Theo Pravda, có thể thấy rằng mọi hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh hiện nay, trước tiên là nhằm mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Ví dụ mới nhất là việc tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ sáng sớm (ngày 13/12) đã tiến sát tàu chiến của Nga ở khu vực phía bắc Biển Egey (thuộc Địa Trung Hải) khi không phản ứng trước bất cứ các cảnh báo theo chuẩn mực quốc tế được phát đi từ tàu Smetlivy.
Chiếc tàu cá cũng không tiếp nhận điện đàm của các thuỷ thủ Nga và không phản ứng trước các tín hiệu đèn cũng như pháo sáng.
Sau khi chiếc tàu của Thỗ Nhĩ Kỳ tiến sát tới khoảng cách 600m thì Smetlivy đã nổ súng cảnh cáo. Ngay sau đó, tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột chuyển hướng và không liên lạc với thuỷ thủ đoàn của Nga khi đi ngang qua tàu Smetlivy ở khoảng cách 540m.
Theo Pravda, bộ Quốc phòng Nga đã phản ứng giống như đã cách họ đã từng làm 10 năm trước. Cơ quan truyền thông của Bộ ngay lập tức đã thông báo về vụ việc cũng như triệu tập tuỳ viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Hay nói cách khác là “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Sau đó vài giờ, chi nhánh tại Thổ Nhĩ Kỳ của hãng thông tấn CNN (Mỹ) đã trích dẫn tuyên bố của chủ chiếc tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ, ông Muzafferom Gechiji về vụ việc: “Chúng tôi không tiến gần tới chiếc tàu của Nga quá 1 hải lý.
Smetlivy đứng yên. Họ không nổ súng về phía chúng tôi. Thậm chí nếu họ có nổ súng thì không ai nghe thấy”, ông khẳng định.
Ông chủ công ty đánh bắt cá Gechijiler Balykchylyk cũng thông báo rằng chiếc tàu cá dài 46m của ông được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết. Ngoài ra, ông cho biết “đoạn băng ghi hình từ máy quay (quan sát) đã được chuyển cho cơ quan bảo vệ bờ biển”.
Lại thua về truyền thông
Có thể thấy rằng vụ việc này giống một cách đáng ngạc nhiên với vụ Su-24? Cả khi ấy và cả bây giờ các phóng viên đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ quan điểm của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vụ việc liên quan tới Su-24 họ đã biết rằng nó sẽ xảy ra ở đâu và khi nào. Còn trong vụ việc mới xảy ra, chủ tàu cá sau có vài giờ đồng hồ đã kịp chuyển băng ghi hình cho cơ quan bảo vệ bờ biển và chia sẻ thông tin với CNN tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy các phương tiện truyền thông quốc tế sẽ tin ai? Tin vào tuyên bố không có “hình ảnh” chứng minh của Nga, hay tin vào “băng ghi hình” của Thổ? Câu trả lời quá rõ ràng.
Phải sau đó Nga mới có thể đưa ra những chứng cứ không thể chối cãi dưới dạng các bức ảnh chụp từ vệ tinh và máy camera quan sát của Smetlivy – nhưng đến lúc đó rồi thì công chúng chẳng còn mấy ai để tâm tới những chứng cứ đó.
Điều tương tự cũng đã xảy ra khi các chứng cứ về vụ Su-24 do Nga cung cấp cho thấy chiếc máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận Syria khi bắn rơi máy bay ném bom của Nga.
Tại sao không ai nghe chứng cứ của Nga? Theo Pravda, đơn giản bởi vì đỉnh điểm của vụ việc đã qua, tất cả những gì diễn ra sau đó như lời thanh minh, chứng cứ… khó có thể nhận được sự quan tâm như ban đầu.
Trên các phương tiện truyền thông quốc tế đã xuất hiện nhiều phóng sự, bài viết… về việc Nga đang cố gắng khiến tình hình trở nên căng thẳng, rằng tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga là sự kích động mà cơ quan này muốn một lần nữa bôi nhọ “Tổng thống Erdogan yêu hoà bình”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao khi biết trước về những hành động khiêu khích mang tính PR mà Bộ Quốc phòng Nga vẫn đưa ra tuyên bố mà không có “hình ảnh” chứng minh?
Theo Pravda, hiện nay, trước mắt đang diễn ra cuộc chiến tranh thông tin mà trong đó Erdogan nắm lấy vị trí của kẻ khiêu khích công khai.
Đó chính là điều mà Liên minh Châu Âu muốn khi cấp hàng tỷ USD và hứa hẹn cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Khối dù nước này đã có hành động xâm lược lãnh thổ phía bắc của Cyprus – quốc gia, về mặt hình thức, là thành viên của EU. Mỹ cũng sẽ bắt đầu hỗ trợ trang bị vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tóm lại, theo Pravda, kĩ năng làm truyền thông còn yếu của bộ Quốc phòng Nga trong vụ này đã bị phía Thổ lợi dụng triệt để.