Báo Mỹ chua cay chỉ trích "món quà" Obama dành tặng Putin tại LHQ

Đức Huy |

"Chiếc ba-toong quyền lực đã chính thức được chuyển giao cho cường quốc duy nhất trên thế giới hiện nay, và Vladimir Putin đã vui vẻ đón nhận nó" - New York Post viết đầy chua cay.

"Món quà" Mỹ dành tặng Nga

Tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn là một gương mặt được giới lãnh đạo kính trọng và nể phục. Với khả năng hùng biện mẫu mực, bài phát biểu của ông vẫn được đánh giá cao và xứng đáng với những tràng pháo tay hưởng ứng từ đại diện các nước.

Nhưng nếu để ý kĩ hơn, những nhân vật bị ông Obama "điểm mặt chỉ tên" trong bài phát biểu của mình, trớ trêu thay, lại không có ở đó để nghe Tổng thống Mỹ nói về mình. Putin, al-Assad, Tập Cận Bình, hay Hassan Rouhani, dù vô tình hay cố ý, đều vắng mặt.

Điều này, theo New York Post, cho thấy sự khác biệt giữa Obama và Putin. Dù phát biểu của Tổng thống Mỹ có "được lòng" công chúng đến mức nào, thì cũng rất hiếm khi những gì ông nói về đối ngoại được chuyển hóa thành hành động.

Bài báo đăng trên New York Post hôm 29/9 vừa qua.
Bài báo đăng trên New York Post hôm 29/9 vừa qua.

Còn về phía Putin? Chẳng mấy ai vỗ tay trong bài phát biểu của ông, nhưng điều này không quan trọng. Bản thân Putin không quan tâm mình có được yêu thích hay không, mà điểm mấu chốt, theo New York Post, là những gì Tổng thống Nga nói được, ông sẽ làm được.

Đó cũng là cái cách mà dù kinh tế Nga đang phải chống chọi với một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước đến nay, chiếc ba-toong biểu trưng quyền lực toàn cầu vẫn đến tay Vladimir Putin, và nó được chuyển đến, không ai khác, từ chính nước Mỹ.

Một "món quà" khác

Trên trang web của viện nghiên cứu Atlantic mới đây cũng đăng tải một bài viết với nhan đề: A Gift to Putin (Một Món quà dành tặng Putin), trong đó đặt dấu hỏi cho một quyết định khó hiểu của Tổng thống Obama và đội ngũ cố vấn đối ngoại của ông.


Bài viết đăng trên website Viện nghiên cứu Atlantic.

Bài viết đăng trên website Viện nghiên cứu Atlantic.

Cụ thể, đó là việc ông Obama đã... quên không đặt lịch gặp mặt với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Có thể thông cảm phần nào cho Tổng thống Mỹ vì rõ ràng ông không thể có đủ thời gian gặp mặt tất cả 193 lãnh đạo đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại New York trong khuôn khổ cuộc họp thứ 70 của Đại hội đồng LHQ.

Trong đó, sự xuất hiện của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, một phần vì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm ông đích thân có mặt tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ, cũng như trong bối cảnh Nga vừa ra quyết định can thiệp quân sự tại Syria.

Chuyên gia John Herbst thuộc Viện nghiên cứu Atlantic đã dùng từ "kì quặc" để nhận xét về việc ông Obama quyết định gặp lãnh đạo Nga bên lề LHQ mà lại cho ông Poroshenko "ra rìa", trong khi Mỹ luôn một mực nhấn mạnh sự ủng hộ của mình với Kiev và lên án Moscow.

Và điều đó cũng chẳng khác nào một "món quà" khác Obama dành tặng Putin trong lần gặp mặt này tại LHQ. Việc đàm phán với Nga về vấn đề Syria thì hoàn toàn dễ hiểu, nhưng nếu Obama thực sự muốn đứng về phía Kiev, tại sao ông lại không hẹn gặp Poroshenko?

Một cuộc đối thoại với Tổng thống Ukraine sẽ giúp ông Obama đạt được nhiều mục đích: khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với Kiev, làm yên lòng 45 triệu người dân Ukraine, cũng như tạo cú hích cho một chính phủ đang gặp nhiều khó khăn của ông Poroshenko.

Liên quan đến việc này, tờ Ukraine Today có vẻ như muốn "chữa cháy" bằng bài viết đưa tin ông Obama và ông Poroshenko hôm 29/9 đã có một cuộc gặp "không được lên lịch trước nhưng rất nghiêm túc" (nguyên văn: "unscheduled but serious conversation").


Ông Obama và ông Poroshenko nói chuyện bên lề cuộc họp tại LHQ. Ảnh: Ukraine Today

Ông Obama và ông Poroshenko nói chuyện bên lề cuộc họp tại LHQ. Ảnh: Ukraine Today

Theo phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Sviatoslav Tseholko, trong cuộc nói chuyện này ông Obama đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ Kiev trong tiến trình cải cách của Ukraine.

Đồng thời, ông Tseholko cũng cho biết Tổng thống Mỹ đã khẳng định sẽ tiếp tục hướng tới giải quyết tranh chấp tại miền đông Ukraine bằng biện pháp hòa bình.

Dẫu vậy, nếu so với 90 phút đàm đạo của lãnh đạo Nga-Mỹ, thì cuộc đối thoại Mỹ-Ukraine theo kiểu "chữa cháy" này thật chẳng mang nhiều ý nghĩa, chí ít là về mặt ngoại giao.

Phải một tuần nữa mới đến sinh nhật lần thứ 62 của Putin (7/10), nhưng phải nói rằng ông đã nhận được những "món quà" sớm không thể tuyệt vời hơn ngay tại New York.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại