Bỏ ngoài tai những lời kêu gọi từ Mỹ về việc dừng chấm dứt những động thái đơn phương tuyên bố chủ quyền vô lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã và đang ra sức xây dựng và cải tạo phi pháp các đảo/đá thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam nắm chủ quyền.
Theo National Interest, cái gọi là "Vạn Lý Trường Thành" bằng cát này không chỉ là cách để Bắc Kinh thay đổi hiện trạng, mà nó còn phục vụ mưu đồ bành trướng và tham vọng "12 dặm hải lý" ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước tình hình này, giới cầm quyền Mỹ đang chọn lựa thời điểm thích hợp để thực thi quyền tự do đi lại trên Biển Đông theo đúng Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), văn bản mà Mỹ chưa chính thức kí kết nhưng tuân thủ, còn Trung Quốc đã tham gia nhưng không theo.
Chuyên gia Joseph Bosco, cựu chuyên viên các vấn đề Trung Quốc thuộc văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định, nếu Mỹ không sớm có những hành động cụ thể, niềm tin của các quốc gia Châu Á - TBD đặt lên Washington sẽ mai một nghiêm trọng.
Ông Bosco kêu gọi Mỹ hành động quyết đoán như những gì họ đã làm hồi năm 2013 tại Biển Hoa Đông.
Ông Bosco nhận định, việc Mỹ chần chừ chưa điều tàu tới khu vực chủ quyền 12 lãnh hải phi pháp của Trung Quốc đã cho Bắc Kinh thời gian để tạo ra một làn sóng quan ngại về những đáp trả của nước này trong trường hợp Washington có can thiệp.
Tuy vậy, chuyên gia này khẳng định, một khi Mỹ đã quyết định điều tàu, đó không nên là một động thái mang tính nhất thời mà phải là một bước khởi điểm, một phần của chiến dịch lâu dài chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo ông Bosco, Mỹ phải tái hiện lại sự cứng rắn nước này đã thể hiện trong vụ việc năm 2008, khi tàu sân bay USS Kitty Hawk bị Trung Quốc chặn ở eo biển Đài Loan.
Lúc bấy giờ, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương - Đô đốc Timothy Keating đã thẳng thừng tuyên bố: "Chúng tôi có thể thực thi quyền tự do đi lại bất kì lúc nào chúng tôi muốn mà không cần tới sự đồng ý của Trung Quốc".
Ông Bosco nhận định, phát ngôn của Đô đốc Keating là lời khẳng định thẳng thắn nhất của một quan chức Mỹ về quyền tự do đi lại trên các vùng biển do Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, và đó là điều Washington cần tái hiện trong thời gian tới trên Biển Đông.
Cô lập Trung Quốc về mặt quân sự
Ngoài những động thái chế ngự ban đầu như điều động Poseidon-8 tới "điểm nóng", Mỹ cũng đang thể hiện sự bất bình trước thái độ hung hăng của Trung Quốc trong khu vực bằng những hình thức khác.
Cụ thể, Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc cho Hải quân của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) "ra rìa" trong cuộc tập trận RIMPAC 2016.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không nằm trong danh sách các nước được Mỹ mời tham dự Hội thảo Lãnh đạo Quân đổ bộ PACOM tại Hawaii trong tháng này.
Theo ông Bosco, những động thái này cho thấy Washington đã nhận ra rằng việc tiếp tục hợp tác về mặt quân sự với một quốc gia nặng tư tưởng bành trướng như Trung Quốc không phải là một bước đi đúng đắn.
Còn về phía Bắc Kinh, chuyên gia này cho rằng đương nhiên họ sẽ xem sự "cô lập" này của Mỹ là những hành động "thù địch", với mục tiêu "chế ngự" thế lực của Trung Quốc trong khu vực.
Nhưng mặt khác, chính Trung Quốc là nước liên tiếp khước từ lời mời tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ biến Vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), trong khi hơn 100 quốc gia khác trên thế giới đồng ý làm thành viên.
Qua đó, theo ông Bosco, có thể thấy Trung Quốc không mấy đoái hoài tới những công cuộc bảo vệ ổn định an ninh thế giới nếu như điều đó không đem lại lợi ích trực tiếp cho nước này.