mức án từ 12-18 tháng tù treo.

Sau 26 tháng ngồi tù với biết bao cay đắng, Du Peiwu đã được trả tự do và được chính quyền địa phương bồi thường bằng tiền mặt. Nhưng cũng kể từ ngày được hưởng tự do trở lại, Du Peiwu liên tục phải chịu đựng những cơn đau đầu khủng khiếp. Bác sỹ cho biết não anh đã bị tổn thương nghiêm trọng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại