Báo Mỹ: Chính phủ đóng cửa, Trung Quốc được lợi

New York Times vừa có một bài viết nói việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã sản sinh ra ít nhất một người thắng cuộc: Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ tư đã gặp các lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm cố phá vỡ một bế tắc dẫn đến đóng cửa nhiều mảng rộng của chính phủ liên bang, nhưng không có bước ngoặt nào.

Trong khi các cuộc tranh cãi tập trung vào 10 tác động đau đớn nhất của việc kéo dài sự ngưng hoạt động của chính phủ bao gồm: hàng triệu cựu chiến binh có thể không được nhận trợ cấp; chương trình chống cúm phải ngừng; một số hoạt động về an toàn thực phẩm sẽ ngưng; trẻ bị ung thư có thể không được hỗ trợ chữa bệnh... báo chí Mỹ báo động một hệ quả nữa.

New York Times vừa có một bài viết nói việc chính phủ đóng cửa đã sản sinh ra ít nhất một người thắng cuộc: Trung Quốc.

 	Nhiều địa điểm du lịch, gồm cả đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ hai bị đóng cửa

Nhiều địa điểm du lịch, gồm cả đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ hai bị đóng cửa

Bài báo phân tích, bằng việc buộc Tổng thống Obama phải hủy chuyến viếng thăm tuần tới đến Malaysia và Philippines, thế bế tắc với những người Cộng hòa trong Quốc hội đang tước đi việc bày tỏ sự ủng hộ của ông Obama đối với hai quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã tròng trành dưới cái bóng của Trung Quốc. Và nó đang làm suy yếu nỗ lực rộng hơn của ông trong việc đặt châu Á vào trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ.

Cho tới giờ, Nhà Trắng vẫn cố giữ lấy hai điểm dừng chân trong chuyến công du của ông Obama: một cuộc gặp thượng đỉnh về kinh tế của vành đai Thái Bình Dương tại Indonesia, trong đó ông hy vọng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin; và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Brunei, nơi ông dự định gặp Tân thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, với ít dấu hiệu của một thỏa hiệp sẽ giúp mở lại hoạt động của chính phủ vào cuối tuần này, ông Obama có thể cũng buộc phải bỏ nốt các chuyến viếng thăm này, và cử Ngoại trưởng John Kerry đi thay. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần thứ ba ông buộc phải hy sinh một chuyến đi châu Á vì những vấn đề trong nước. Tháng 3-2010 ông đã phải hoãn một chuyến thăm vì cuộc chiến đại tu hệ thống chăm sóc sức khỏe, và lại hoãn chuyến đi một lần nữa bốn tháng sau vì vụ tràn dầu ở vịnh Mexico.

Trong khi các kế hoạch của ông Obama thay đổi liên tục, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã bắt đầu một chuyến thăm Đông Nam Á đưa ông tới Indonesia và Malaysia. Trung Quốc, với sự thôi thúc mở rộng, rõ ràng là hưởng lợi từ tình trạng rối rắm ở Mỹ. Bắc Kinh từ lâu xung đột với nhiều nước Đông Nam Á, gồm cả Malaysia và Philippines về những xác nhận chủ quyền một số đảo đá trên biển Đông. Trong các chuyến thăm trước, ông Obama nói Mỹ muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và giữ cho các tuyến đường biển thông thương.

Ông Obama quan tâm đến Philippines và Malaysia vì những lý do khác nhau. Philippines là một đồng minh hiệp ước của Mỹ và chính quyền đã cố củng cố các đồng minh châu Á của mình, một phần để làm đối trọng với vai trò đang lên của Trung Quốc. Malaysia là một thành viên của Hiệp hội xuyên Thái Bình Dương, một khối mậu dịch khu vực mới ra đời là trụ cột kinh tế trong chiến lược châu Á của ông Obama.

Một nước Mỹ không thể quản lý không phải là điều Trung Quốc muốn, vì sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau. Nhưng trong cuộc đấu tranh ngoại giao giành sự ảnh hưởng trong khu vực, một Washington rối loạn chức năng đem lại lợi thế ngắn hạn cho Bắc Kinh, đặc biệt khi Trung Quốc đã vượt qua những biến động chính trị trong nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại