Báo Mỹ: Châu Âu và Mỹ không 'xử' Tổng thống Assad, phải trả giá

Vĩnh Thụy |

Báo The Wall Street Journal (WSJ) có bài phân tích: làn sóng người Syria ồ ạt chạy trốn cuộc nội chiến Syria, chính là hậu quả của việc châu Âu và Mỹ không "xử" Tổng thống Assad, khiến họ phải trả giá.

WSJ nêu: trong cuộc nội chiến 4 năm rưỡi qua, 250.000 người chết, đa số do bị chế độ Assad giết mà phương tây từ chối can thiệp. Hiện một nửa trong tổng số 25 triệu dân phải từ bỏ nhà cửa, ban đầu 4 triệu người chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan và nay hàng triệu người chạy qua châu Âu.

Khi biên giới châu Âu sụp đổ, nhiều khả năng sẽ còn hàng triệu người nữa chạy trốn cuộc nội chiến. Họ cực khổ “chạy giặc” bằng đường bộ hoặc đường biển.

Việc này “biến” Syria từ một vấn đề ngoại giao gai góc, trở thành một tình trạng khẩn cấp, đe dọa sự hòa nhập và hòa bình của Liên hiệp châu Âu (EU) và phơi bày cái giá phải trả của việc châu Âu và Mỹ không "xử" Tổng thống Assad.

Guido Steinberg, một chuyên gia ở Viện Đức vì quốc tế và các vấn đề an ninh, cũng là cựu cố vấn về khủng bố quốc tế của chính phủ Đức, nói:

“Nội chiến Syria gần châu Âu hơn Mỹ, và việc quan tâm giải quyết nó phải nên được xem là một vấn đề cốt tử, chí ít là tại châu Âu này. Nhưng châu Âu thật sự không có đầu mối để xử lý một cuộc khủng hoảng lớn tại Trung Đông. Chúng tôi cần Mỹ, nhưng Mỹ chẳng đáp lại”.

Syria không là cuộc xung đột gây ra làn sóng người tỵ nạn qua châu Âu. Hàng triệu người cũng rời bỏ nhà cửa ở Iraq. Người Afghanistan ngày càng muốn trốn khỏi sự bạo ác của Taliban.

Nhưng ở các cuộc chiến này, Mỹ và đồng minh châu Âu ít ra cố xử lý chuyện “giặc”: Mỹ đưa quân tới Iraq, đang không kích phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Iraq và Syria. Mỹ cũng duy trình một lực lượng quân ở Afghanistan.

Nhưng trong khi IS khiến thế giới phẫn nộ bằng những đoạn video xử tử kinh hoàng, nó không phải là nỗi nguy hiểm lớn nhất khiến dân Syria ồ ạt di cư.

Theo WSJ, phương tây chẳng hề xử lý sự bạo tàn của chế độ tổng thống Bashar Assad của Syria.

Theo Rami Abdurrahman, chủ nhiệm tổ chức Giám sát nhân quyền ở Syria (trụ sở tại Anh) vốn theo dõi số thương vong của cuộc nội chiến Syria, chế độ Assad phải chịu trách nhiệm với ít nhất 70% số người Syria bị chết, kể từ khi có cuộc nổi dậy chống chế độ Assad  hồi năm 2011.

Kế đến là lực lượng nổi dậy và IS phải chịu trách nhiệm về tỷ lệ tử vong còn lại.

Emile Hokayem thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) ở Bahrain, nói:

“Thảm họa nhân đạo hiện nay không phải là hậu quả đáng tiếc của cuộc chiến ở Syria. Nó là hậu quả hợp lý của chiến lược để Assad tồn tại. Đấy không phải là một tai nạn. Mà là một sự sắp xếp. Ông ta tìm cách trừng phạt kẻ bất trung thành với ông ta, và đổ gánh nặng cho cộng đồng quốc tế.

Hôm 16.9, khi trả lời phỏng vấn của báo giới Nga, ông Assad quy trách nhiệm cho các nước phương tây “chống lưng” quân nổi dậy, dẫn đến làn sóng tỵ nạn ồ ạt đổ qua châu Âu: “phương tây ủng hộ khủng bố từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, khi họ bảo đó là một cuộc nổi dậy hòa bình”.

Trong những năm đầu cuộc nội chiến, nhiều người Syria chỉ “chạy giặc” qua biên giới, hy vọng cuộc chiến kết thúc.

Nay, người có tiền và tay nghề muốn lập cuộc sống mới ở phương tây, nên họ liều mạng tìm đến châu Âu, vì kết luận chế độ Assad sẽ tiếp tục tàn sát.

Frederic C. Hof, cựu đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến gặp phe đối lập ở Syria, nói:

“Những người này nhận định Syria đã hết thời. Đó là hậu quả của sự tàn sát dân thường của chế độ Assad, và của việc phương tây không hề có phản ứng nào”.

Không quân Syria hiếm khi tấn công IS ở cuộc nội chiến 3 bên. Và “nhờ” Mỹ oanh kích IS, chế độ Assad có thể tập trung hỏa lực ở miền nam, bắc vốn do quân nổi dậy kiểm soát.

"Bằng cách “rải mưa bom” xuống dân thường ở đó, chế độ Assad  không cho phép có hoạt động kinh tế-quản lý ở những vùng này, và buộc người dân phải đi tỵ nạn," theo Hassan, nhà phân tích Trung Đông ở Viện hoàng gia các vấn đề quốc tế (Anh).

Ngày 17.9, một nguồn tin quân sự Syria nói với hãng tin Reuters: quân đội Syria bắt đầu sử dụng các loại vũ khí trên bộ và trên không do Nga cung cấp. Nguồn này nói: “Số vũ khí này đạt hiệu quả cao, tấn công các mục tiêu rất chính xác”.

Nguồn này không nói chi tiết về số vũ khí này, chỉ nói quân đội Syria đã được huấn luyện cách sử dụng chúng trong vài tháng qua, nay triển khai sử dụng.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Walid al-Moualem của Syria nói: Nga cung cấp vũ khí mới và huấn luyện quân Syria sử dụng chúng, không nêu tên bất kỳ loại vũ khí nào và không nói Nga giao khi nào.

Ông nói trên đài truyền hình: chính phủ chuẩn bị hành động nhiều hơn và nếu thấy cần thiết, Syria sẽ đề nghị quân Nga cùng chiến đấu với quân đội Syria. Ông khẳng định hiện không hề có quân Nga chiến đấu ở Syria.

Ngày 17.9, chính phủ Nga tuyên bố: sự hỗ trợ quân sự cho chế độ Assad nhằm chống bọn khủng bố, bảo vệ chủ quyền Syria và ngăn chặn “một thảm họa tổng lực” ở toàn Trung Đông.

Mỹ cho rằng Nga đang tăng cường hiện diện quân sự ở Syria nhằm  bảo vệ chế độ Assad. Chính phủ Mỹ muốn ông Assad phải rời bỏ quyền lực, đã ủng hộ quân nổi dậy vốn muốn lật đổ ông, người còn có sự hỗ trợ quân sự của Iran và tổ chức vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Ngày 16.9, các quan chức Mỹ phát hiện 4 trực thăng Nga mang vũ khí ở một căn cứ không quân Nga.

Reuters cũng đưa tin Nga đưa 200 quân, xe tăng, pháo cùng các phương tiện quân sự khác đến một căn cứ khác gần thành phố Latakia, hậu cứ của ông Assad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại