Thất vọng trước những chia rẽ của phương Tây trong vấn đề cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, mới đây, chia sẻ trên tờ New York Times, hai cựu quan chức Mỹ là Hans Binnendijk, cựu Giám đốc về chính sách quốc phòng tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2003 – 2006, đã đưa ra những lời bình luận về điều mà họ gọi là “Phép thử Mariupol”.
Theo tạp chí National Interest, hai vị quan chức trên nhấn mạnh nếu như và một khi lực lượng ly khai di chuyển tới thành phố cảng phía đông nam Ukraine là Mariupol, phương Tây cần tăng gấp đôi lệnh trừng phạt Moscow nhằm "loại Nga ra khỏi hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT", một biện pháp mà họ khẳng định là "có thể làm tê liệt nền kinh tế Nga vốn đang gặp nhiều khó khăn".
Ngoài ra, phương Tây cũng nên hỗ trợ đạn dược để Kiev đánh bật lực lượng ly khai ra khỏi khu vực miền đông Ukraine.
Hiện nay, thành phố Mariupol được xem là cầu nối quan trọng giữa bán đảo Criema và vùng đất liền của Nga. Trong đó, bán đảo Crimea mới sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi tháng Ba năm ngoái.
Tờ National Interest cho rằng nếu như phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine chiếm được thành phố cảng Mariupol, Moscow sẽ tạo ra được một hành lang dễ dàng cung cấp mọi thứ từ nhu yếu phẩm cho tới vũ khí và quân đội cho bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, theo hai chính trị gia Binnendijk và Herbst, Mariupol mới chỉ là sự khởi đầu cho một chiến dịch lâu dài của điện Kremlin nhằm hợp nhất các vùng đất “Novorossiya” (Tân Nga) như dưới thời Sa hoàng.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thận trọng tránh đề cập đến thuật ngữ “Novorossiya" sau khi ông vô tình nhắc đến cụm từ này trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Tư năm ngoái.
Nhà lãnh đạo Nga cũng thẳng thừng phủ nhận rằng cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập của bán đảo Crimea hồi năm ngoái là một dạng của "Novorossiya".
Thay vào đó, Nga đã nhiều nhắc nhấn mạnh Moscow muốn Ukraine trao quyền tự trị cho khu vực Donbass, bảo vệ quyền sử dụng ngôn ngữ và văn hóa của những người nói tiếng Nga ở Ukraine cũng như ủng hộ tính trung lập của Ukrraine, bao gồm cam kết lâu dài không lôi kéo Kiev gia nhập liên minh quân sự NATO.
Trong khi đó, ông Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu cho rằng mục đích của Tổng thống Putin không phải là khôi phục lại đế chế Nga hay Liên bang Xô viết.
Những gì ông Putin muốn là hồi sinh vị thế cường quốc số 1 của Nga, khiến các cường quốc khác phải tôn trọng lợi ích chính trị cũng như lịch sử và văn hóa lâu đời trong mối quan hệ giữa Nga với Ukraine và các nước từng nằm trong khối Liên Xô cũ.
Mặc dù, các quốc gia phương Tây từng liên thủ để đối phó với Nga song hiện nay, nội bộ châu Âu lại đang rơi vào vòng xoáy bất đồng về cách nhìn thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 hiện đang được thực thi tại Ukraine.
Ở phương Tây, nhiều người cho rằng thỏa thuận Minsk đã bao hàm sự nhượng bộ của Nga.
Song, mới đây, tờ The Guardian dẫn lời tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk nhấn mạnh: "Thỏa thuận Minsk sẽ chỉ có ý nghĩa nếu như các bên liên quan tuân thủ mọi quy định.
Nếu chỉ thực thi một phần thỏa thuận, nó sẽ gây hại cho Ukraine. Điều đầu tiên, chúng ta cần nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực biên giới của Ukraine".
Thực tế, liên quan tới sự hợp nhất lãnh thổ, thỏa thuận Minsk 2 lại đang hối thúc Kiev ưu tiên xem xét việc "trao quyền tự trị đặc biệt" cho hai khu vực miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk.
Nhưng đây lại là một trong những vấn đề bị Quốc hội Ukraine lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Còn với Nga, thỏa thuận Minsk 2 có thể là một bước tiến trong việc tạo ra những điều kiện như giành quyền tự chủ thực sự cho khu vực Donbas.
Nếu như cuộc chiến tại Mariupol bùng nổ, số người thiệt mạng tại Ukraine sẽ không ngừng tăng nhanh. Và nếu như các nước phương Tây bao gồm Mỹ quyết định hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, họ sẽ vô tình bị cuốn vào cuộc chiến với Nga.
Kết quả là, phương Tây cũng sẽ không thể tiến hành các cuộc đàm phán chính trị lâu dài với Moscow nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ổn định cho toàn khu vực miền đông Ukraine.
Nhưng, ngay chính trong nội bộ phương Tây bao gồm Đức và Pháp là những quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất và khẳng định không hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine nhằm tránh làm gia tăng thêm căng thẳng và xung đột tại khu vực miền đông nước này.
National Interest thì nhận định trong bối cảnh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cho hay ông sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thì nhà ngoại giao Mỹ cũng nên làm như vậy với Tổng thống Putin, dù rằng "muộn còn hơn không".