Báo Mỹ bình luận chuyện Putin “lao vào chảo lửa” cứu đồng minh Assad

Vĩnh Thụy |

Báo New York Times (NYT) phân tích Tổng thống Putin lao vào chảo lửa cứu đồng minh Assad, trong khi tờ Newsweek viết lãnh đạo Nga Vladimir Putin có những tính toán tầm cỡ để kéo tổng thống Syria khỏi sự cô lập của quốc tế.

Sau hai ngày không quân Nga không kích quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, đã rõ chuyện Moscow quyết giữ Tổng thống Bashar Assad làm lãnh đạo Syria.  

Tổng thống Putin lao vào chảo lửa cứu đồng minh Assad, vì Nga muốn ông Assad ở một vị thế mạnh tham gia vào một thỏa thuận chính trị, theo  Aleksei Makarkin, Phó chủ nhiệm Trung tâm công nghệ chính trị ở Moscow.

Ông Putin là "tay chơi" quyền lực, liều lĩnh

NYT viết ông Putin liều khi thực hiện điều mà không một nước nào khác dám làm: quân Assad suy yếu, mất nhuệ khí và chỉ còn kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Syria trong cuộc nội chiến 4 năm rưỡi qua.

Hè qua, quân đội Syria mất đất vào tay IS ở miền đông và  “Lực lượng chinh phục” (Army of Conquest, một liên minh đối thủ) ở miền tây bắc.

Ông Assad đã phải lên truyền hình tuyên bố quân đội thiếu quân trầm trọng, khi người dân và thanh niên đến tuổi đi lính hòa vào dòng người chạy tỵ nạn qua châu Âu và các nước láng giềng của Syria.

Trong khi IS hành quân thần tốc hòng chiếm thủ đô Damascus và thành phố Homes, “Lực lượng chinh phục” (gồm một nhánh của Al Qaeda có tên là Mặt trận Nusra và các nhóm nổi dậy được Mỹ huấn luyện, cung cấp vũ khí) lại gây sức ép lên các thành phố biển Latatica và Tartus, nơi ủng hộ ông Assad mạnh nhất.

Không kích vào các phe nhóm chống cả chế độ Assad lẫn IS, Nga tháo bỏ sức ép cho ông Assad, hướng tới viễn cảnh chuyển thế thua thành thắng cho quân đội Syria.

Theo NYT, lịch sử cho thấy Nga sẽ mệt mỏi khi giải quyết bằng giải pháp quân sự khi nhắc lại Mỹ với hàng chục ngàn quân và hỏa lực mạnh đã chẳng thể dẹp phe nổi dậy ở Iraq và Afghanistan.

Liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu không kích IS cũng không đạt kết quả cao.

Nhưng không kích IS là cách ông Putin củng cố vị thế Nga là một “tay chơi” quyền lực và liều lĩnh, theo nhận định của ông Sergei Karaganov, Chủ tịch danh dự Hội đồng chính sách quốc phòng-đối ngoại Nga, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại cho Điện Kremlin.

Tổng thống Putin thậm chí không tìm chiến thắng, theo  Konstantin von Eggert, nhà bình luận chính trị trên sóng phát thanh Kommersant FM (Nga): “Ông ấy muốn tham gia một cuộc đối thoại nghiêm túc, trong đó Nga giữ phải giữ một vai trò lớn.

Bố trí quân ở Syria xong, ông Putin sẽ chờ Mỹ cùng Nga đánh IS, nếu không phải Barack Obama thì ông sẽ chờ vị tổng thống Mỹ kế tiếp”.

Von Eggert nói thêm: “Quý vị không thể bỏ qua ông Putin, vì ông ấy có sự hiện diện quân sự ở Syria. Đó là một thực tế không thể lãng quên. Đó là những gã trai có súng thật, trong khi không có người Mỹ nào”.

Ông còn nói ông Putin đưa quân đến căn cứ không quân Latakia và Tartus là để bảo vệ quyền lợi của Nga ở Syria, chứ không phải để bảo vệ ông Assad, vì trên nguyên tắc bất kỳ chính phủ nào cũng có thể làm điều họ muốn làm.

Những tính toán chiến thuật của ông Putin

Theo Newsweek, việc ông Putin ra lệnh không kích IS không bất ngờ, vì Moscow chuẩn bị kịch bản này hồi trung tuần tháng 8: Một đoàn đại biểu quân sự Nga đến Syria xem xét khả năng đón chiến đấu cơ Nga của các căn cứ không quân.

Sau đó là thông tin Nga xây lại căn cứ Latakia cùng 2 căn cứ khác. Giữa tháng 9, số chiến đấu cơ và trực thăng Nga đến Syria vượt quá số phi công Syria có thể lái chúng.

Theo Nikolay Kozhano của Trung tâm Carnegie ở Moscow, quyết định hoạt động quân sự ở Syria hợp với chiến lược giải quyết nội chiến theo cách của Nga.

Ông Putin thường nhấn mạnh bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng phải xoay quanh chế độ Assad, và có thể có sự chia sẻ quyền lực với các phe đối lập “lành mạnh”.

Nga dứt khoát không chấp nhận yêu sách ông Assad phải từ bỏ quyền lực, trong khi Mỹ gọi đó là điều kiện tiên quyết để có thể bắt đầu một cuộc đối thoại.

Bảo vệ ông Assad cũng nhằm cho thế giới thấy Nga và Mỹ đối xử với bạn bè rất khác nhau: Mỹ có thể bỏ rơi các lãnh đạo như Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, nhưng Nga là một đồng minh tốt, xem ông Assad là người duy nhất có thể chống IS và giữ cho Syria khỏi sụp đổ.

Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria có thể giúp Nga gieo tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, ngoài việc tăng cơ hội tồn tại cho chế độ Assad.

Ngoài ra, bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào vào Syria cũng là thử thách với các nước khác. Nga nghi liên minh quân sự của Mỹ có thể được dùng vào việc lật đổ chế độ Assad. Triển khai không quân ở Syria giúp Nga giảm mối lo này.

Cùng lúc, bằng cách chia sẻ thông tin tình báo và điều phối nỗ lực quân sự Nga với Syria, Iran, Iraq, Moscow tiếp tục quảng bá ý tưởng lập một liên minh chống IS có sự tham gia của chế độ cầm quyền Syria, từ đó kéo ông Assad khỏi sự cô lập của quốc tế.

Nga cũng củng cố vị thế ngoại giao, bằng cách chứng minh rằng từ nay không thể có bất kỳ quyết định nào về Syria nếu không có sự liên quan của Nga. Chẳng phải tình cờ khi vừa không kích, Nga tăng cường tiếp xúc ngoại giao với phương Tây.

Nga có chịu nổi chi phí quân sự?

Tuy nhiên, động thái của Nga cũng có sự hạn chế. Lãnh đạo phương Tây đã phải nhức đầu xét có nên ủng hộ ý muốn giữ vai trò tác tạo hòa bình Syria của ông Putin.

Sau cuộc không kích đầu tiên, mức độ không tin Nga tăng lên, hậu quả là Nga sẽ gặp khó khăn khi thúc đẩy các ý tưởng ngoại giao.

Cuối cùng, là câu hỏi khả năng gánh vác chiến dịch quân sự của Nga tới mức nào.

Cứ cho là Moscow sẽ không đưa bộ binh đến Syria, nguồn tiền duy trì sự hiện diện quân sự sẽ thách thức nền kinh tế Nga đang bị cấm vận, trong khi chuyện đánh IS có thể kéo dài hàng tháng, chưa nói hàng năm.

Dù vậy, hiện xem ra Nga tin tưởng rằng họ đã chọn đúng chiến lược. Như thế, sẽ lãng phí thời gian nếu ai đó kêu gọi Nga ngưng hành động quân sự ở Syria.

Luồng ý kiến khác đặt câu hỏi khi ông Putin lao vào Syria, liệu ông có chuẩn bị sẵn “chiến lược tẩu thoát” nếu như Nga bị sa lầy vào cuộc nội chiến này?

Các quan chức Mỹ ráng giữ đẹp mặt trước thử thách trực tiếp của ông Putin, nói rằng họ tin lãnh đạo Nga sẽ sớm phải chịu trách nhiệm việc ông Assad thảm sát dân thường bằng vũ khí hóa học.

Một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên, nói: “Putin nay mắc nợ chuyện này, ngay cả khi ông ấy chưa biết. Nếu ông Putin đến đó cứu ông Assad, thì ông phải chịu trách nhiệm kiểm soát ông ta”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại