Báo TQ: 3 ngày còn lâu mới đủ để biến Obama và Modi thành bạn bè!

Trang Nguyễn |

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố một kỉ nguyên “tin tưởng mới”, sau những rạn nứt mới chỉ cách đây 1 năm trong quan hệ giữa 2 quốc gia.

Cái ôm thân tình và những hứa hẹn hợp tác

Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Modi thứ 5 tuần qua đã thu hút mối quan tâm lớn của đông đảo cộng đồng quốc tế, đặc biệt về mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Ấn trên trường chính trị thế giới.

Chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày của ông Obama mở đầu bằng cái ôm nồng nhiệt của lãnh đạo nước chủ nhà dành cho vị khách quý, và kết thúc những cái bắt tay tin tưởng và hàng loạt lời hứa hẹn hợp tác lớn.

Không chỉ là triển vọng thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương Mỹ-Ấn lên 5 lần, Mỹ còn cam kết hỗ trợ cho Ấn Độ một khoản vay 4 tỷ USD, đầu tư 2 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, tài trợ 1 tỷ USD cho xuất khẩu.

Cả hai bên cũng đã thảo luận về việc cung cấp visa H-1B cho các chuyên gia Ấn Độ làm việc tại Mỹ, và nới lỏng môi trường kinh doanh ở Ấn Độ cho các nhà đầu tư Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia, chuyến đi đã nâng mối quan hệ Mỹ-Ấn lên tầm cao mới, Bản thân Tổng thống Obama cũng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đạt được “sự thấu hiểu lẫn nhau mang tính đột phá” đối với các bất đồng.

Báo Mỹ New York Times dẫn lời Harish Bansal, một công dân New Delhi tự hào: “Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ có một chuyến thăm tới Ấn Độ, chứ không phải một chuyến thăm tới Châu Á, trong đó có Ấn Độ.

Đã tới lúc Mỹ có một mối quan hệ với Ấn như với Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Tổng thống Obama trong chuyến thăm tới Ấn Độ.

Tổng thống Obama trong chuyến thăm tới Ấn Độ.

"Khác biệt về chất" khi bàn tới Trung Quốc

Chuyến thăm lần hai này của Tổng Thống Mỹ dường như thể hiện rõ mong muốn Ấn Độ trở thành đối tác ủng hộ chiến lược Xoay trục Châu Á của Washington.

Hai bên đã đạt tuyên bố chung mang tên “Tầm nhìn chiến lược Mỹ-Ấn cho Châu Á Thái Bình Dương và Khu vực Ấn Độ Dương”.

Tuyên bố này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do đi lại, cả trên biển và trên không, đặc biệt là ở Biển Đông”, nơi Trung Quốc đang cố tình tạo ra nhiều tranh chấp và gây hấn với các quốc gia trong khu vực.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn cũng kêu gọi "các bên có liên quan tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực" trong các tranh chấp.

Giới phân tích đánh giá Trung Quốc rõ ràng là cái tên được ám chỉ đằng sau thông điệp này.

“Thực sự khác biệt về chất” là lời một quan chức cấp cao Ấn Độ mô tả cuộc thảo luận giữa Obama và Modi về vấn đề Trung Quốc, so với các cuộc nói chuyện giữa với các lãnh đạo Ấn Độ trước đây.

“Tôi thực sự ấn tượng bởi Obama có những góc nhìn tương tự như chúng tôi”, quan chức này nói.

Tất nhiên, Trung Quốc, tất nhiên không hề vui vẻ gì với thành quả của cuộc gặp, đặc biệt quan ngại lớn tới cam kết bất ngờ trên giữa 2 bên.

Trung Quốc lo sợ

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi biết Ấn Độ không muốn là một phần của chính sách ngăn chặn Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng trò chơi một mất một còn đã thuộc về thế kỉ trước”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng ngay lập tức có những phản ứng khá giận dữ, không ngừng nhắc tới sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Ấn.

Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo Ấn Độ chớ có rơi vào “cái bẫy” của Mỹ nhằm cố tình lôi kéo Ấn Độ trở thành đồng minh chống lại Trung Quốc.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã gọi chuyến thăm này “mang tính hình thức hơn là tính thực tế”, giữa “2 kẻ khổng lồ có khoảng cách rất lớn” và rằng “3 ngày còn lâu mới đủ để biến Obama và Modi thành bạn bè”.

Chủ tịch Trung Quốc gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm New Delhi năm ngoái.

Chủ tịch Trung Quốc gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm New Delhi năm ngoái.

Mối quan hệ Trung-Ấn thực ra không tệ. Dù có những tranh chấp lãnh thổ tại vùng biên giới Himalaya, nhưng thương mại song phương giữa hai nước luôn ở mức cao nhiều năm qua.

Tập Cận Bình đã thăm Ấn Độ hồi tháng 9 năm ngoái và hứa hẹn các khoản đầu tư vào đường sắt, khu công nghiệp và năng lượng hạt nhân.

Trung Quốc rõ ràng nhìn thấy Ấn Độ sẽ là một nền kinh tế đầy tiềm năng và tất nhiên không muốn Ấn Độ tham gia vào cuộc chơi quyền lực của Mỹ ở Châu Á.

Những phản ứng đầy khó chịu và thô lỗ của Trung Quốc những ngày qua cho thấy quốc gia này đang lo sợ trước những biến chuyển trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ.

Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng chính sách ngoại giao độc lập, tách biệt khỏi trò chơi quyền lực ở Đông Nam Á của Ấn Độ vốn kiên định giờ đang sụp đổ dần dưới thời ông Modi.

New York Times dẫn lời ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan (Thượng Hải) đưa ra nhận định về mối lo ngại lớn nhất của Trung Quốc, về lâu dài, đối với quan hệ Mỹ - Ấn.

Theo ông này, đó là công nghệ quân sự tiên tiến mà Washington có thể sẽ bán cho New Delhi, bởi điều này sẽ gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề an ninh.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc vẫn đang nuôi hi vọng Ấn Độ sẽ không dễ dàng trở thành đồng minh lâu dài với bất kỳ đối tác nào, kể cả Mỹ.

Đồng thời, ông Tập Cận Bình hẳn cũng đã nhìn ra rằng ông Modi rất cần các khoản đầu tư nước ngoài vào những dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ nhằm kích thích nền kinh tế, điều mà các nhà đầu tư Trung Quốc của ông có thể dễ dàng đáp ứng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại