Quan chức Mỹ: Kiev chứ không phải Moscow!
Trong một bài bình luận trên tờ Los Angeles Times (LA Times), 3 cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine - Steven Pifer, John Herbst, William Taylor, đã cùng cho rằng, Kiev, chứ không phải Moscow, mới là nơi nên được chọn để tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát-xít Đức (9/5).
Bài viết được đăng tải ngày 16/3, trong thời điểm nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, đều từ chối lời mời từ phía Tổng thống Nga Putin tới Moscow tham dự buổi lễ này.
Ba cựu quan chức, nay là học giả cấp cao nêu quan điểm: "Dù Tổng thống Clinton và George W.Bush đã tới Moscow năm 1995 và 2005 để tham dự các lễ kỉ niệm, song Moscow, trong năm 2015, khó có thể là nơi gặp gỡ đúng đắn đối với các nhà lãnh đạo phương Tây".
Bài báo sử dụng các cáo buộc vốn đã quen thuộc của phương Tây dành cho Nga: Moscow chỉ đạo, hỗ trợ tiền bạc, vũ khí cho ly khai, lính Moscow tham chiến ở miền đông và tấn công quân đội Kiev.
"Do cuộc xung đột mà Nga gây ra ở Ukraine, các lãnh đạo phương Tây không thể cứ ngồi yên ở vị trí quan sát tại Quảng trường Đỏ và xem lính Nga duyệt binh.
Đồng đội của họ là những người mà vừa mới đây đã gây ra - hoặc có thể bắt đầu gây ra - cuộc chiến ở Ukraine, chỉ cách nơi đó 500 dặm về phía nam".
Song, những cáo buộc tương tự như thế này rất nhiều lần đã bị Nga bác bỏ.
Ba cựu nhân viên ngoại giao cấp cao Mỹ tiếp tục lập luận cho quan điểm của mình:
“Putin đã cố gắng giành lấy chiến thắng của Liên Xô trong chiến tranh Thế giới thứ Hai về tay Nga”.
"Không ai tranh cãi gì về vai trò của người Nga trong cuộc chiến hay việc trong các quốc gia từng thuộc Liên Xô, Nga đã mất nhiều binh sĩ nhất.
Xét về tổng thể, số người Ukraine thiệt mạng trong cuộc chiến nhiều thứ 2, nhưng, xét về tỷ lệ, Ukraine phải hứng chịu đau thương nhiều hơn Nga khi mất đi khoảng 25% dân số trong cuộc chiến đó".
Theo họ, giới ngoại giao phương Tây và chính phủ Ukraine có thể tổ chức một buổi lễ để tưởng nhớ những mất mát mà tất cả người dân Liên Xô phải gánh chịu – một buổi lễ không có duyệt binh hay các trang thiết bị chiến tranh.
Bài phân tích cho rằng, giới chức Ukraine “có vẻ như không thích trưng ra xe tăng hay rocket”.
Bài báo trên LA Times cho rằng, động thái trên sẽ "gửi một thông điệp mạnh mẽ tới dân Nga về sự cô lập” đối với Putin vì những hành động mà họ cáo buộc ông gây ra ở Ukraine.
Thiết bị quân sự của quân đội Ukraine tham gia lễ duyệt binh hồi tháng 4/2014 ở thủ đô Kiev.
Báo Nga: Kiev à? Thật nực cười!
Báo Nga Sputnik News đã dẫn lại trong bài viết của mình những lý lẽ trên của 3 nhà cựu ngoại giao Mỹ và cho rằng, “các cựu quan chức cấp cao cần phải hiểu rõ hơn về quốc gia mà họ từng phục vụ (Ukraine)”.
Hôm 24/8/2014, chính quyền mới được bầu ra ở Kiev đã tổ chức duyệt binh quân sự ở Khreshchatyk, đại lộ chính ở trung tâm Kiev - lần đầu tiên kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng Hai.
Tờ này đã mỉa mai rằng, chính phủ mà theo người Mỹ “không thích trưng ra xe tăng, rocket" lại tổ chức một cuộc duyệt binh “sặc mùi khuếch trương và gợi nhớ thời kì Xô Viết”.
Theo tờ này, thực tế ấy không chỉ trái ngược với những lời ca tụng của các cựu quan chức Mỹ, mà còn rất “nực cười, bởi sự chối bỏ sự kết nối với quá khứ Liên Xô là điểm mấu chốt trong hệ tư tưởng Ukraine hiện nay”.
Đó là chưa kể tới việc, “cuộc duyệt binh đầy các vũ khí quân sự của Liên Xô và được dành dựng theo thẩm mỹ của Liên Xô”.
Sputnik News chỉ trích, “cuộc duyệt binh đó đã diễn ra bất chấp cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông, do chính quyền chống lại chính người dân của mình gây ra”.
Sau những phản bác của mình, Sputnik News “nói kháy" phương Tây về ý tưởng tổ chức một buổi lễ kỉ niệm ở Kiev:
“Làm thế nào mà việc tổ chức duyệt binh quân sự ở một quốc gia bị tàn phá bởi nợ nần, lạm phát phi mã và nội chiến, đối với họ, dường như lại là điều hợp với tự nhiên hơn".