Gần đây, việc Âu Thiếu Khôn - nhân vật chống tham nhũng nổi tiếng ở Quảng Châu với biệt danh "chú Âu Quảng Châu" - bị cảnh sát Trường Sa, Hồ Nam bắt "khi đang mua dâm" khiến dư luận Trung Quốc xôn xao bởi vụ việc có nhiều tình tiết "lạ".
Nổi tiếng hơn Thị trưởng
Tờ Hàng Châu Nhật báo (Trung Quốc) giới thiệu, Âu Thiếu Khôn sinh năm 1953. Ông nổi tiếng với hoạt động giám sát hành vi lạm dụng xe công vụ và được tán dương là "đệ nhất giám sát xe công toàn quốc".
Hơn 10 năm qua, trong vai trò một người dân bình thường, ông Âu thường giám sát và tố cáo các trường hợp lạm dụng xe công của các quan chức.
Tư liệu công khai trên Baidu cho hay, từ 2006 tới 2012, ông Âu đã vạch trần hơn 100 vụ lạm dụng xe công. Rất nhiều người dân Trung Quốc khen ngợi hành động của "chú Âu", song cũng không ít người tỏ ra hoài nghi về ông.
Trong quá trình thực hiện công việc của mình, "chú Âu" cũng nhiều lần bị đe dọa, thậm chí "xuống tay". Vào năm 2011 và 2012, Âu Thiếu Khôn từng 2 lần bị các nhóm đối tượng "đánh hội đồng".
Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp tìm cách hối lộ ông Âu. Tháng 2/2013, Âu Thiếu Khôn ghi được hình ảnh một chiếc xe "nghi là xe công dùng sai quy định" ở bên ngoài một khách sạn ở Quảng Châu.
Ngay sau đó, một cán bộ Cục chống buôn lậu thuộc Hải quan Quảng Châu "biếu" ngay cho "chú Âu" một chai rượu Tây đắt tiền cùng 5.000NDT (hơn 16 triệu VNĐ). Tuy nhiên, Âu Thiếu Khôn từ chối đòn mua chuộc, còn quan chức kia bị cách chức để điều tra.
Âu Thiếu Khôn nổi tiếng với việc giám sát và tố cáo hành vi sử dụng xe công trái quy định.
Theo Hàng Châu Nhật báo, cái tên "chú Âu" do người dân đặt cho Âu Thiếu Khôn như một cách gọi thân mật đối với ông Âu. Tờ Tuần san Nhân vật phương Nam còn bình luận, Âu Thiếu Khôn "dường như nổi tiếng hơn cả Thị trưởng".
Trong quá khứ, "chú Âu" từng làm nhân viên quản lý thị trường ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu. Năm 2000, ông nghỉ việc và dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ khoảng vài trăm tệ/tháng để sinh hoạt.
Khi "thời đại Weibo" bùng nổ, hoạt động của Âu Thiếu Khôn mở rộng hơn. Ông từng chỉ trích mạnh mẽ phương án tăng giá nước của Quảng Châu, quyên góp tiền cho một cô gái bị bệnh máu trắng hay giúp nông dân ở Phật Sơn khiếu nại...
Hàng Châu Nhật báo cũng cho hay, Cục dân sinh từng có thời gian lấy lý do "khai man thu nhập thành viên gia đình" để cắt trợ cấp đối với ông Âu và mẹ, nhưng sau phải khôi phục trở lại.
Sau "sự kiện mua dâm", Âu Thiếu Khôn trả lời phỏng vấn tờ Tiền Giang Buổi tối (Trung Quốc) cho biết - "Tôi sẽ tiếp tục công việc giám sát xe công. Chuyện này và chuyện đó (bị cảnh sát bắt vì "mua dâm") là 2 việc không liên quan đến nhau."
"Chú Âu Quảng Châu" kiên quyết phủ nhận mình có hành vi mua dâm và tuyên bố "bị gài bẫy". Hiện tại, ông Âu đã ủy thác 2 luật sư từ Bắc Kinh và Quảng Châu giúp ông "bảo vệ quyền lợi theo pháp luật".
"Tôi cảm thấy mình không nên gục ngã. Cho dù tôi có mua dâm, thì cũng không có luật nào cấm bị xử phạt (vì mua dâm) thì không được giám sát xe công cả.
Con đường này (giám sát việc sử dụng xe công) cần phải càng chiến đấu càng dũng cảm" - Âu Thiếu Khôn nói.
Tố xe công của cảnh sát ngay trước khi bị bắt "mua dâm"?
Theo Tân Kinh báo, chiều 26/3 - tức trước khi diễn ra cuộc nhậu tại khách sạn mà ông Âu bị bắt, Âu Thiếu Khôn đã đăng tải trên Weibo của mình thông tin về 2 chiếc xe công bị sử dụng sai quy định.
Theo đó, 10h sáng ngày 26 tại "Mao Trạch Đông cố cư" - cách thành phố Trường Sa 120km, "chú Âu" phát hiện chiếc xe công vụ Toyota màu bạc biển Quảng Châu OA2401.
Chiếc xe Toyota được cho là thuộc công an Quảng Châu bị "chú Âu" tố trên Weibo ngay buổi sáng 26/3 - ngày ông bị bắt "khi mua dâm".
Tân Kinh phát hiện, hôm 31/10/2014, từng có cư dân mạng khiếu nại trên Weibo cảnh sát Thâm Quyến chiếc xe OA2401 nói trên "lấn vạch liền vượt xe". Tuy nhiên, cảnh sát giao thông Thâm Quyến không có phản hồi.
Ngày 2/4, một nguồn tin từ cảnh sát Quảng Châu tiết lộ với Tân Kinh, chiếc xe biển số OA2401 thuộc phân cục Việt Tú của Cục công an thành phố Quảng Châu.
Cũng theo Tân Kinh, trên mạng internet của Trung Quốc đã xuất hiện ý kiến bày tỏ nghi vấn về mối liên quan giữa việc "chú Âu" bị bắt và chiếc xe công kia.
Âu Thiếu Không cho biết - "Khi chưa có chứng cứ rõ ràng, tôi sẽ không liên hệ 2 sự việc với nhau".
Về việc chiếc xe Toyota OA2401 có phải là xe công bị sử dụng trái quy định hay không, cảnh sát Quảng Châu vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức. Ông Âu cho biết sẽ làm việc với Cục kiểm sát thuộc Ủy ban kiểm tra Quảng Châu để tìm hiểu vấn đề này.
"Bị" du lịch
Theo Wangyi, tối hôm 3/4, "chú Âu Quảng Châu" nói qua điện thoại với phóng viên rằng "đang bị 2 cán bộ công an Quảng Châu và các cơ quan hữu quan 'đưa ra ngoài du lịch'", đồng thời cho biết mình đang trên đường cao tốc.
Âu Thiếu Khôn cho hay, ông "thân quen" với 2 cán bộ nói trên, nhưng từ chối tiết lộ thêm thông tin. 19h tối 3/4, ông Âu viết cụt lủn trên Weibo - "Bị du lịch, đang trên đường".
Tuy nhiên, Phòng tuyên truyền Cục công an Quảng Châu và Ban tuyên giáo thành ủy Quảng Châu đều cho biết "không nắm được thông tin việc này".
Âu Thiếu Khôn cho biết đang "bị du lịch", khiến báo chí Trung Quốc "đau đầu" tìm lời giải.
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Kiều Chí Phong đặt nghi vấn, "2 cán bộ" nói trên rốt cuộc là ai? Việc đưa ông Âu đi "là việc công hay tư"?
Xuất phát từ dòng trại thái trên Weibo, cần đặt câu hỏi "chú Âu" có bị mất tự do cá nhân hoặc không tình nguyện đi theo "2 cán bộ" hay không? - ông Kiều cho hay.
Ông Kiều cũng nêu vấn đề, chi phí chuyến "bị du lịch" của Âu Thiếu Khôn sẽ do ai thanh toán? Nếu không phải là "2 cán bộ"... tự móc hầu bao thì chắc hẳn phải là "chi phí công". Qua đó, Kiều Chí Phong chất vấn hành động này có phải là "lạm dụng công quỹ"?
Theo ông Kiều, những hành động của cảnh sát Quảng Châu đối với "chú Âu" cũng khá "kỳ lạ".
Nhà bình luận này cho rằng, việc cảnh sát Quảng Châu "đón" Âu Thiếu Khôn từ Hồ Nam về ngay lúc ông này được thả có khả năng nhằm "giải quyết vấn đề nào đó" và bày tỏ hoài nghi liệu về sau ông Âu còn "được đãi ngộ cao cấp" ra sao?