Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) cho hay, ngày 26/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm chính thức Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Narendra Modi và tham dự lễ kỷ niệm Ngày cộng hòa (Quốc khánh) lần thứ 66 của Ấn Độ.
Báo chí phương Tây đánh giá, các chuyến thăm cấp cao của Mỹ - Ấn diễn ra chỉ trong vòng 4 tháng cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Mỹ tại châu Á.
Báo đảng TQ: Mỹ muốn kìm hãm Trung Quốc
Theo Nhân dân Nhật báo (NDNB), Mỹ muốn thông qua chuyến thăm của ông Obama để tăng cường hợp tác với New Delhi về kinh tế, năng lượng, biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Mỹ - Ấn sẽ giải quyết mâu thuẫn về vấn đề bản quyền trí tuệ, năng lượng nguyên tử... thúc đẩy quan hệ song phương tiến lên giai đoạn mới.
Đặc biệt, NDNB "tố" mục tiêu chủ chốt của Mỹ là lôi kéo Ấn Độ gia nhập "liên minh các quốc gia kìm hãm Trung Quốc vươn lên".
Theo đó, cho dù nội dung này không được tuyên truyền công khai, thì chắc chắn cũng nằm trong chủ đề hội đàm giữa lãnh đạo song phương.
NDNB cho rằng, báo chí phương Tây đã cố ý khắc họa sai lệch rằng sự phát triển của Trung Quốc mang lại sự bất ổn cho khu vực.
Tờ báo này khẳng định, Bắc Kinh đã hòa nhập vào cộng đồng kinh tế thế giới, tìm kiếm quan hệ ngoại giao bình thường với các nước, và cho rằng Trung Quốc trở thành "đích ngắm" của truyền thông phương Tây bởi giờ đây họ đã có đủ năng lực "thách thức bá quyền của Mỹ".
Báo đảng Trung Quốc "khoe" rằng, nước này đang theo đuổi vai trò lãnh đạo tại bờ Tây Thái Bình Dương. Cho dù Trung Quốc chưa đủ năng lực quân sự để đối đầu với Mỹ thì Bắc Kinh vẫn có thể đánh vào kinh tế và "phá giá" thị trường "đến mức Mỹ không chịu nổi".
Trung Quốc cho rằng Mỹ muốn lôi kéo Ấn Độ và đã "nhắc nhở" New Delhi.
Năm 2012, chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố "xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dường", nhằm "tái cân bằng" cục diện khu vực này, vốn được cho là nghiêng về Trung Quốc.
NDNB đánh giá, quan hệ Trung - Mỹ mang tính chất đặc thù, và chiến lược "tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương" của Mỹ có xu hướng diễn biến phức tạp.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh lâu dài về các lĩnh vực quân sự cũng như địa - chính trị, nhưng vẫn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.
Tờ báo này cho rằng Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia châu Á, đồng thời là "anh cả" mà nhiều nước hướng tới trong định hướng phát triển kinh tế tương lai.
Qua đó, NDNB nhận định, Mỹ và đồng minh đang đứng trước "cục diện khó khăn": Bọn họ vừa muốn Mỹ bảo hộ khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, lại vừa hy vọng Mỹ thuận theo lợi ích của Trung Quốc, cho phép "tất cả cùng hưởng cơ hội phát triển".
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes.
Trung - Mỹ - Ấn vẫn "chơi tốt"
Cũng theo NDNB, quan điểm của phương Tây cho rằng sự tồn tại của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ đem lại sự ổn định.
Đứng trong thế giới mà Mỹ là trung tâm, Ấn Độ có thể đạt được không gian phát triển và thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ thành công, đem lại lợi ích cho cả Mỹ và Ấn.
Đáp trả quan điểm trên, NDNB khẳng định, trên thực tế, lãnh đạo 3 nước Trung - Mỹ - Ấn từ lâu đã đạt được nhận thức chung trong các chuyến thăm song phương, trong đó hợp tác vẫn là đường hướng cốt lõi.
Theo đó, Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận định, Trung - Ấn là những quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi, đều đang trong quá trình phục hưng dân tộc và là "2 cánh sức mạnh" quan trọng trong tiến trình đa phương hóa quốc tế.
Trong khi đó, hồi năm 2012, Trung Quốc và Mỹ cũng xác định cơ sở "quan hệ nước lớn kiểu mới", đạt được hàng loạt nhận thức chung trong các lĩnh vực hợp tác.
Trong khi đó, Cố vấn về vấn đề an ninh quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes hôm 26/1 cho hay, khi bàn về quan hệ với Trung Quốc, các ông Obama và Modi đã chỉ ra, Mỹ - Ấn không có ý định đối kháng hay kìm hãm Trung Quốc.
"Không có nước nào đặt mục tiêu là đối đầu với Trung Quốc, hay kiềm chế Trung Quốc. Dù là Mỹ hay Ấn Độ cũng đều có quan hệ mật thiết với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực" - ông Rhodes nói.